Bài viết

Chó đói gặm xương

1/10/2012 12:00:00 CH


Một con chó đói lả, suy nhược lần mò tìm đến một lò giết bò. Ở đấy có rất nhiều tay dao thiện xảo. Họ giết bò, khéo léo lóc xương - lóc cho đến không còn một chút thịt; khúc xương chỉ dính ít máu. Họ quăng khúc xương cho chó đói. Chó đói mừng lắm, tha xương đến chỗ vắng, dùng hai chân trước giữ chặt khúc xương, gặm lấy gặm để. Càng gặm, nước dãi càng chảy ra, ban đầu chó tự thấy sung sướng, nhưng rốt cục, nó chỉ nuốt nước dãi của mình, nhọc mệt, khốn khổ mà đói vẫn hoàn đói!

(Theo kinh Trung bộ, tập II, kinh Potaliya - Potaliya Sutta. HT. Thích Minh Châu Việt dịch)

Bàn thêm:

Ẩn dụ trên tuy hết sức súc tích, ngắn gọn - một hình ảnh bình thường diễn ra trong đời sống hàng ngày mà ai cũng có thể chứng kiến - nhưng nó bao hàm một ý nghĩa triết lý rộng lớn trong Phật giáo, vấn đề được xem là nguồn cội của khổ đau và sinh tử luân hồi: vấn đề tham dục!

Dục (kāma - lòng khát khao, ham muốn, mong mỏi) là một trạng thái tâm lý phổ biến, chi phối sâu sắc đến mọi hoạt động sống của tất cả chúng sinh. Đây là một trong những chướng ngại lớn nhất trên con đường giải thoát, giác ngộ. Đức Phật ví: “Dòng ái dục tuôn chảy khắp nơi như giống cỏ mạn-la mọc tràn lan mặt đất” (PC.340) ...Truy đuổi vị ngọt của các dục cũng như con chó đói ra sức gặm xương, tự sướng vì nước dãi của mình, song không thể thỏa được cơn đói...

Thực nghiệm ngay trên bản thân với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, dễ dàng nhận thấy rằng, trong từng sát na, chúng ta đã luôn truy tìm sự khả ái, dễ chịu và chối bỏ, trốn chạy những sự bất khả ái, khó chịu. Cuộc truy đuổi - trốn chạy ấy diễn ra không bao giờ cùng. Cái nhân này tiếp nối cái quả nọ miên viễn, nên vòng sinh tử luân hồi cũng không thể nào chấm dứt. Đơn cử như trong khi ngồi thiền: một làn gió mát, một trạng thái lâng lâng… luôn khiến ta thích thú; sự tê buốt, đau nhức, ngứa ngáy… luôn khiến ta khó chịu. Những sự truy đuổi, trốn chạy ấy càng diễn ra dữ dội hơn đối với những hoạt động khác.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối mặt với tám ngọn gió đời (bát phong): mong ước được lợi lộc - lo sợ bị thua thiệt; mong ước được lạc thú - lo sợ khổ đau; mong ước được lừng danh, vinh quang - lo sợ bị thất sủng, ghét bỏ; mong ước được ngợi khen - lo sợ bị chê bai. Tám ngọn gió này luôn khiến chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, cứ luôn nơm nớp lo sợ.

Một giai thoại kể rằng, Tô Đông Pha, sau khi bị giáng chức và đày đi Hàng Châu, đã kết thân với Thiền sư Phật Ấn. Một hôm, ông sáng tác được bài thơ rất hay, ngợi ca Đức Phật:

Đảnh lễ Bậc Giác ngộ
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng

Vì quá tâm đắc bài thơ, ông ngâm đi ngâm lại suốt mấy ngày, rồi sai tiểu đồng chèo thuyền sang bờ sông bên kia, đến chùa Kim Sơn, trao cho Thiền sư Phật Ấn, hy vọng nhận được một lời ngợi khen. Thế nhưng, thay vì khen ngợi, Phật Ấn phê “Fang pi!”, tức “Cái rắm!”. Ông đã “đánh rắm” vào bài thơ! Quá tức khí, Tô Đông Pha vội đích thân bươn bả chèo thuyền sang sông, quyết gặp Phật Ấn để hỏi tội. Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: “Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ đánh rắm?”. Thiền sư Phật Ấn liền cười xòa: “Ông nói Tám gió thổi không động, vậy mà chỉ một cái đánh rắm thôi đã vội bay sang sông rồi!”. Tô Đông Pha hốt nhiên bừng ngộ...


A Lan Nhã - Theo: Nguyệt san báo Giác Ngộ 189

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét