Bài viết

Chính niệm có nghĩa là không quên!

6/20/2011 09:54:00 SA

Bạn Tùng nhóm Bồ Đề Tâm có gửi cho chúng ta một trích đoạn rất hay về chính niệm. Không biết là của vị guru nào? Các bạn xem nhé:

"Sati (chánh niệm) có nghĩa là “không quên”. Nó không có nghĩa là chú tâm.

Quý vị hiểu và định nghĩa sati như thế nào? Nó có nghĩa là ghi nhớ; chú tâm không phải là chánh niệm. Quý vị không quên cái gì? Quý vị không quên cái đúng, cái phải. Nó có nghĩa là không quên “đối tượng đúng” và thái độ đúng. Việc không quên đó chính là chánh niệm, chứ không phải là chú tâm. Khi chúng ta nói sử dụng chánh niệm, nó không phải là đặt sự hay biết ở một nơi nào đó (hay trên một cái gì đó). Nó có nghĩa là không quên.

Bản chất của sự vật chỉ là danh và sắc. Chỉ có thế thôi. Trong ngũ uẩn, luôn có danh và sắc. Nếu quý vị không quên tức là quý vị đang có chánh niệm. Nếu quý vị hay biết điều gì đang xảy ra, quý vị cũng đang có chánh niệm.

Quý vị phải làm gì để không quên? Quý vị làm gì để có chánh niệm? Phần lớn mọi người cho rằng, để có chánh niệm, họ phảiđưa sự hay biết vào. Tôi sẽ nói cho các quý vị một phương pháp thư giãn hơn: nhắc nhở mình. Khi quý vị đưa“chánh niệm trở lại”, hoặc “đưa chánh niệm vào”, quý vị phải đặt sự hay biết trên một đối tượng. Điều đó đòi hỏi sự chú tâm. Tâm phải tóm cái tâm đang suy nghĩ linh tinh, rồi đưa chánh niệm về một đối tượng. Điều đó đòi hỏi cố gắng chú tâm.

Nhắc nhở mình tức là tư duy. Tâm tư duy về tâm và thân. Và sự hay biết tự động tới. Nếu quý vị không tin tôi, hãy tự hỏi mình. Nếu quý vị hỏi, “cái gì đang xảy ra trong tâm hiện nay”, gần như chắc chắn quý vị sẽ thấy cái gì đó. Vậy cái gì đang xảy ra trong tâm hiện giờ? Sự bình an? Trạo cử? Bất bình? Cái gì đang xảy ra? Nếu quý vị thấy được cái đó, quý vị có thể nói được điều gì đang xảy ra trong tâm, dù chỉ sơ sài mà thôi. Quý vị có thể thấy rằng, nếu quý vị nghĩ về tâm, sự hay biết sẽ hướng về tâm. Nói một cách rõ ràng, thiền về cơ bản là quay tâm vào bên trong. Đó là ý nghĩa của chánh niệm.

Tâm có thói quen nắm bắt các hiện tượng bên ngoài. Ta luôn chú ý đến bên ngoài, và thường là qua nhãn căn (mắt). Như vậy, tâm thường sử dụng nhãn căn và luôn nhìn ra bên ngoài. Cái mà chúng ta làm chỉ là quay cái tâm luôn hướng ra bên ngoài vào bên trong việc hành thiền. Sẽ dễ dàng hơn nếu quý vị hiểu điều này.

Vậy quý vị quay nó vào bên trong như thế nào? Chỉ cần quý vị nghĩ đến việc quay vào trong, tâm đã quay vào trong rồi. Bản chất của tâm là lấy cái nó nghĩ đến làm đối tượng. Nếu quý vị nghĩ đến cái đang xảy ra trong tay mình, chẳng phải tâm đi thẳng tới tay sao? Nếu quý vị hỏi, “cái gì đang xảy ra trong đầu tôi”, lập tức tâm đã ở đầu. Quý vị có phải tập trung nhiều cho việc đó không? Sẽ mệt mỏi hơn khi quý vị phải “đưa chánh niệm về” mỗi khi nghĩ, “ôi, mình lại mất chánh niệm rồi, mình phải chánh niệm lại mới được.”

Hãy nghĩ tới mình ngay từ giây phút quý vị thức giấc. Hành thiền bắt đầu kể từ khi quý vị thức giấc, chứ không chỉ khi quý vị tới thiền đường hay khi ngồi lên tọa cụ. Hãy coi xem quý vị sẽ sống thế nào với chánh niệm. Chính vì vậy quý vị phải đặt những câu hỏi này kể từ lúc thức giấc.

Nếu quý vị nghĩ về mình, quý vị sẽ có chánh niệm. Nghĩ đến mình ở đây có nghĩa là gì? Là nghĩ đến ngũ uẩn (khanda), mà ở đây là tâm. . Nói đến mình, tức là nói đến khanda, đến tâm. Tâm đang cảm thấy gì? Tâm đang nghĩ gì? Tâm đang ở đâu? Nó đang làm gì? Không cần thiết phải dùng nhiều năng lượng để chánh niệm. Như vậy chẳng phải quý vị có thể thực hành mọi lúc, mọi nơi hay sao? Quý vị cũng cần sử dụng cái mình biết về bản chất của tâm. Bản thân tôi cũng khởi đầu như vậy.

Bản chất của tâm là nắm bắt cái nó nghĩ tới làm đối tượng. Nếu quý vị nghĩ đến tâm, tâm sẽ quay về tâm. Nếu quý vị nghĩ đến thân, tâm sẽ quay về thân. Thân thì đơn giản, nó rất dễ nhận ra, dễ thấy. Với sự thực hành, ta cũng dần thấy được tâm. Tôi chú ý hơn đến cái tâm quan sát. Tại sao chúng ta không thể thấy cái tâm quan sát này? Vậy, chớ có chú tâm vào đối tượng. Chỉ cần hỏi, “cái gì đang xảy ra trên tâm?”. Quý vị vừa hỏi là lập tức tâm sẽ hay biết một cái gì đó. Nó hay biết về cái gì cũng được."

Thật dễ dàng phải không, nếu chính niệm là chú tâm đến đối tượng nào đó thì có khác gì bám chấp, chắc chắn sẽ gây mệt mỏi và căng thẳng. Rất nhiều người đã mắc vào ngõ cụt này kể cả mình, vì vậy mới bị thầy chê định quá nhiều, tuệ quá ít là vậy.

Chính niệm thật ra chỉ là luôn biết trạng thái của tâm mình, nó có căng thẳng không, nó đang làm gì, muốn gì, phiền não hay hưng phấn, v.v. Chỉ có vậy thôi, nhưng 24/24 không rời một sát na.

Như bạn Đinh Phong có chia sẻ, theo các vị guru thì một người chỉ cần liên tục sống trong chính niệm suốt 7 ngày tức 168 giờ, tức 10.080 phút, tức 604.800 giây lập tức sự giác ngộ sẽ tới... hihi, đùa tý thôi.



Những bài viết liên quan

0 Nhận xét