Chia sẻ

Tám về... luân hồi và trường học cuộc đời

6/27/2011 11:34:00 SA

Mỗi lần lên chùa đàm đạo với Thầy, vẫn xoay quanh chủ đề cũ vậy, nhưng sao lần nào mình cũng thấy nhiều cái hay, cái mới. Đâu có phải riêng mình mà ai cũng vậy. Thu hoạch được nhiều nhất chắc là Như Hải, rồi đến Pháp Trung, đến nỗi anh phải thốt lên:"Cuộc đời đúng là vô lượng các bài học...!"


Nói đến "trường học cuộc đời" vốn không có gì mới. Ai cũng đều học được không ít từ những trải nghiệm sống của mình, nhưng hình như tất cả những điều đó vẫn chưa đủ. Nhiều lúc lại như bạn Quang, cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa. Tự nhiên ta sinh ra, học hỏi bao nhiêu điều, rồi nỗ lực phấn đấu, nỗ lực hưởng thụ, thu vén mọi thứ, để rồi lại chết đi không mang theo bất cứ cái gì.

Chết là hết! Vậy học hỏi và nỗ lực để làm gì? Biết là để cho con cái, nhưng rồi chính chúng cũng lại chết đi...

Biết vậy mà bất cứ ai đang sống vẫn không ngừng học hỏi và nỗ lực. Phải chăng sâu trong tiềm thức, không ai tin rằng chết là hết? Cuộc đời chắc chắn sẽ là trường học vĩ đại nhất, nếu chết đi không phải là hết tất cả! Mọi người có thấy như vậy không?

Mình nhớ Thường An có cô bạn, học hoài bài học tình yêu mà chưa xong. Cứ yêu, rồi chia tay, rồi tự vẫn, được cứu, rồi lại quên đi, rồi lại yêu... Cứ như vậy vài ba lần đến nỗi người thân chán quá, nghe nói cô uống thuốc ngủ tự vẫn cũng hết lo luôn.

Như Thầy nói nếu mình học bài học nào chưa xong, thì cứ học đi học lại hoài, kiếp này không xong thì sang kiếp khác. Tất cả những phiền não mà mình gặp trong cuộc sống đều là những bài học chưa xong, như các cụ xưa vẫn nói:"Ghét của nào trời trao của ấy". Người càng mô phạm chắc chắn trong gia đình sẽ có người thân không đâu vào đâu để bận tâm. Người càng mong sống nhàn hạ thì công việc càng đổ lên đầu. Càng mong lập gia đình, thì đến phút chót lại rất hay đổ vỡ, người có tiền thường hay có bệnh tật để mà lo toan, người càng ưa ăn nói nhẹ nhàng thì nhiều khi phải sống cả cuộc đời bên cạnh người khắc khẩu với mình, v.v... Có những bài học mà ta học vài chục kiếp cũng chưa xong, cứ lặp đi lặp lại nên mới gọi là "ngụp lặn trong vòng luân hồi sinh tử" vậy.

Vì học mãi không xong... nên cũng muốn xem lại cho rõ, thật ra cuộc sống muốn dạy cho con người điều gì? Ý nghĩa của tất cả những sự lặp đi lặp lại đó là gì? Và qua buổi đàm đạo với Thầy hôm thứ Bảy, câu trả lời bắt đầu lộ diện phải không các bạn?

Sự học hỏi và phấn đấu mà ta đang làm thật ra là trốn tránh. Tránh cái khó chịu mà tìm cái dễ chịu. Rất ít khi ta chấp nhận hoàn toàn điều gì. Thấy làm việc bận quá thì muốn tránh đi tu, rồi thấy tu nhàn quá thì lại muốn làm từ thiện cho có việc bận bịu. Làm kinh doanh thì muốn kiếm tiền càng nhanh càng tốt, khi tu tập thì cũng loay hoay tìm cách được lợi sao cho thật nhanh. Tất cả chỉ khác nhau về hình thức chứ bản chất là một. Có câu thơ từng nói, những gì ta làm thật ra chỉ là:"thay quần đổi áo" chứ có gì khác đâu.

Vì cái mà ta quan tâm luôn là kết quả, là những gì ta thu được, chưa bao giờ là thái độ, là cách ta đối diện với những gì xảy ra. Mà kết quả thì lúc nào cũng mong manh vô thường, trăm hình vạn trạng, mỗi lúc một khác, đâu có chiều ý ta. Nên ta cứ đuổi theo hoài hoài, không ngụp lặn sao được.

Ai cũng biết cứ tránh bài khó, đuổi theo bài dễ như vậy, thì làm sao học cho xong đây. Nhưng biết thế thôi chứ làm thì còn phải từ từ. Thế mới có bài viết:"Không muốn quay đầu về bờ" là vậy.

Thôi thì cứ tiếp tục, cho đến khi nào thấy ra và cảm nhận trọn vẹn tất cả mọi chuyện gọi là tốt hơn cũng chỉ như vậy, và những cái gọi là xấu hơn cũng chỉ đến thế. Trốn tránh và luồn lách mãi cũng chán, nên bắt đầu cái gì đó thật sự thôi.

Pháp Thuận









Những bài viết liên quan

1 Nhận xét