Chân lý

Cốt lõi của sự giác ngộ

9/04/2017 07:38:00 SA



HỎI: Kính xin Thầy giúp con hiểu bài thơ của Thầy:

Vô thường vốn lẽ diệu thường 
Tử sinh mới thấy tỏ tường vô sinh 
Hữu vô như bóng với hình 
Vô minh cùng với chữ minh một vần.

Thầy Viên Minh trả lời: 

"Vô thường vốn lẽ diệu thường" - vô thường là bản chất muôn đời của mọi hiện tượng (pháp tướng). Vì định luật vô thường đã là diệu thường rồi nên đừng cố tìm cái thường nào khác mà chỉ cần thấy diệu thường trong vô thường là được. Diệu thường là thấy vô thường mà tâm vẫn bình thường chứ không mong nó thường như ý mình. Chính vì trong vô thường mà mong thường nên mới sai lầm và đau khổ.

"Tử sinh mới thấy tỏ tường vô sinh" - Khi quan sát, thấy tất cả tâm sinh lên đều diệt tức đều trở về gốc vô sinh. Đức Phật cũng như Lão Tử đều nói thấy ra tính sinh diệt là minh. Sinh liền thấy, diệt liền thấy nên tuy hiện tượng sinh diệt mà tánh thấy vẫn không sinh diệt. Qua hiện tượng sinh diệt mới thấy được "Các phục quy kỳ căn" như Lão Tử nói, tức mọi hiện tượng sinh diệt đều trở về gốc vô sinh hay tánh không.

"Hữu vô như bóng với hình" - vì sinh diệt nên thấy khi có khi không, nhưng hữu vô chỉ là hiện tượng bên ngoài, thực ra năng lượng vẫn được bảo toàn trong sự vận hành của vạn pháp. Vì vậy chấp có chấp không cũng đều là tà kiến trong khi vạn pháp đang chuyển biến không ngừng, không có gì mất đi (đoạn) cũng không có gì còn mãi (thường). Tiến trình tâm hay diễn biến của mọi sự mọi vật cũng đều như vậy.

"Vô minh cùng với chữ minh một vần" - Minh vốn là Vô Sư Trí, là gốc tâm chói sáng (pabhassara citta) như đức Phật đã dạy, nhưng nhờ có Vô Minh mà tâm lang thang đi tìm kiếm trải nghiệm trong vô vàn sự tướng ở đời, chịu bao luân hồi đau khổ để rồi giúp Minh có thêm Hậu Đắc Trí. Hóa ra Vô Minh lại có công rất lớn, là phụ tá đắc lực, nếu không muốn nói là bậc thầy của Minh, như đất phân nuôi lớn hạt giống thành cây cối xum xê, như bùn dơ ươm bón những đoá sen thơm ngát, như đứa bé tò mò nghịch ngợm mà ngày mỗi lớn khôn... nên Vô Minh chỉ là mặt khác của Minh mà thôi.

Giác ngộ là vô minh thì thấy vô minh, minh thì thấy minh… mỗi mỗi đều là những cái biểu hiện để giúp tâm thấy ra tất cả vốn đã hoàn hảo ngay trong chính nó. Cho nên chỉ cần sống bình thường và thấy ra nguyên lý của Pháp thôi. Sự vận hành của Pháp vốn rất hoàn hảo trong những cặp đối đãi - tương sinh tương khắc - của nó.

Pháp có hai nghĩa: Tự nhiên và mẫu mực. Hai điều này có vẻ như trái ngược nhau nhưng lại là một, là đồng nhất trong chính nó (nhất nguyên lưỡng tính). Mẫu mực tức sự lập trình hoàn hảo đến mức độ hoàn toàn tự nhiên. Nên Lão Tử nói "Thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên" Trời Đất vận hành theo nguyên lý tất định, nhưng nguyên lý mẫu mực đó lại chính là tự nhiên. Nếu nhầm lẫn sự hoàn hảo của Pháp theo sự hoàn hảo trong khái niệm của mình thì chỉ lăng xăng lấy mặt này bỏ mặt kia để mong tiểu ngã trở thành đại ngã chứ không sao giác ngộ được tính toàn diện trong bản nguyên của Pháp.

HỎI: Thưa Thầy, thông qua sự trải nghiệm con nhận thấy rằng: có sở đắc chưa hẳn đã giác ngộ nhưng giác ngộ thì có sở đắc hay không không còn quan trọng nữa. Có sở đắc thì được an lạc và có niềm tin, nhưng nó không quan trọng bằng sống trọn vẹn tỉnh thức trong từng khoảnh khắc đời sống hàng ngày. Nếu biết thận trọng chú tâm quan sát sẽ ngay đó có những bài học rất bình thường chứ không phải là bài học to tát mà người muốn có sở đắc đạt đến. Cho nên theo con chánh niệm tỉnh giác chính là bước cơ bản nhất để khám phá sự thật. Kính xin Thầy chỉ dạy thêm?

TRẢ LỜI: Con thấy rất đúng. Trong kinh Mahāgosinga kể rằng trong một đêm trăng rằm chiếu sáng rừng Gosinga, khi được Ngài Sariputta hỏi “Hạng Tỷ-kheo nào có thể chói sáng rừng Gosinga?”, ngài Ananda trả lời “Tỷ-kheo nghe nhiều”, ngài Revata “Tỷ-kheo ưa thích đời sống tịnh cư…không gián đoạn thiền định”, ngài Anuruddha “Tỷ-kheo với thiên nhãn siêu nhiên”, ngài Kassapa “Tỷ-kheo tự mình sống ở rừng núi với 13 hạnh đầu đà”, ngài Mahā Moggallana “Tỷ-kheo luận đàm về Diệu Pháp”, cuối cùng ngài Sariputta nói: “Tỷ-kheo điều phục tâm”. Do mỗi vị đều nói sự chói sáng khu rừng qua sở đắc của mình nên không ai giống ai, bèn cùng nhau đến hỏi đức Phật. Đức Phật dạy rằng mỗi vị đều khéo trả lời theo sở đắc của mình nhưng Ngài nhấn mạnh vị Tỷ-kheo trong khi đi khất thực, trong khi dùng vật thực, trong khi ngồi thiền v.v… luôn giữ chánh niệm trước mặt cho đến khi tâm vị ấy “khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ”, là hạng Tỷ-kheo có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.

Như vậy, tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trong từng khoảnh khắc đời sống là nguyên lý cơ bản để giác ngộ Sự Thật, để thoát khỏi các lậu hoặc và không còn chấp thủ. Nguyên lý thì đơn giản nhưng trên thực tế ít người có thể ngộ ngay mà phần lớn lúc đầu chỉ mới giải ngộ, tức chỉ hiểu trên nghĩa, rồi phải thường sống trọn vẹn tỉnh thức trong mọi hoạt động đời sống, kể cả ngồi thiền, đi kinh hành v.v… cho đến khi chứng ngộtức thấy được lý. Và sau cùng khi sự và lý viên dung mới có thể viên ngộ  hay triệt ngộ tức giác ngộ hoàn toàn.

HỎI: Thưa Thầy con có đọc trong kinh Tam Bảo Bậc Thánh Tư Đà Hàm có phóng dật có phạm lỗi lầm nhưng không bao giờ che giấu lỗi lầm với người khác, còn người phàm thì thường là che giấu lỗi lầm là vì sao?

TRẢ LỜI: Người giác ngộ, như các bậc Thánh hữu học, tuy còn lầm lỗi nhưng không đến nổi trầm trọng đưa đến hại mình hại người, đưa đến oán thù oan trái. Họ không còn chấp ngã và luôn tỉnh giác nên dễ dàng thấy được lỗi lầm của mình mà sẵn sàng xin lỗi, sám hối công khai, không cần che giấu. Họ cũng thấy rằng chúng sanh ai cũng phải trải qua sai xấu rồi mới đúng tốt được, nên họ không những không che giấu mà còn cảm thông với những lỗi lầm của người khác.

Người chưa giác ngộ che giấu tội lỗi vì tội của họ quá nặng, không những tự hại mình mà còn làm tổn thương rất nhiều người khác, gây biết bao oan trái oán thù nên chẳng ai dám tiết lộ sự thật, vì sợ oan gia trái chủ hay bị tù tội, gông cùm. Mặt khác họ còn sợ mất tiếng tăm, địa vị, danh vọng và lợi lộc. Tất cả đều do cái ngã quá lớn, ích kỷ quá nhiều mà họ che giấu những tội lỗi của mình.

HỎI: Thưa thầy, cho con hỏi một bậc giác ngộ đã nhìn thấy ra cái gì mà họ không còn sợ hãi, và bất động trước những thành bại trong cuộc đời. Con cảm ơn thầy.

TRẢ LỜI: Trước kia họ chỉ cầu mong đạt được tài tình danh lợi, nên đã tạo ra biết bao đau khổ cho mình và người nên họ chỉ sống trong sợ hãi. Chán rồi họ lại cố tu luyện để đạt được ước muốn hoàn hảo như ý, muốn được thường lạc ngã tịnh, nên bị trói buộc vào chính sở tri và sở đắc của mình mà sinh ra sợ hãi, sợ mất sở đắc của mình. Khi thấy ra những nguyên nhân của sợ hãi, khổ đau, thấy ra mọi sở đắc cũng đều vô thường, trói buộc và đau khổ, dù đó là an lạc chăng nữa, nên họ bắt đầu buông xả, không còn tham ưu, dính mắc, chấp thủ bất cứ điều gì ở đời, họ giải thoát ra khỏi ảo tưởng “Ta”, “của Ta” “tự ngã của Ta” vì vậy họ không còn lo âu, sợ hãi và khổ đau nữa.

HỎI: Thưa Thầy xin cho con được hỏi, nguyên lý chung của Đạo, các Tôn giáo, Tông phái dưới góc nhìn của Thầy là gì?

TRẢ LỜI: Nguyên lý chung của các Tôn giáo là hướng con người đến điều thiện, và rốt ráo hơn nữa là giác ngộ giải thoát. Tuy nhiên có 2 loại tôn giáo nói chung:

            ● Một là do những vị giáo chủ đã giác ngộ giải thoát, đã thấy ra Chân Lý, Sự Thật hay Nguyên Lý vận hành cuộc sống, đã hoàn thiện, nên họ muốn chia sẻ, chỉ bày cho người khác cùng thấy ra Nguyên Lý sống Đạo ấy. Tuy mức độ giác ngộ của họ có thể  sâu cạn khác nhau nhưng họ đều nói đúng sự thật, đem lại lợi ích cho nhiều người.

             ●  Hai là do những vị giáo chủ chưa giác ngộ mà bản ngã lại quá lớn, tuy có chút sở tri sở đắc hoặc khả năng quyền lực nhưng quá nhiều ảo tưởng, đó là những nhà độc tài Tôn giáo, độc tài tư tưởng, đặt ra khuôn mẫu, pháp môn tu tập theo kinh nghiệm hoặc kiến thức cục bộ, một chiều của họ rồi thuyết phục người khác nhẹ dạ hoặc sợ hãi nghe theo mà hình thành tổ chức Tôn giáo, Tông môn, Hệ phái v.v… Đức Phật gọi đó là người mù dẫn người mù.

Ngày nay, thiền Phật giáo cũng đã rơi vào tình trạng tu theo phương pháp chế định của các Thiền sư, phân chia ra nhiều trường phái khác nhau, do hiểu sai và hiểu phiến diện lời Phật dạy rồi vận dụng theo ý mình để tu tập và hướng dẫn người khác tu tập. Nhưng thiền là trực nhận thực tại để thấy ra Sự Thật mà thoát khỏi trói buộc chứ không phải trói buộc mình vào phương pháp để mong cầu sở đắc. Thiền sư giác ngộ chỉ giúp người khác tự mình giác ngộ trong điều kiện sẵn có của chính họ chứ không bắt họ phải rập khuôn theo phương pháp chế định của mình. Vì nguyên lý của Đạo là giác ngộ giải thoát chứ không phải rèn luyện để trở thành.

Thầy Viên Minh
Như Tuệ trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 01.08.2017

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét