Chân lý

Bốn mức độ nhận thức khi nghe pháp thoại

12/09/2018 12:15:00 CH

...Kính thưa Thầy, khi chưa được học với Thầy mà chỉ nghe Thầy giảng trên Pháp Thoại ở trang web trungtamhotong.org thôi, đối với con những điều Thầy giảng thật hay thật hợp lý nhưng để thực tập quả là một điều hơi xa vời với con Thầy ạ. Nhưng đến khi gặp Thầy rồi con mới thấy thiền sao mà đơn giản và nhẹ nhàng đến vậy.
Rồi con đọc tất cả những câu trả lời của Thầy cho con sao lúc này con thấy thấm thía quá mà trước đây con đọc sao con không nhận ra. Con thành kính tri ân Thầy!
Thầy ơi, con kính đảnh lễ Thầy.
TRẢ LỜI:
Cũng không ít người có cảm giác như con. Lúc đầu mới nghe Thầy giảng thiền người thì nói "nói sao nghe dễ quá mà hành không được", có người lại nói "thiền gì nghe hay nhưng không phương pháp làm sao mà hành", còn người thì than "khó quá, chỉ dành cho người căn cơ cao thôi", vậy mà cũng có người nói ngược lại:"Đó chỉ là pháp cho người sơ cơ, muốn tu bậc cao phải ẩn tu tích cực miên mật mới được"...
Nhưng hầu như những người chân thành, cởi mở và giản dị đến tiếp xúc trực tiếp với Thầy sẽ thấy như con "không ngờ có thể vào được thiền một cách tự nhiên, đơn giản và nhẹ nhàng đến vậy". Thì hôm giảng ở Huế thầy đã nói rồi:"Không có điều gì trên đời dễ hơn thiền, chỉ tại tâm địa rắc rối của con người đã làm thiền phức tạp ra mà thôi".
Bây giờ thì Thầy tin rằng con đã thấy ra điều đó. Chúc mừng con!
Có 4 hạng người nghe pháp thiền này:
  1. Nghe pháp xong liền vào được cả lẫn sự
  2. Nghe pháp xong liền nhận ra lẽ thật nên vào được
  3. Nghe cũng thấy có lý nhưng hiểu theo ý mình nên không thấy được thật
  4. Nghe nhưng không hiểu gì hoặc cố chấp sở tri sở đắc của mình nên không chấp nhận
1. Nhóm thứ nhất là những người chỉ nghe những bài giảng trong Pháp Thoại thôi liền buông được những quan niệm sai lầm về lý lẫn sự nên có thể sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha một cách dễ dàng. Những người này đã từng trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm bản chất cuộc sống một cách tự nhiên không qua quan niệm nào nên bây giờ nghe thì họ liền thực chứng và bừng ngộ:"Ồ! Đúng thế!".
2. Nhóm thứ hai nghe thấy hợp lý rồi nghe đi nghe lại thì ngày càng thấy đúng với đời sống thực tế nơi chính mình và cuộc sống. Họ tin tưởng chấp nhận, nhưng khi vào sự thì thấy lúng túng, khó khăn, nên còn nghi ngại. Nguyên do là họ vẫn còn lý tưởng quá nên muốn thực hiện được ngay như những gì được giảng. Họ không biết rằng phải trải nghiệm qua bài học thực tế đầy cam go để điều chỉnh nhận thức và hành vi thì mới có thể sống tùy duyên thuận pháp được.
3. Nhóm thứ ba nghe giảng nhưng nắm bắt bằng lý trí nên nửa hiểu nửa không, nửa tin nửa ngờ. Hạng người này dù nghe cũng thấy có lý nhưng cho đó chỉ là lý thuyết suông không thể hành được. Vì những người này nắm bắt nghĩa qua lý trí nên chưa vào được lý, họ không phân biệt pháp hành thực tánh với phương pháp chế định nên không thể thấy rằng phương pháp chỉ là những kỹ thuật chế định để đạt được những kinh nghiệm hoặc kết quả cục bộ thôi, chứ không thể thấy pháp, do đó họ không thể tin rằng hành chính là trực tiếp thấy pháp thực tánh như nó đang là (Vipassanà) và sống thuận pháp tánh ngay nơi thực tại ấy (Dhammànuddhammà patipanno viharati) chứ không phải hành là áp dụng theo phương pháp chế định nào để đạt được điều gì như mình cho là, nghĩ là.
4. Nhóm thứ tư hoặc là nghe mà chẳng hiểu gì cả, hoặc là đã có chủ trương, đường lối, mục đích riêng mà họ đề ra để đạt đến, nên khi nghe nói giác ngộ chính là trở về sống trọn vẹn, trong sáng và hồn nhiên ngay nơi thực tại thì họ không thể nào chấp nhận được. Không những không chấp nhận mà họ còn cười chế nhạo cái thực tại chân lý hoàn hảo đó và cương quyết chối bỏ nó để đi tìm chân lý lý tưởng mà họ mong cầu. Đó chính là thói quen thả mồi bắt bóng muôn đời của cái Ta vô minh ái dục!
Đúng như Lão Tử đã nói: "Người bậc thượng nghe Đạo thì nhiệt tình sống theo, người bậc trung nghe Đạo thì như nhớ như quên, người bậc hạ nghe Đạo thì liền cười lớn, vì họ mà không cười sao gọi là Đạo được!" - “Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi, trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong, hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi, bất tiếu bất khả dĩ vi Đạo!"
Thầy Viên Minh - Tổng hợp từ các Hỏi & Đáp với Phật Tử.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét