...Kính thưa Thầy, Thầy dạy rằng Thiền là dễ nhất vì khỏi cần làm gì cả. Tuy nhiên con nhận thấy là tham sân si hầu như luôn có mặt đối với những người chưa giác ngộ một cách tự động, trong khi hầu như mọi người đều không muốn mình như vậy. Và thực tế là mình phải làm một cái gì đó để tham sân si đừng dẫn dắt mình đi tạo nghiệp.
Thí dụ khi mình sân, lực của sân rất mạnh, hầu như mình phải cố gắng rất nhiều mới có thể không trút cơn giận của mình ra. Như vậy đâu thể nói thiền là không cần làm gì hết?
Ngoài ra, xin Thầy giải thích nếu bản chất của tâm là trong sáng hồn nhiên thì làm sao ở đâu có tham-sân-si sinh ra?
Con xin Thầy chỉ dạy.
TRẢ LỜI:
Không làm gì của thiền có nghĩa là:
- Không hành động theo ý đồ chủ quan của bản ngã vô minh ái dục, chỉ thấy mọi sự rõ ràng.
- Không lăng xăng lấy cái này bỏ cái kia theo tà kiến và tham ái, chỉ thấy nó như nó đang là.
- Không tạo tác để trở thành cái khác, trong khi lẽ ra phải thấy rõ cái đang diễn ra ngay đó.
- Không áp dụng bất kỳ một khái niệm, công thức, quan niệm, phương pháp, khuôn định hay hệ quy chiếu nào để nhận thức, thấy thì chỉ ngay đó mà thấy.
- Không lấy tham-sân-si để xử lý tham-sân-si, khi tâm sáng suốt-định tĩnh-trong lành thì tham-sân-si tự diệt.
- Không đem cái Ta ảo tưởng để diệt trừ vọng tưởng, tâm trở về trọn vẹn không mê mờ trong thực tại thì vọng tưởng liền tiêu.
- Không hành động theo biện luận của lý trí, chỉ trực nhận sự thật như thị.
- Không dựng lên lý tưởng để cầu toàn, chỉ thấy ngay đó đã hoàn toàn.
- Không cần rèn luyện thiền định, trí tuệ, tâm rỗng lặng thì sẽ trong sáng tự nhiên.
- Không tạo ra chỗ để cố gắng bám trụ, mọi sự chỉ tùy duyên thuận pháp.
- Không cần cố gắng khẳng định mình là gì, không là gì cả lại là tất cả.
Bản chất của tâm là trong sáng hồn nhiên, nên dù cái Ta ảo tưởng tham-sân-si xen vào cũng không làm mất đi tính rỗng lặng trong sáng, nếu không thì lấy cái gì để tu và làm sao giác ngộ được?
0 Nhận xét