...Thưa Thầy, tu học được một thời gian thì dường như là con cảm thấy mình chẳng hiểu gì cả Thầy à. Con cảm thấy hình như mình đang quan sát và chắp vá sự sinh diệt của các pháp quanh con và dán cho nó cãi nhãn "vô thường".
Nếu nói theo vật lý học thì tất cả mọi thứ trong và ngoài ta đều có chu kỳ phân rã riêng của nó. Tất cả sẽ gãy nát và tan rã. Nhưng con vẫn cảm thấy mình chẳng hiểu gì về vô thường cả, hình như là bản ngã của con đang chắp vá các sự kiện để cố cho phù hợp với định nghĩa 'vô thường'. Tương tự về vô ngã, con cũng suy nghĩ về nó và đánh giá hết sức chủ quan và chỉ muốn chứng minh là những nguyên lý ấy đúng.
Thưa Thầy, con nghĩ nếu thực sự hiểu về vô thường thì sẽ phải cảm thấy rằng giờ đây mình còn đang sống là vô cùng hạnh phúc rồi. Nếu thực sự hiểu về vô ngã thì khi có thể giúp được ai đó thì phải hạnh phúc lắm lắm. Nhưng con lại chẳng thấy như thế, con chỉ thấy những gì bây giờ con đang biết toàn là rác rưởi, vô thường, vô ngã...
Và nếu có ai đó hỏi con về những vô thường, vô ngã, Niết-bàn thì câu trả lời của con sẽ chỉ có thể là: "Tôi chẳng biết gì cả. Chẳng hiểu gì cả, xin đừng hỏi tôi".
Thưa Thầy, con nghĩ như thế có gì sai mong Thầy phân tích và chỉ con với. Merci beaucoup Thầy.
TRẢ LỜI:
Con không biết không hiểu là đúng. Nếu con cho rằng con đã hiểu đã biết về vô thường hay vô ngã thì con mới sai, vì thực ra con chỉ mới "có khái niệm, có quan niệm hay có kiến thức về" vô thường, vô ngã thôi, chứ con vẫn chưa thực thấy biết thanh tịnh.
Vô thường, vô ngã là bản chất của pháp, không liên quan gì đến hiểu biết của con. Hiểu biết của con chỉ là hoạt động lý trí vọng thức, dù phong phú đến đâu cũng không chạm đến được thực tánh pháp, vì pháp tánh độc lập ngoài khái niệm, nên được gọi là bất khả tư nghị.
Ngay cả đức Phật cũng tự nhận rằng dù Như Lai ra đời hay không ra đời bản chất của pháp vẫn vậy. Do đó khi hiểu biết của con bắt đầu chịu đầu hàng trước thực tánh bất khả tư nghì thì lúc đó thấy biết cũng bắt đầu thanh tịnh.
Khi tâm rỗng lặng trong sáng thì thấy biết liền thanh tịnh. Thấy biết thanh tịnh chỉ phản ánh trung thực bản chất tự nhiên của pháp (thực tánh pháp hay pháp tánh). Nói cách khác nó trả pháp về với bản chất vô thường, vô ngã đích thực của pháp chứ không xen cái Ta hiểu ta biết đầy ảo tưởng của lý trí phân biệt theo khái niệm, quan niệm, hay kiến thức về vô thường, vô ngã chủ quan hoặc vay mượn từ bên ngoài.
Con đang nghi ngờ những hiểu biết của lý trí là dấu hiệu tốt rồi đó...
Thầy Viên Minh - Trích Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét