Chân lý

Tánh, tướng, thể & dụng của Tâm

9/24/2017 04:27:00 CH


HỎI: Xin Thầy chỉ dạy chúng con hiểu "thể tướng dụng" của các Pháp?

Thầy Viên Minh trả lời: Pháp luôn đầy đủ "thể, tướng, dụng". Thể (hay thể tánh) là bản chất nội hàm, tướng là hình dáng bên ngoài, dụng là lợi ích của mỗi pháp. Nói cách khác bất kỳ cái gì có hình thức biểu hiện gọi là tướng. Mỗi tướng đều có cái dụng riêng của nó. Như đất, đá, cây xoài, cây ổi v.v… Còn bản chất bên trong của tướng gọi là Thể. Thí dụ như nước có tánh trơn ướt, kết dính. Đất có tánh cứng mềm, có trương độ. Gió có tánh chuyển động, linh hoạt. Lửa có tánh trưởng dưỡng hay huỷ hoại v.v... Đó là thể tánh.

HỎI: Thưa Thầy, Trong sinh hoạt hàng ngày có nên phân biệt cái nào là thực tánh và thực tướng, xin Thầy cho vài thí dụ thực tế để dễ nhớ. Con cảm ơn Thầy?

TRẢ LỜI: Tất cả mọi hiện tượng duyên khởi gọi là tướng hữu vi thuộc sắc pháp nếu thấy đúng như nó là, không thêm thắt khái niệm chế định thuộc tục đế vào thì gọi là thực tướng. Còn tánh chất thực của các hiện tượng đó, như tánh vô thường, khổ, vô ngã, gọi là thực tánh. Thực tánh cao nhất của Tâm và Pháp là tịch tịnh.

Người giác ngộ sống trong mọi hiện tượng duyên khởi nhưng tâm vẫn tịch tịnh nên cũng thấy pháp tánh tịch tịnh. Thí dụ như thấy bông hoa mà chỉ thấy như nó là chứ không hình thành khái niệm là thấy thực tướng, còn thấy bông hoa ấy chỉ là tánh duyên khởi của bốn đại hoặc thấy vô thường, vô ngã thì đó là thực tánh.

HỎI: Kính xin Thầy phân biệt giữa tánh thấy và tướng thấy? Con cảm ơn Thầy ạ!

TRẢ LỜI: Thấy biết qua mắt tai mũi lưỡi thân ý là tướng thấy, tuỳ duyên căn trần mà sinh diệt. Còn tánh thấy thì không sinh diệt. Không sanh vì nếu sanh thì phải thường thấy, không diệt vì nếu diệt mất thì khi cần thấy sao vẫn thấy được.

HỎI: Xin Thầy chỉ dạy thêm tánh tướng thể dụng của Tâm?

TRẢ LỜI: Tánh của tâm là trong sáng. Thể của tâm là rỗng lặng. Tướng của tâm là thiện, bất thiện, vô nhân, duy tác. Dụng của tâm là thấy biết.

HỎI: Kính xin Thầy khai thị cho con bài kệ 4 câu:

"Tâm chẳng tâm gì, phải gọi tâm!
Tâm không hình mạo cứ đâu tầm
Ba đời không thể tìm tâm được
Phật dạy tu tâm tâm ở đâu?"

Con xin cám ơn Thầy ạ!

TRẢ LỜI: Cố tìm tâm thì không thấy tâm, nhưng chính cái tìm biết đó lại là tâm, nên chi:

Huệ Khả tìm tâm sao chẳng thấy
Bởi vì tìm kiếm cũng là tâm
Chợt lúc không tâm, tâm tỉnh ngộ
Chừng khi có tánh, tánh uyên thâm!

Chỉ cần sống trải nghiệm thực tại một cách trọn vẹn, trong sáng và tự nhiên thì liền thấy được sự tương tác giữa thân, thọ, tâm, pháp, nhưng nếu chỉ tìm tâm thôi thì lúc đó tâm không khởi làm sao tìm được. Tâm bao gồm tánh biết, tướng biết (với 121 tâm và 52 tâm sở) trong đó có cả phần hữu thức, vô thức, hữu nhân, vô nhân, tâm quả, tâm duy tác, tâm dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tâm siêu thế v.v… 121 tâm thức của tướng biết không bao giờ xuất hiện 2 tâm cùng một lúc nên tâm này không thể thấy tâm kia, nhưng tánh biết lại biết được tất cả tướng biết.

Tánh biết biết thực tánh của tướng biết, còn tướng biết chỉ biết đối tượng của nó mà thường là đối tượng chế định qua tiến trình khái niệm hoá. Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác mới chính là những tâm sở hay yếu tố tâm có khả năng nhận biết diễn biến trong sự vận hành của thân-thọ-tâm-pháp, nên thấy được hoạt động của tâm một cách tự nhiên mà không cần tìm kiếm. Bản tánh của tâm được đức Phật mô tả là chói sáng (pabhassara) nên khi tâm rỗng lặng thì tánh chói sáng tự chiếu (tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu). Nhưng khi cố tìm tâm thì tâm lại hoá không bởi vì tự tánh của tâm là tánh không (suññatā) không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả (annatto, nisatto, nijīvo, suñño).

HỎI: Thưa Thầy trong 4 câu kệ:

"Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri/sở đắc 
Hủy phần sáng của mình
Tự chẻ đầu chính nó"

Con không hiểu câu "Tự chẻ đầu chính nó" có nghĩa là gì ạ, kính xin Thầy chỉ dạy?

TRẢ LỜI: Tánh biết của tâm vốn soi sáng tự nhiên, nhưng khi bản ngã khởi tâm muốn biết, muốn tích luỹ sở tri thì chính sở tri ấy lại che lấp phần sáng vốn sẵn có trong mỗi người. Thay vì trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong xúc chỉ xúc, trong biết chỉ biết thì tâm và pháp nhất như, ngay đó thấy ra sự thật, nhưng khi khởi lên ý muốn biết hay muốn đạt điều gì thì lý trí đã xen vào, mà tính cách của lý trí là nghi hoặc tức phân vân, lưỡng lự. Nên một khi đã khởi lên ham muốn sở tri, sở đắc thì liền phân ra thiện - ác, đúng - sai, âm - dương, nhân - quả v.v… lý trí tự phân đôi nên nói “tự chẻ đầu chính nó” là vậy.

Thí dụ đang sân mà khởi ý tìm hiểu về sân (sở tri) hoặc muốn loại trừ sân để đạt được tâm từ (sở đắc) tức lúc đó lý trí đã phân làm hai: Một bên là thực tại sân đang có mặt thì không thấy, một bên là sở tri hoặc sở đắc chưa có lại muốn trở thành. Như thế thân tâm không nhất như trong chánh niệm tỉnh giác được. Lẽ ra chỉ cần trọn vẹn cảm nhận trung thực (tuệ tri) trạng thái sân như nó đang là với tất cả yếu tính sinh diệt, lợi hại và nhân quả của nó thì ngay đó liền hết sân, hết sân tức đã là tâm từ, nên đâu cần phân tâm tìm hiểu sân bằng lý trí mà sinh thêm tà kiến, hoặc loay hoay tìm cách loại bỏ sân để được tâm từ theo ý đồ của bản ngã mà sinh thêm tham ái để rồi tâm sân đang là thì không thấy mà tâm từ sẽ là càng chẳng thấy đâu, nhưng ngay đó lý trí đã tự phân đôi giữa hiện tại và tương lai, giữa thực tế và lý tưởng. Cũng vậy, người đang nghèo càng muốn giàu thì càng xót xa bất mãn với cái nghèo của mình hơn. Lẽ ra chỉ cần thấy rõ cái nghèo để ngay đó điều chỉnh cách làm ăn sinh sống thì sẽ không còn nghèo chứ không phải ngồi đó mà mơ mộng để rồi “tự chẻ đầu chính nó”.

Khi 5 uẩn hay 12 nhân duyên khởi sinh tức mong cầu sở tri sở đắc thì liền diễn ra tiến trình sinh tử, mà có sinh có tử thì đã tự phân ra làm hai. Còn khi đang đi trọn vẹn với đi, đang khổ trọn vẹn với khổ thì lúc đó không có hai. Tâm thực sự trọn vẹn với khổ thì lúc đó không còn cái ngã thấy khổ nữa, nên Lão Tử nói "Phù duy bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh" nếu trọn vẹn thấy bệnh chỉ là bệnh thì đã là không bệnh rồi. Vì vậy đức Phật dạy tinh tấn chánh niệm tỉnh giác chính là nguyên lý sống trọn vẹn tỉnh thức ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp đang là thì sẽ không “tự chẻ đầu chính nó”. Lẽ ra, đừng khởi tâm tìm cầu thanh tịnh, an lạc, Niết-bàn thì ngay đó đã thanh tịnh, an lạc, Niết-bàn rồi, nhưng chính vì khởi tâm tìm kiếm tức đã khởi lên Tập đế nên đâu còn thấy gì là thanh tịnh, an lạc hay Niết-bàn nữa! Thành ra, quyết tâm tu mà lại tạo ra nhân sinh khổ, tức tu theo Tập đế chứ không phải tu theo Đạo đế nên mới “tự chẻ đầu chính nó”.

HỎI: Thưa Thầy mọi người có tánh biết như nhau nhưng tại sao có những người không biết ghê sợ tội lỗi, con xin cảm ơn Thầy?

TRẢ LỜI: Tánh biết như nhau nhưng tướng biết khác nhau. Ghê sợ tội lỗi hay không ghê sợ tội lỗi đều do tướng biết bị bản ngã đồng hóa mà thành nhận thức chủ quan. Thay vì tướng biết là cái dụng của tánh biết thì bây giờ đã bị chiếm dụng bởi cái “Ta” ảo tưởng, nên nói tôi thấy, tôi nghe, tôi ngửi, tôi nếm, tôi sờ, tôi biết mà sinh ra thiện hoặc bất thiện, tàm quí hay không tàm quí – biết hay không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.

Khổng Tử nói “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, cũng như đức Phật dạy nguyên trong tự tánh vốn là Tâm Chói Sáng (Pabhassara Citta), nhưng tướng biết qua 6 căn hướng ra bên ngoài tìm kiếm 6 trần mà tạo ra 5 uẩn, hình thành bản ngã, phát triển bản năng, tình cảm và lý trí, rồi qua giác tri, tưởng tri, thức tri tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức mà phần lớn là vay mượn, chủ quan, không thật.

Cho đến khi bản ngã lý trí gặp toàn đau khổ mới chịu buông sự tìm cầu vô vọng, lúc đó tướng biết mới yên, mới trở về với cái dụng ban đầu của tánh biết là tri kiến thanh tịnh, bản ngã tự diệt, lúc đó vô sư trí của tánh biết mới hiển lộ chiếu soi (mặc dù trong khi tướng biết còn lăng xăng như con bài của bản ngã thì tánh biết vẫn âm thầm soi chiếu). Khi tri kiến thanh tịnh, tướng biết buông xuống cái “Ta” ảo tưởng, trở về với Đạo Đế, trả lại tự tánh bản nguyên chói sáng (pabhassara) của tâm.

HỎI: Thưa Thầy có phải chánh kiến được tóm tắt bằng lời Đức Phật dạy cho ông Bāhiya “trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe...” chính là toàn bộ Đạo Đế? Như vậy có phải chánh kiến thuộc tánh biết hay bao gồm cả tánh biết và tướng biết?

TRẢ LỜI: Chánh kiến là thấy pháp đúng như nó là, tức thấy được thực tánh chân đế của pháp. Cho nên câu “trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe..." chính là Chánh kiến mà cũng là Đạo đế.

   • Tướng biết lúc thấy được vô thường, khổ, vô ngã của pháp tướng gọi là tri kiến thanh tịnh - “trạm xe cuối”* tuệ tri được tánh đế (sabhāva sacca).
   • Tánh biết chói sáng (Pabhassara Citta) chứng ngộ được Thánh đế (Ariya sacca) tức liễu tri được Đạo, Quả và Niết-bàn (đã vào Thành)*.

(*Kinh Trạm Xe)

Khi tri kiến thanh tịnh thì tướng biết vắng lặng trở về với chức năng tướng dụng của tánh biết, không còn trở ngại cho tánh biết như khi bị bản ngã lý trí chiếm dụng thành “cái Ta biết”. Nói cách khác khi đó tướng biết tương thông với tánh biết, là tướng dụng của tánh biết qua 6 căn, hay nói cách khác: Tánh biết là căn bản trí (vô sư trí), tướng biết là hậu đắc trí. Câu “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” chính là khi tri kiến thanh tịnh hay tướng biết rỗng lặng thì tánh biết tự chiếu sáng.

HỎI: Thưa thầy, ông Eckhart tolle có câu “sự tịch tịnh tâm linh thức tỉnh ra khỏi giấc mơ suy tư trong đầu mình chính là tánh biết”. Vậy tánh không hay tướng không mà ông nói là bản chất của tánh biết phải không?

TRẢ LỜI: “Tịch tịnh tâm linh” có hai trường hợp:

  • Bặt dứt tư tưởng: Nói theo Krishnamurti “bặt dứt tư tưởng” là lúc tâm hoàn toàn rỗng lặng thì tánh biết tự chiếu sáng. 
  • Không cần bặt dứt tư tưởng: Dẫu khi tư tưởng vẫn cứ khởi nhưng tánh biết vẫn trong sáng có thể tuệ tri sự sinh diệt của từng tư tưởng. 

Tánh biết đương nhiên chiếu sáng khi tướng biết vắng bặt mọi tư tưởng, nhưng thực ra tánh biết vẫn soi chiếu ngay khi tư tưởng đang lăng xăng sinh diệt. Bặt dứt tư tưởng thì “Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu” là đúng. Nhưng khả năng của tánh biết còn cao hơn nữa là có thể thấy được mọi trạng thái của tâm (tướng biết), như trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy khi tâm có tham, sân, si thấy có tham, sân, si; khi tâm không tham, sân, si thấy không có tham, sân, si; khi tâm động thấy động, khi tâm định thấy định; khi tâm trói buộc thấy trói buộc, khi tâm giải thoát thấy giải thoát v.v… Cho nên, không cần phải ở trong điều kiện “tịch tịnh tâm linh” hay “bặt dứt tư tưởng” mới thấy, mà tánh biết có khả năng thấy tướng biết ngay khi nó đang hoạt động bình thường. Eckhart tolle thường nhấn mạnh đưa tâm trở về an trú hiện tại, điều này là rất cần nhưng đó mới là tâm tịnh hoặc cao nhất là tri kiến thanh tịnh vẫn còn là trạm xe cuối, cần một bước nhảy nữa mới vào được thành tánh biết chói sáng.

Trường hợp của Ngọa Luân với Ngài Huệ Năng cho thấy rõ hai mức độ nêu trên:

“Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng,
Năng đoạn bách tư tưởng,
Đối cảnh tâm bất khởi, 
Bồ đề nhật nhật trưởng.”

Có nghĩa rằng tài năng tu của ông Ngọa Luân là có thể bặt dứt mọi tư tưởng nên đối cảnh tâm không khởi nhờ vậy tuệ giác ngày mỗi tăng trưởng. Còn Ngài Huệ Năng vượt qua mọi điều kiện, chỉ thấy pháp tự nhiên:

“Huệ Năng một kỹ lưỡng,
Bất đoạn bách tư tưởng,
Đối cảnh tâm sổ khởi.
Bồ đề cánh ma trưởng”.

Huệ Năng không cần tài năng cắt đứt mọi tư tưởng, đối cảnh thì tâm khởi nhiều, mà bồ-đề (tuệ giác) vẫn không hề tăng giảm hay sinh diệt. Cách của Ngoạ Luân tu theo quan niệm thiền định giải thoát. Còn cách Ngài Huệ Năng là tu theo Kiến Tánh, giác ngộ Sự Thật như Vipassanā.

HỎI: Xin sư ông chỉ dạy về tam học ạ?

TRẢ LỜI: Tam học là giới định tuệ.

  • Giới là thể hiện hành động nói năng bên ngoài đúng tốt, không hại mình hại người. 
  • Định là tâm không vọng động.
  • Tuệ là sáng suốt chiếu soi, thấy rõ trong ngoài thân thọ tâm pháp. 

Cho nên những nguyên lý: thận trọng chú tâm quan sát, trở về trọn vẹn tỉnh thức, tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, trong lành định tỉnh sáng suốt, rỗng rang lặng lẽ trong sáng đều là biểu hiện giới định tuệ.

HỎI: Thưa sư ông dạy trở về với thái cực nghĩa là gì ạ?

TRẢ LỜI: Khi hoàn toàn tinh tấn chánh niệm tỉnh giác tức trọn vẹn với thực tại là trở về với thái cực. Đang đi thì đi là hiện tượng, đi mà hoàn toàn trọn vẹn với hiện tượng đi tức bắt gặp thực tánh chân đế, đó là thái cực. Hiện tượng đi là sinh diệt mà khi trọn vẹn với hiện tượng đi tức là không sinh diệt. Cho nên, “Khi xúc chạm việc đời” là hiện tượng. “Tâm không động không sầu / Tự tại và vô nhiễm” là thái cực.

HỎI: Thưa Thầy phần cuối của bài kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy “ai thực hành Tứ Niệm Xứ này thì 7 ngày có thể chứng quả A-na-hàm hoặc A-la-hán” nhưng hiện nay có nhiều người hành rất lâu năm mà vẫn không chứng hay không thấy được gì. Có phải do phần đông hành “tinh tấn chánh niệm tỉnh giác” theo tướng biết chứ không tánh biết nên không thể chứng ngộ được?

TRẢ LỜI: Con số 7 năm, 7 tháng, 7 ngày, 7 giờ... là để chỉ mức độ trọn vẹn của tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Thực ra, nhiều vị nghe đức Phật khai thị thì có thể chứng ngộ A-la-hán ngay, không cần qua thời gian, vì đức Phật dạy rằng Pháp (Dhammo) là có thể “thấy ngay (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), nhìn lại là thấy (Ehipassiko) ngay nơi thực tại (opanayiko) mỗi người trí tự chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi)”. Nhưng Ngài biết căn cơ trình độ mỗi người khác nhau nên không phải ai cũng có thể trọn vẹn “tinh tấn chánh niệm tỉnh giác” đúng mức ngay được. Ngày xưa khi được Phật khai thị thì người nghe liền trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại, không còn tạo tác để đạt tới hay trở thành gì khác ở tương lai, nên ngay đó chứng ngộ Sự Thật. Ngày nay, người hành sở dĩ không trọn vẹn được với thực tại vì luôn mong cầu sở đắc nên mải lăng xăng tạo tác để trở thành mà đòi hỏi có thời gian, không thể chứng ngộ ngay được.

Trong thời đức Phật tại thế, có vị tỳ kheo hết sức chuyên cần nỗ lực tu hành mà không đạt được sở đắc nào, ông chán nản xin hoàn tục và tuyên bố rằng dù thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn tinh cần đến đâu cũng không đem đến kết quả nào. Đức Phật nói khi ngươi xuất gia Như Lai đâu có hứa là nếu ngươi nỗ lực hết sức sẽ đạt được kết quả nào. Vì thực ra tu không phải là nỗ lực để thủ đắc điều gì mà chính là buông xuống mọi nỗ lực trở thành, chỉ trọn vẹn soi sáng thực tại để thấy ra Sự Thật thôi.

HỎI: Thưa Thầy, con được biết thầy có bài kệ chứng ngộ là: 

“Mẹ ơi, con thưa nhé
Con muốn mãi muôn đời
Là đứa con nhỏ bé 
Vòi vĩnh mẹ, mẹ ơi!”

Khi chứng ngộ là đã trở về với tánh biết tức con đã là mẹ mà tại sao lại muốn mãi muôn đời vòi vĩnh mẹ? Kính xin Thầy giải thích.

TRẢ LỜI: Thiên Chúa giáo có một lý thuyết hơi lạ mà rất đúng đó là mọi người có thể trở về với Thượng Đế nhưng không bao giờ là Thượng Đế được. Chính đức Phật cũng nói dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì Pháp vẫn vậy (TCG gọi Pháp là Thượng Đế). Vậy một người có thể giác ngộ Pháp chứ không thể là Pháp. “Thiên Địa giai bị ư ngã” nhưng mỗi người thì không thể là Thiên Địa được. Trong Phật pháp chủ yếu là giác ngộ không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả tức tất cả đều là pháp, nhưng mỗi pháp mỗi khác, như cây ổi là cây ổi, cây xoài là cây xoài. Khi giác ngộ thì ổi không còn chấp ngã ổi, xoài không còn chấp ngã xoài chứ không phải ổi, xoài đều trở thành Tất Cả Pháp.

Nói theo dịch lý “thời bĩ tắc bĩ, thời hanh tắc hanh” nhưng khi bĩ trọn vẹn với bĩ, thái trọn vẹn với thái, âm trọn vẹn với âm, dương trọn vẹn với dương thì liền chứng ngộ được Thái Cực, thậm chí Vô Cực, nhưng bĩ, thái, âm, dương vẫn là pháp tướng như nó đang là. Nếu vạn pháp trở về với Thượng Đế mà trở thành Thượng Đế hết thì tất cả đều biến mất nhưng tất cả pháp vẫn như nó đang là. Ví dụ một cơn sóng nhận ra nó đồng tánh nước với những cơn sóng khác nhưng nó vẫn như nó đang là, chỉ không còn chấp “Ta là sóng” nữa thôi. Giác ngộ cũng vậy, thấy ra chân đế nhưng vẫn không cần lìa tục đế. Nên thầy cũng có bài kệ khác:

“Ta vốn từ Thiên Thu
Đứng bên bờ Giác Ngộ
Nhưng yêu đời bể khổ 
Ta chọn kiếp phù du.” 

Tức khi đã trở về với mẹ Pháp, với Thiên Thu thì có làm kiếp phù du cũng vẫn thong dong, tự tại vô ngại.

HỎI: Thưa sư ông, nếu chưa thể thấy quá khứ và vị lai để có thể thấy ra nhân quả, vậy có thể suy ra luật nhân quả từ nhân quả trực tiếp đã trải qua hay không ạ?

TRẢ LỜI: Suy luận cũng đúng. Nếu từ nhân quả thật đã trải nghiệm để suy ra luật nhân quả nói chung thì đó là chánh tư duy, cho nên mới nói trải nghiệm, chiêm nghiệm và thấy ra. Trong chiêm nghiệm gồm 2 phần:

  • Chiêm nghiệm thấy ra trực tiếp có tư duy trong đó mà tư duy rất tự nhiên. Khi có thấy biết đúng tự nhiên phát sinh ra tư duy đúng nên mới có chánh kiến chánh tư duy. 
  • Tự mình trải nghiệm, khi quan sát hiện tượng ở bên ngoài, hiện tượng ở người khác mà thấy ra được thì đó cũng là trải nghiệm dẫu không phải tự mình trải nghiệm nhưng tự thân mình thấy ra.

Thầy Viên Minh
Như Tuệ trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long Tháng 9 năm 2017

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét