Chia sẻ

4 loại căn cơ tu học

5/13/2019 09:52:00 CH

...Thưa thầy, thực tế hiện tại có rất nhiều người vì không có duyên nên không gặp được chánh pháp, hoàn toàn tu tập bằng bản ngã. Nếu một bản ngã xấu được tu tập và trở thành một bản ngã tốt thì kết quả tu tập sẽ như thế nào ạ?
TRẢ LỜI:
Tu học có 4 giai đoạn dựa trên 4 loại căn cơ: Ngã bản năng tu, ngã lý trí tu, ngã đức tin tu, vô ngã tu.
  1. Ngã bản năng tu là tu bất đắc dĩ chứ không biết tu - thuộc loại căn cơ bản năng
  2. Ngã lý trí tu là tu theo quan niệm, phương pháp, nỗ lực của ý chí để đạt đến cái ngã hoàn hảo (đại ngã) - thuộc loại căn cơ tinh tấn
  3. Ngã đức tin tu là giảm được cái ngã nỗ lực cá nhân nhưng chuyển qua tin vào cái ngã tha lực tuyệt đối - thuộc loại căn cơ đức tin
  4. Vô ngã tu là buông hết tự lực lẫn tha lực để tánh biết tự soi sáng, không còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả nữa - thuộc loại căn cơ trí tuệ
Vậy con xem mình đang ở giai đoạn nào và tuỳ trình độ căn cơ đến đâu mà chuyển hoá nhận thức và hành vi thì gọi là tu học.
Tu học chính là soi sáng lại chính mình để thấy ra hoạt động của cái ngã ảo tưởng, khi cái ngã được soi sáng thì ảo tưởng giảm dần nên nhận thức và hành vi cũng được điều chỉnh dần từ sai đến đúng, từ bất thiện đến thiện, đó cũng chính là bản ngã xấu trở thành tốt nên gặt được những kết quả tốt trong vòng tương đối của Tam giới. Lý tưởng cao nhất của bản ngã là đại ngã chí thiện nhưng vẫn còn sinh tử luân hồi.
Cuối cùng khi cái ngã được soi sáng hoàn toàn thì tâm không còn ảo tưởng nữa nên vượt qua được cả bất thiện lẫn thiện, đồng thời cái ngã ảo tưởng cũng biến mất, lúc đó được gọi là tri kiến thanh tịnh, hoặc tướng biết thanh tịnh, như Đức Phật dạy "trong thấy chỉ thấy..., trong biết chỉ biết".
Tri kiến thanh tịnh vẫn còn là tướng biết sinh diệt nên vẫn chưa vào được tánh biết chứng ngộ vô thủ trước Niết-bàn. Do đó Đức Phật dạy trong Kinh Trạm Xe rằng tri kiến thanh tịnh chỉ mới là trạm xe cuối, chứ chưa phải chứng ngộ "Vô Thủ Trước Niết-bàn", hay nói cách khác đó chỉ mới là giới, định, tuệ chứ chưa phải giải thoát và giải thoát tri kiến.
Tri kiến thanh tịnh vẫn còn tướng biết sinh diệt nhưng nhờ đó lại nhận ra được tánh biết vốn thanh tịnh trong sáng, không sinh không diệt. Cho đến khi tướng biết tự hóa giải để trở về với tánh biết rỗng lặng trong sáng, không sinh diệt, thì mới hoàn toàn giác ngộ giải thoát.

* * *

Thưa Thầy theo 4 căn cơ tu hành: bản năng, tinh tấn, đức tin và trí tuệ. Vậy người tu niệm Phật để mong được vãng sanh về cõi Cực lạc thì thuộc căn cơ nào ạ?
Con thấy họ cũng có niềm tin như đạo Thiên Chúa, tin có Chúa (Phật), tin có Thiên đàng (cõi Cực lạc), có phải họ giống nhau đều dựa vào tha lực (Phật A-di-đà và Thượng đế) nhưng Đạo Chúa thì vâng ý Cha (chấp nhận mọi khổ đau vì đó là ý của Thượng đế) để buông cái ngã, còn ngươi theo Tinh độ tông thì không có điều này. Vậy những người theo Tịnh Độ tông thuộc căn cơ nào? Con xin Thầy giải nghi. Con xin cảm tạ ơn Thầy.
TRẢ LỜI:
Người ta có thể hành theo một pháp môn nào đó trên danh nghĩa, nhưng sự vận hành của tâm trên thực tế mới là gốc căn cơ của họ. Thí dụ người tu theo đức tin nhưng vẫn mê tín thì còn thua căn cơ tinh tấn, người tu theo trí tuệ nhưng căn cơ là tinh tấn thì vẫn chỉ đạt được thiền định thuộc căn cơ tinh tấn thôi. Căn cơ đức tin thật sự là tin vào sự vận hành chính xác của Pháp chứ không phải tin vào tha lực nào.
Tự lực hay tha lực cũng đều là hình thức của bản ngã...
Thầy Viên Minh - Tổng hợp và hiệu đính từ các Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét