Chân lý

Ý nghĩa của cuộc đời

10/15/2017 04:47:00 CH



HỎI: Con kính lễ Thầy với tất cả lòng thành! Thầy ơi! Con ngu muội xin hỏi thầy để sáng tỏ, rốt cuộc thì mình nắm giữ được gì trong cuộc đời này?

Thầy Viên Minh trả lời: Không có gì để nắm giữ được mà cũng chẳng có gì mất đi cả. Được mất chỉ là khái niệm mà thôi.

HỎI: Thưa Thầy kính mến, ...Con hay nghĩ về tuổi thơ, cũng không biết có phải là bị lôi kéo về quá khứ không nhưng con vẫn thấy mình, chỉ là mình đang nghĩ về lúc ấy… lúc đó con thấy mình đẹp, là cái đẹp trong tâm hồn Thầy ạ. Dù chỉ có 11, 12 tuổi thôi, con vẫn sẵn sàng chia sẻ với một cụ già neo đơn ở một chòi tranh ven đường, đi học về là con ghé vào đan lát rổ, rá giúp cụ, có miếng bánh ngon cũng đem đến cho cụ, dành dụm được ít tiền là đến mua vài cái rổ cho cụ vui. Thầy biết không, mua rổ, rá về mà con cũng phải giấu đi vì nếu ông bà con biết sẽ la dữ lắm, vì lúc ấy tiền ăn còn không có mà mua mấy thứ ấy làm gì. Con thương cụ, thương bằng tình thương tự nhiên nhất. Vì Thầy ạ, trước giờ con cũng chẳng được gần ba mẹ để được dạy dỗ về lòng nhân ái, yêu thương hay chia sẻ gì cả, con chỉ lớn lên vậy, ông bà nuôi đủ ăn và được đến trường là mừng lắm rồi.

Thầy ơi, đến lúc đi học đại học cũng vậy, dù nghèo nhưng con luôn tự vươn lên, chẳng bao giờ nghĩ lợi dụng hay toan tính bất kỳ gì cho mình. Có một người thầy là người Nhật, bác người Nhật ấy vì thương con chịu khó, ham học nên đã giúp đỡ con rất nhiều, con đã từ chối, cũng không biết vì lòng tự trọng hay thế nào... nhưng con thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, Đúng, con là người thích một mình, dù học ở nước ngoài, con vẫn thích một mình, lặng nhìn mọi thứ xung quanh, con không hay thích hội tụ bè bạn, cuối tuần con cũng bắt xe lửa một mình đi vòng quanh làng mạc bên Nhật, chỉ là để hít một chút gió, cảm nhận một chút lạnh và cảm nhận chính con. Vậy mà những phút giây lặng lẽ trở về với chính mình đó con mới cảm nhận mình thức sự sống, Thầy ạ...

Thầy ơi, vậy mà khi ra đời, khi đi làm, rồi bị va chạm, bị cuốn trôi, con dường như mất đi chính mình rồi. Cái trong sáng, thánh thiện của ngày đó lạc mất. Quan niệm sống không ăn hiếp ai cũng đừng để ai ăn hiếp, gai góc là thế, hùng hổ là thế. Vậy mà vẫn thấy mình nhỏ bé và yếu đuối. May mà giờ con đã thấy ra chúng, Thầy nhỉ?

Dù rằng con đã bị tha hóa nhiều, con không trong sáng, vô nghĩ như lúc ấy, cái ngã tham, sân, si của con lớn mạnh từ bao giờ nhưng thật may con đã biết quay lại nhìn chính mình, đối diện với cái xấu ác của mình.

TRẢ LỜI: Vẻ đẹp của cuộc sống không phải chỉ là lương thiện, mà là thấy ra cả hai mặt thiện ác của cõi trần gian. Lương thiện và an bình thôi chưa đủ, vì sự vận hành của pháp không phải chỉ có sinh mà cũng cần có khắc. Khi con thấy ra hai mặt của cuộc sống thì tâm con thanh tịnh, và khi thanh tịnh con thấy tất cả đều là vẻ đẹp kỳ diệu của cõi Ta-bà này.

HỎI: Thưa Thầy, Cách đây không lâu con có hỏi Thầy về việc con thấy đời sống chán ngán, lập đi lập lại và rỗng không. Thầy có cho con lời khuyên là hãy cảm nhận cuộc sống và học hỏi từ nó. Dạ con cũng đã 'cố gắng' quan sát, học hỏi từ nó. Nhưng càng quan sát, con càng thấy nó chán nản và lặp đi lặp lại. Thân mình hết sạch rồi dơ, cứ phải tắm táp, rồi lại dơ, rồi lại tắm táp. Mình ăn rồi đói, đói rồi lại ăn. Thời gian gần đây khi ăn con chỉ thấy nhai, nuốt, và mỏi miệng, và không thấy có hứng thú nào trong việc ăn uống, thậm chí thấy chán ngán và tự hỏi tại sao cứ phải ăn, rồi vệ sinh ra hết, rồi lại ăn.

Ngay cả việc đọc tìm hiểu Kinh sách, hành thiền, con cũng thấy chán, trong khi trước đây những việc đó khiến con hứng thú và thấy đời sống này có ý nghĩa. Khi ngồi hành thiền, con thấy hết cái này tới rồi cái kia tới, khi vui khi buồn, khi có hỷ lạc, khi thì ưu... Con tự hỏi còn gì nữa. Con thử rà soát lại xem mình có phải vì muốn và mong cầu được cái gì đó nên chán nản không. Con cũng thấy mơ hồ, vì nếu 'được' cái gì đó thì cũng vậy thôi, rồi thì sao. Những gì từng khiến con hứng thú, dù lành mạnh như tập yoga, giờ cũng thành nhàm chán. Thậm chí có khi con còn thấy chán thở nữa. Mỗi ngày sự nặng nề đó càng tăng và chiếm phần nhiều trong tâm trí của con. 

Con cứ như có 2 người cùng tồn tại, một chỉ muốn nằm dài ra đó, không làm gì cả, không biết làm gì, một tự bảo cần phải đứng dậy và làm những thứ cần làm nên làm, hoàn thành các nghĩa vụ đối với các mối quan hệ mà mình đang ở trong đó. Nhưng bao trùm là cảm giác chán và ngán. Con xin Thầy cho con lời khuyên ạ.

TRẢ LỜI: Nếu thực sự chán (nibbindati) vì đã thấy ra tất cả pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã thì con đã giải thoát khỏi sự trói buộc của chúng và cảm thấy an nhiên tự tại mới đúng. Nếu không thì chán nản chỉ có nghĩa là không thoả mãn, không vừa lòng toại ý mà thôi, và nếu như vậy thì có vẻ như tương đồng với trầm cảm hay tự kỷ gì đó. Con cần xem lại.

Có thể trong thâm tâm con tu còn muốn có gì đó nên thấy chẳng có gì được cả thì chán. Nhưng đó không phải là cách tu của Phật. Phật dạy chỉ thấy ra sự thật thôi. Thấy ra sự thật về bản thân và cuộc sống với tâm thanh tịnh trong sáng thì cuộc đời đầy khổ luỵ này cũng chính là Niết-bàn. Nên Phật mới nói: "Khi tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh".

HỎI: Thầy ơi, Con năm nay 22 tuổi, con vừa ra trường và đang chập chững bước vào con đường mưu sinh như bao bạn bè đồng trang lứa. Trong khi mọi người để cho vấn đề cơm áo gạo tiền chi phối thì con lại bị vướng vào một rào cản khác Thầy ạ.

Con chấp không. Thấy người ta làm ăn bon chen xô đẩy nhau, con luôn tự nghĩ sao họ lại làm như vậy, đấy đâu phải là giá trị đích thực của đời người. Khi bị cấp trên trách móc không đem lại được lợi ích tiền bạc cho công ty, luôn có một ý nghĩ trỗi dậy trong con. “Sao con người cứ phải kiếm ra thật nhiều tiền? Sao họ không biết đủ? Sao họ không biết giữ tâm họ và chỉ lao theo những cái bên ngoài?”

Con loay hoay không biết đâu mới là mục đích sống đích thực Thầy ạ. Tâm con rối lắm. Luôn luôn có hai trạng thái xung đột trong tâm con, một bên muốn "tu" muốn bỏ hết những thứ phù phiếm bên ngoài muốn sống một cuộc sống thiểu dục tri túc, một bên còn trách nhiệm với gia đình với bản thân không lẽ còn trẻ mà cứ muốn an phận.

Bạn bè con, những người không biết đến đạo, họ lao vào cuộc sống không một chút tư lự. Còn con, may mắn biết được chút ít đạo giờ lại không thoát ra được chính cái suy nghĩ của mình. Con đã từng nghĩ sẽ đi tu, nhưng đi tu để trốn đời thì không phải là rốt ráo.

Giờ đi làm, lại cứ có suy nghĩ không muốn bon chen, tranh giành, mà trong xã hội này sống như thế dường như nó không hợp.  Thầy ơi, con phải làm sao để trở về tâm bình thường đây ạ? 

TRẢ LỜI: Bon chen giữa đời rồi chẳng ra gì, đi tu trong đạo cũng chẳng về đâu. Con thấy ra được điều này thật là hy hữu - ít ai thấy được. Ý nghĩa cuộc sống không phải biểu hiện trên bề mặt những hoặt động đó. Ai cho đó là lý tưởng cuộc sống để rồi lao đầu vào thì chẳng khác nào những con thiêu thân tự hiến mình cho ngọn lửa. Cuối cùng an phận cũng sai mà bon chen cũng sai.

Ý nghĩa cuộc đời ẩn kín ở đàng sau những thứ xô bồ vô nghĩa ấy. Ẩn số đó là một sự thách đố cam go mà mỗi người cần khám phá, nếu không thấy ra thì đành mãi làm kiếp thiêu thân, cho dù có thành công trên đường đời hay nẻo đạo. Hãy khám phá, rồi con sẽ tìm ra ẩn số tuyệt vời đó dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

HỎI: Thưa Thầy cho con được hỏi ạ: Đời con người điều gì là quý nhất - xin Sư chỉ con cả về thế gian và siêu thế, Sư giải thích luôn cho con vì sao điều đó quý nhất. Con xin đảnh lễ Sư.

TRẢ LỜI: Cái tâm trong sáng là quý nhất, vì tâm trong sáng thì mới không bị phiền não khổ đau.

HỎI: Từ nhỏ con đã thấy mẹ con theo Phật giáo Bắc tông, nhưng khi gặp những chuyện sốc trong cuộc sống và đủ duyên thì con được học sư ông. Con không có tuổi thơ như các bạn, khi còn bé con khao khát học lắm nhưng phải đi bán hàng để kiếm sống, mới lớn lên thì đã có chồng, bỏ hết ước mơ và hoài bão để làm mẹ khi chưa biết gì cả, không được sống đúng với tuổi của mình. Biết bao oan trái và đau khổ cứ liên tục xảy ra và tái diễn hoài. Con luôn khao khát được bố mẹ chồng, gia đình chồng và chồng con thương yêu và đối xử với con bằng tình người, nhưng hy vọng là thất vọng!

Con mong được ở gần những bậc thiện tri thức có tâm từ bi. Con đang sống giữa một gia đình gọi là đại gia mà luôn cô đơn tủi nhục. Giờ đây con lại chuyển nhà đến một cánh đồng bao la, gần gũi với cây cỏ thiên nhiên. Sư ông ơi, có phải tạo hóa sinh ra mỗi một người là có một người hòa hợp với tính cách tương hợp, nếu chưa gặp đúng người thì sẽ gặp vào một thời điểm khác? Một người thành đạt đã viết như vậy. Kính mong sư ông chỉ dạy cho con.

TRẢ LỜI: Con đừng hy vọng để rồi lại chỉ gặp thất vọng, như chính con đã thấy. Hy vọng không có nghĩa là ước mong, chờ đợi một phép lạ sẽ đến như ý mình, hay tin vào câu nói của một người thành đạt nào đó, mà là có niềm tin trong sự sống - tin ở chính mình chứ không phải là tin vào bất cứ ảo vọng nào. William Faulkner đã nói: "Con người là tổng số của những nỗi thống khổ, nhưng khi bạn hy vọng một ngày nào đó nỗi thống khổ ấy sẽ chấm dứt thì bấy giờ thời gian là nỗi thống khổ của bạn". Và thiền sư Ajhan Brahm cũng nói rằng: "Trốn tránh khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì thực ra chỉ là đem đau khổ này để đổi lấy khổ đau khác mà thôi". Shantideva thì khẳng định rằng: "Chúng ta sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời, mà cuộc đời sinh ra để thay đổi chúng ta". Đúng là thay đổi thái độ mới là thay đổi cuộc đời đó con.

Phật nói đến Sinh Nghiệp, Chúa nói đến Ý Trời, Trần Đoàn nói đến lá số Tử Vi... tuy không có ý cho cuộc đời là Định Mệnh nhưng chung quy đều muốn nhắc nhở con người rằng thay đổi thái độ là chính chứ không phải chỉ lo đổi thay hoàn cảnh, vì dù có thay đổi được hoàn cảnh thì cũng chẳng khác nào thay chiếc áo bên ngoài mà thôi.  Con tự cho mình sinh ra trong đau khổ, nhưng nếu con có thái độ tích cực rằng mình may mắn được sớm trải nghiệm khổ đau để mau khôn lớn thành người thì con sẽ không oán trách hoàn cảnh của mình nữa. Giống như để có một chiếc nhẫn nạm kim cương cực kỳ quý giá thì vàng phải được nung chảy mới có thể khắc chạm tinh vi, kim cương cũng phải được đem ra cưa xẻ, dũa mài công kỹ. Nên người xưa nói "Ngọc bất trác bất thành khí" là vậy.

Hãy cám ơn cuộc đời vì nó là như vậy, dù là khổ đau hay hạnh phúc. Thực ra cuộc đời không đau khổ mà chính ước mong cuộc đời như ý mình mới là niềm thống khổ khôn nguôi.

HỎI: Thưa thầy, Con có một câu hỏi hơi lạ lùng nhưng do việc này làm con khá bất an nên con xin trình bày. Càng ngày con càng biết được nhiều thông tin về các tác hại của các sản phẩm hóa học mình đang sử dụng hàng ngày như kem đánh răng, nước rửa chén... Các thành phần độc hại của các sản phẩm này theo nước chảy vào môi trường có thể gây ra ô nhiễm, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật dưới nước. Lúc trước thì con không ý thức được việc này, nhưng gần đây khi ý thức hơn thì con lại cảm thấy lo lắng khi làm những việc hàng ngày như rửa bát... bởi con không biết con có đang gián tiếp làm ảnh hưởng (thậm chí là giết chết) các sinh vật kia không? Và con cũng không biết như vậy việc con tiếp tục rửa bát bằng nước rửa thông thường trong khi có ý thức (dù không thật chắc chắn) rằng việc này có làm hại cho chúng sinh khác thì có ảnh hưởng đến giới không sát sinh không? 

Con cũng đang hướng đến việc tìm các biện pháp thay thế thân thiện hơn với môi trường, nhưng con ở với ba mẹ nên cũng cần phải một thời gian thì mới hi vọng thay đổi dần được. Con cảm ơn Thầy.

TRẢ LỜI: Con chỉ cần sống với tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt là được. Cuộc sống bên ngoài là trùng trùng duyên khởi, luôn tương đối, con không thể cầu toàn tuyệt đối được. Cho dù một bậc Thánh đi khất thực cũng đạp chết vô số côn trùng, một vị bồ-tát sẽ sát hại vô số sinh linh trên đường du hoá. Làm sao tuyệt đối đây?

Mục đích của cuộc sống là giúp mọi người trở về nhận ra bản tâm cao quý vốn chói sáng nơi chính mình, chỉ ở đó con mới tìm thấy được tính tuyệt đối, còn khi hướng ra bên ngoài thì đừng quá câu chấp vì mọi hiện tướng đều là vô thường, tương đối và giả hợp mà thôi. Nếu con cứ lý luận logic kiểu đó thì không bao giờ tu được.

HỎI: Thưa Thầy, hàng ngày con vẫn vào trang web… đọc, đọc… và đọc… Chỉ là thế thôi! Con không cầu gì, con không tìm gì… nên con cũng không biết nhờ Thầy giúp con điều gì cả. Con đã đến chùa, con nhìn thấy Thầy, con muốn gặp chào Thầy… Nhưng con là ai? Gặp Thầy để làm gì? Con cũng không quan tâm có ai biết con hay không! Con “không thể học, không thể cầu, không thể tìm”. Con chỉ có thể nói với Thầy rằng, “Con không biết gì cả”. Con chỉ là như thế!... âm thầm, lặng lẽ… 

Nhưng con không có buồn, không có phiền, không thấy cô đơn. Có lúc yếu mềm con tự hỏi, sao mình không xuất gia 40 năm trước nhỉ? (năm nay con 42 tuổi). Nếu con xuất gia cách đây 40 năm, thì ngay tại bây giờ, ngày hôm nay con có được… như bây giờ, như hiện tại… thế này không? 40 năm cho con lăn lộn giữa dòng đời… không phải là vô ích. Cảm tạ Trời Đất đã tạo ra con, và đã che chở cho con! Con không phải là người tu hành… Chỉ là Tùy duyên, con thích đi đâu, con đến đó, con đói thì ăn, mệt thì ngủ… Và hôm nay con khởi tâm viết những dòng này gửi đến Thầy, đa tạ công đức của Thầy đã chia sẻ, dìu dắt chúng con. 

TRẢ LỜI: Thực ra được sinh ra trong cuộc đời chỉ cần thế thôi, cứ tùy duyên thuận pháp mà học ra lẽ thật Trời Đất (Pháp) ban cho mới thấy ân sủng của cuộc đời thật lớn. Nỗi khổ niềm vui, cái được cái mất, khi thăng khi trầm, lúc thành lúc bại... đều là bài học giác ngộ ra lẽ thật muôn đời. Chỉ cần ai ít bụi trong mắt sẽ thấy chân lý ở khắp mọi nơi trong từng sát-na kỳ diệu, phải không con?

HỎI: Thưa Thầy, con hiểu triết lý "sống với cái đang là" và con cũng rất hạnh phúc khi sống như vậy. Tuy nhiên, con có câu hỏi như thế này: Nếu mình sống với cái đang là rồi làm sao mình thay đổi xã hội được ? Xã hội vẫn đầy rẫy những vấn đề, những bất công, nghèo đói, chẳng lẽ mình khoanh tay đứng nhìn hay sao ?

Nhưng nếu mình ra tay hành động thì mình đang sống với một lý tưởng, một cái mình muốn trở thành, không còn sống với cái đang là nữa. Xin Thầy từ bi giúp con tháo gỡ vấn đề này.
Con cảm ơn Thầy!

TRẢ LỜI: Xã hội xáo trộn, bất an, đau khổ chính vì mỗi người đã và đang phá mất trật tự vận hành của "sự sống đang là". Trải qua biết bao triệu triệu năm thế giới vẫn chưa có một ngày thật sự bình an, dù họ cố gắng ra tay hay chỉ đứng khoanh tay! Lý do rất đơn giản là vì không ai chịu trở về sống với trật tự vận hành của đời sống "như nó đang là" mà luôn tạo ra xáo trộn bởi những tương khắc trong "tưởng là", "cho là", "phải là", "sẽ là" hoàn toàn khác nhau giữa mỗi thành viên. Ảo tưởng "trở thành cái sẽ là lý tưởng" là đầu mối của mọi hỗn loạn, bất an và đau khổ.

Đừng nói tới vĩ mô xã hội quá lớn, chỉ trong mối quan hệ vi mô đơn giản nhất của đôi vợ chồng đến với nhau bằng trái tim tràn đầy tình yêu, thế mà có bao giờ họ thực sự có an bình hạnh phúc không? Vì sao? Chính là vì mỗi người muốn trở thành theo "cái lý tưởng" của riêng mình mà không đối diện với sự thật như nó đang là. Bởi vậy mới có câu "đồng sàng dị mộng". Nếu không có dị mộng để theo đuổi những lý tưởng phải là, sẽ là, mỗi người mỗi hướng thì đâu có chiến tranh, bất công và đau khổ nhiều đến thế, phải không? Mảnh đất bình an chỉ có trong lòng mỗi người, và chỉ khi tâm bình thế giới mới bình.

Con muốn tái tạo trật tự xã hội theo quan niệm của con phải không? Thế thì chắc chắn ít nhất một người nào đó sẽ có quan niệm cải tạo xã hội kiểu khác, vì vậy mà thế giới luôn "mang lại trật tự" bằng chiến tranh, bằng xung đột, bằng "lý của kẻ mạnh luôn luôn thắng" nên thực tế chỉ làm mất trật tự thêm thôi, tránh sao không đầy dẫy bất công và nghèo đói. Con đường duy nhất đem lại an bình, trật tự là mỗi người biết trở về với thực tại như nó đang là, chỉ ở đó mới có thể trọn vẹn với thực tánh chân đế, hay ít nhất cũng có thể chuyển hoá được nhận thức và hành vi cho đúng tốt để đem đến an bình trật tự cho mình và người trong cộng đồng xã hội mà thôi.

HỎI: Thưa Thầy, con thấy được mức độ hạnh phúc của một người tỷ lệ thuận với việc người đó đem đến hạnh phúc cho những người xung quanh. Con cám ơn Thầy đã chỉ đường cho con.

TRẢ LỜI: Cũng đúng khi con nhìn về phương diện tương giao hay quan hệ với tha nhân. Nhưng cũng có lúc con nhận ra rằng hạnh phúc hoàn toàn tự tại, không còn mình và người nữa. Nói như Không Tử, hạnh phúc là người khi ứng ra thì "lợi ư thiên hạ", khi tự tại thì "độc thiện kỳ thân", cũng có lý, phải không?

CHIA SẺ: Kính thưa Thầy! Quê con ở Tây Ninh, nhà theo đạo Cao Đài nhưng không nhập môn và ăn chay vì nghĩ rằng Tôn Giáo chỉ là chỗ dựa tinh thần. Con vẫn rất tôn trọng các Chánh Giáo, dạy điều hay lẽ phải, dạy đạo làm người nhưng vẫn nghĩ là cuộc sống của mình, bản thân mình phải tự nỗ lực vươn lên và vượt qua số phận.

Con xin chia sẻ với Thầy, những bài học con đã học được từ cuộc sống, và nhận thức bản thân thay đổi thế nào khi hiểu về tâm linh, biết đến Phật pháp, và đặc biệt sau khi đã nghe rất nhiều bài giảng và đọc sách của Thầy.

1/ Sinh ra trong gia đình nghèo

-11 tuổi: ba mẹ bị nợ nên bế em đi trốn nợ và con ở lại với ông bà nội để tiếp tục đi học. Cứ lây lất, tiền học phí là cô chú đã góp nhặt cho, rồi quần áo cũ, sách cũ của người ta cho, con cũng lên cấp 3.

-18 tuổi: đậu đại học. 20 tuổi: bằng tự lực vươn lên, con đạt được học bổng đi du học Nhật (gia đình vẫn rất khó khăn)

-21 tuổi: con về nước rồi mở 1 quán ăn Nhật nhưng sau hơn 1 năm thất bại (do quá nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm, bị lừa). Và đó là lần đầu tiên con không còn nhận ra cuộc sống màu hồng nữa, người ta lợi dụng, lừa lọc nhau thế nào. Thế là từ 21 tuổi, con hoài nghi về niềm tin những gì tốt đẹp trong cuộc sống, hoài nghi về giá trị con người. Con đã rất cảnh giác trong việc nhìn người.

Có lẽ những khốn khó thuở bé, sự cô lập của bạn bè, những người xung quanh vì hoàn cảnh của mình đã hun đút một động lực mạnh mẽ vươn lên trong con thế nào, nghị lực, vượt qua sự mặc cảm hoàn cảnh gia đình. Bài học về sự nỗ lực và những thành quả xứng đáng cho những nỗ lực ấy, bài học về sự quý trọng thức ăn, sách vở, điều kiện được đến trường… những đồng tiền làm ra từ mồ hôi, nước mắt của ông con, bài học về sự bớt để tâm và bị tổn thương bởi những lời dèm pha của những người xung quanh.

2/ Rồi kết hôn, sinh con. Lúc mang thai bé bị một dị tật tim nhẹ, có thể do di truyền, nhưng cũng rất khó nuôi và hay bệnh, có lúc bế tắt vì sợ hãi. Con đã ước gì mình bị bệnh thay cho nó, sau mình sinh ra nó không được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Giai đoạn đi đi, về về bệnh viện lúc đó con như bị khủng hoảng. Nhưng rồi con học được bài học rằng mọi thứ cũng qua bằng cách này hay cách khác, Thầy ạ! Quan trọng không phải là cuộc sống ném vào mình cái gì mà là thái độ của mình ra sao, nhìn mọi thứ đơn giản thì cũng tự nhiên nó cũng đơn giản hơn, Thầy nhỉ?

3/ Con bé vừa đỡ bệnh thì ba mẹ con vỡ nợ tiếp, trả nợ cho ba mẹ vừa ổn ổn thì đến ông chồng - người mà đồng hành cùng mình vượt bao khó khăn, lại tư dưng lừa dối, nghỉ làm, vay một số tiền lớn mua hàng đa cấp và kinh doanh đa cấp… dù khuyên cách nào cũng không được. Chồng con sẵn sàng ly dị để theo đuổi giấc mơ triệu phú. Gia đình lục đục, ba mẹ con khuyên ly dị, bên ngoại bên nội xích mích lớn, dù trước giờ rất hòa thuận. Dường như thấy cuộc sống chưa bao giờ mình được bình an, hạnh phúc. Con như bị trầm cảm. Nhưng ngay trong khoảng thời gian này, con lại chiêm nghiệm được rất nhiều điều. Rất nhiều người khuyên con phải thế này, thế nọ… Càng nghe họ nói, càng rối vì mỗi người một kiểu. Con đến một quán nước, đọc quyển sách “Phút nhìn lại mình” - Spercer Johson và con đã thật bình tâm lại, tĩnh lặng lại, và rồi con đã có câu trả lời, mình nên làm gì tiếp theo. Con đã học được bài học là câu trả lời chính xác nhất có sẵn trong mình, và sẽ hiện ra khi nội tâm mình định tĩnh nhất, đừng vội vàng quyết định hay làm điều gì khi mình đang trong trạng thái không sáng suốt vì sẽ dẫn đến sai lầm.

Và con đã quen với biến cố cuộc đời, con nhận ra chân lý rằng, chẳng có cái gì là tuyệt đối, tất cả rồi thay đổi cả. Tình yêu, niềm tin... Ngay cả bản thân con cũng vậy, cũng thay đổi về nhận thức, tính cách... hằng ngày Thầy ạ. Con hay dành những phút cho riêng mình, đọc sách "Quẳng gánh lo đi và vui sống", "Từ giận dữ đến bình an" - Mike Geogre, "Phút nhìn lại mình" - Spercer Johson, "Vượt qua giới hạn" - Nick Vujicic… Hầu như những quyển sách này rất hay, nội dung cũng đề cập đến thiền định... Nhưng vẫn thiếu thiếu cái gì đó, nên mỗi khi tâm loạn và con phải đọc sách để tự trấn tâm mình lại... lúc đó con hoàn toàn không biết đến Phật pháp, biết đến thầy.

Là một người độc lập và vững vàng vượt qua mọi khó khăn, nhưng đồng thời cũng lại là một người cầu toàn, tham vọng, và những sợ hãi sâu kín nhất về quãng thời gian khó khăn vẫn tiềm ẩn. Và con đã sống với quan niệm: cuộc sống vốn không công bằng, mình không hại ai cũng không để ai hại mình. Con đã sống tạo vỏ bọc, và những mối quan hệ cũng tự tạo ra do ảo tưởng… Dù như nhìn có vẻ rất an toàn, rất vui nhưng thực sự nỗi bất an vẫn còn ở đâu đó… Con lại không bằng lòng với thực tại, mong muốn cống hiến nhiều hơn, làm nhiều việc có ích hơn, giấc mơ, hoài bão… nhưng tất cả cũng chỉ làm cho con thất vọng hơn và quên đi trọn vẹn với giây phút thực tại.

Và thật kỳ diệu khi con biết đến tâm linh, biết đến Phật Pháp, do duyên lành nên con chuyển qua ăn chay dễ dàng, con tự tìm hiểu nhiều về thế giới tâm linh, nghe nhiều bài Pháp thoại, và đặc biệt hơn khi được nghe Thầy giảng, những chiêm nghiệm trong cuộc sống về vô thường, nhân quả, về Phật tánh, tánh biết, bản ngã, sự sợ hãi, trốn chạy, những nghịch cảnh... của chính mình. Con đã hiểu tường tận hơn thân tâm mình. Con lại nhận ra rằng cuộc sống thật đẹp và công bằng theo sự vận hành riêng của Pháp, những va vấp, khó khăn trong cuộc sống tất cả đều để lại những bài học thật quý giá.

Con đã tự giải thoát cho mình khỏi những mong muốn: muốn ly dị để sống một cuộc sống tự tại, không bị ràng buộc. Muốn xuất gia để chuyên tâm tu hành, mau đắc đạo. Đó chỉ là những ham muốn ích kỷ của bản ngã. Thầy ơi, con sẽ sống trọn vẹn trong từng giây phút, để tâm mình sáng suốt, định tĩnh, trong lành, quan sát mọi sự sinh diệt của Pháp để học những bài học mình cần học.

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy và chúc Thầy thật nhiều sức khỏe để hoàn thành sứ mệnh cao cả.

TRẢ LỜI: Đúng như một danh ngôn đã nói "Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối". Có lần khi nghe thầy nói: "Cuộc đời thật đẹp", một hành giả liền hỏi: "Con thấy đời toàn là khổ đau, chính Phật cũng dạy đời là vô thường, khổ, vô ngã, vậy thầy nói cái gì đẹp?" Thầy trả lời: "Chính vô thường, khổ, vô ngã là vẻ đẹp của cuộc đời".

Nếu không thấy đời là vô thường, người ta sẽ chấp giữ những cái đã khô chết của quá khứ, hoặc bám víu vào một quan niệm thường hằng trong ảo tưởng, làm sao sự sống có thể luôn luôn đổi mới từng sát-na? Nếu không thấy đời là khổ đau con người sẽ mãi mãi đắm chìm trong lầm lạc và dục vọng, chỉ biết lợi mình hại người, làm sao giải thoát khỏi những tà kiến và tham ái? Nếu không thấy đời là vô ngã, chiến tranh để giành phần thắng về mình hoặc để chiếm hữu cho riêng mình sẽ không bao giờ chấm dứt. Chính vô thường, khổ, vô ngã giúp con người giác ngộ giải thoát ra khỏi ảo tưởng tự trói buộc mình, vậy không phải đó là vẻ đẹp của cuộc đời hay sao?

Sở dĩ con hiểu được những lời Phật dạy và nghe được những điều thầy giảng vì con đã trải qua những cay đắng của cuộc đời. Chính thầy cũng đã trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống mới thấy ra sự thật để có thể chia sẻ với con và mọi người những điều rất trung thực với bản chất đời sống mà chỉ "đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Nếu con chỉ miệt mài tìm cầu những sở tri, sở đắc để thoả mãn lý trí và dục vọng của bản ngã thì dù có đạt được điều gì cao siêu đến đâu cũng khó mà thấy ra sự thật.

Tuy mỗi người một tình huống khác nhau nhưng cũng tương tự như con, thầy ra đời vào những năm cuối gay cấn nhất của thế chiến thứ 2, mới hơn 1 tuổi đã lâm vào nạn đói trầm trọng trên cả nước, từ đó lớn lên trong cơ cực, chiến tranh, bom đạn..., cho đến 11 tuổi phải rời cha mẹ, ra khỏi vùng quê để vào Huế đi học, ở trọ nhà này qua nhà khác... như thân phận của những người tha phương cầu thực... đến năm 21 tuổi xuất gia vẫn gặp nhiều trắc trở, thậm chí còn bị tù đày... Tưởng đâu đó là những điều bất hạnh, ai ngờ chính nhờ trải qua những bước thăng trầm của cuộc sống mà con mắt pháp mới được khai hoa. Thì ra tất cả những điều đến với mình trong đời đều là những bài học giác ngộ để thấy ra bản chất thật của chính mình và vạn pháp.

Hạnh phúc thay ai biết học ra sự thật từ những khổ đau bất hạnh của cuộc đời để luôn có thể tùy duyên đổi mới thái độ nhận thức và hành vi của mình cho thuận với pháp tánh tự nhiên và chân thực. Giác ngộ giải thoát chính là thấy ra bản chất thật của cuộc sống để không còn bị cuốn trôi hoặc ràng buộc trong những vọng cầu đạt được sở đắc lý tưởng hão huyền đầy mộng ảo.

Thầy chân thành tán dương và chúc mừng con đã biết vươn lên từ những thăng trầm của cuộc sống.

Thầy Viên Minh
Trích Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét