Chân lý

Khi ăn tâm mình thanh tịnh thì đó là ăn chay

7/04/2019 06:51:00 SA

...Thưa Thầy, nếu ta không tự tay và xúi giục người khác sát sinh, nhưng ta gián tiếp ăn thịt chúng, vậy ta có tội khi ăn thịt không?
TRẢ LỜI:
Đây là quan điểm của người ăn chay.
Một con vật đã chết mà không phải do mình sát sinh, và không phải chủ đích dành cho mình, thì ăn được. Đức Phật gọi là tịnh nhục.
Thời Đức Phật có nói đến Tam Tịnh Nhục. Riêng các vị tu học ở trong rừng còn có thêm hai điều về Tịnh Nhục, là tự tử và thú tàng. Ví dụ con nai chạy trên núi sảy chân nên chết, nghĩa là có một con thú tự chết, và thú tàng là phần thịt do bị con thú khác bắt ăn còn dư lại. Những thịt đó có thể ăn được mà không có tội.
Sau này người ta đặt thêm là Ngũ Tịnh Nhục, nghĩa là trường hợp con vật chết không phải do mình, hay vì mình, mình không nghe, không biết, không thấy họ sát sinh vì mình. Nếu thấy, biết họ làm vì mình thì không được.
Ví dụ có một người sát sinh làm thức ăn vì họ cho rằng đó là vật dưỡng nhân nên không thấy có gì tội lỗi. Khi thấy một vị sư đi bát ngang qua, họ đặt bát một miếng thịt, thì vị ấy ăn không có tội. Nếu người đó nói rằng: bữa này chỉ còn dư ít thịt cũ, nhưng nếu ngày mai Thầy đến, tôi sẽ làm một con gà để đặt bát cho Thầy, thì vị sư này không thể nào đi đến đó để chờ đặt bát được, vì khi đó vị ấy biết, nghe, thấy là họ sát sinh vì mình.
Việc người ta sát sinh, thì tự người ta sẽ học ra được bài học đó, còn bây giờ khi họ cúng dường để bát là thiện tâm, không có ác ý, và việc sát sinh của họ cũng không liên hệ gì tới mình, thì việc ăn đó Đức Phật vẫn cho là chân chính, nên Ngài cho là tịnh nhục.
Chuyện của chúng sinh không ai chấm dứt được, cũng không ai có thể chấm dứt việc sát sinh ở trên cõi đời này. Vô số chư Phật, chư Bồ Tát nhiều như vậy mà cũng không thể can thiệp vào chuyện giết chóc, trả vay, vì đó là duyên nghiệp của mỗi chúng sinh, cũng là bài học để giúp chúng sinh giác ngộ. Bởi có sát sinh, trộm cắp, có làm điều thiện, điều bất thiện, thì chúng sinh mới qua đó học được thế nào là thật sự là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là khổ, là vui, rồi từ đó mới giác ngộ được.
Sát sinh là chuyện duyên nghiệp trả vay, nhân quả chằng chịt giữa các chúng sinh với nhau. Ví dụ như trường hợp muỗi, ruồi, sâu bọ, dù không ai ăn những món đó mà người ta vẫn làm ra thuốc trừ sâu, xịt muỗi, cũng như không ai ăn thịt người mà vẫn chiến tranh hàng ngày, người vẫn chết hàng loạt. Vì vậy không thể kết luận vì mình ăn nên người ta mới sát sinh.
Vì sao thời Đức Phật không có quy định ăn chay? Dù ở Ấn Độ đã ăn chay từ ngàn năm trước, nhưng Phật vẫn để cho ai cúng dường gì thì ăn nấy, là bởi vì đời sống đi khất thực của chư tăng nếu còn chọn lựa thế này, thế kia thì làm khó cho chúng sinh. Trong khi thực ra họ cúng cũng đâu có tội gì.
Có một điều rất kỳ lạ, những trái cây, rau củ còn hạt giống có thể gieo trồng được là còn sự sống, và vì cần tôn trọng sự sống nên không được ăn. Thiện nam, tín nữ khi dâng cúng là phải cắt đi lớp vỏ trước, tức là làm trái cây trở thành món ăn thì mới ăn được. Còn miếng thịt thì không còn sự sống, không thể trở thành lại con vật.
Cho nên chỉ cần ăn sao cho đúng thôi. Quá xem nặng chuyện chay-mặn-sát sinh thì cũng không được, mà chỉ ăn sao cho đúng. Nếu người ta cho mình món gì mà mình thấy đúng thì ăn, không đúng thì mình thôi. Quan trọng ăn chỉ là để sống, và chính yếu vẫn là việc tu học.
Người Tây phương thường nói là ăn rau trái, chứ không nói là ăn chay. Còn chúng ta thì nói thành chữ ăn chay, mà Ăn Chay, định nghĩa theo hình thức nghĩa là: "Quá ngọ bất thực vị chi trai" - nghĩa là không ăn quá ngọ. Định nghĩa theo nội dung, nghĩa là: "Trai giả, tịnh giả, tẩy tâm huyết trai" - tức khi tâm mình thanh tịnh thì đó là chay.
Khi có người hỏi Phật: “Ăn thế nào cho thanh tịnh?” Phật trả lời: “Khi một người thanh tịnh ăn món ăn bất tịnh, thì người đó vẫn thanh tịnh, còn khi người bất tịnh, dù ăn món ăn thanh tịnh, người đó vẫn bất tịnh.”
Đạo Phật chính yếu là Thân-Khẩu-Ý được sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Tịnh của thân-khẩu-ý mới là quan trọng, là giác ngộ giải thoát, còn chuyện ăn như thế nào thì phải tuỳ lúc, tuỳ nơi, chứ không nhất thiết phải như thế nào. Cảm thấy ăn thế nào trong điều kiện mình cho phép, thấy tốt là được.
Có một vị tu bị giam cầm, còng tay trong một gốc cây trong rừng, đến khi quá đói, không chịu nổi thì có con cắc kè đi ngang qua, ông cũng tìm cách bắt mà ăn sống. Bây giờ ngồi đây mà chúng ta lý luận cái nào được hay không được, thì không thực tế. Cuộc sống thực ra là chỉ là có thương yêu và thông cảm thôi, chứ không thể nào kết luận đúng-sai, xấu-tốt, rạch ròi như thế này, như thế kia. Làm như vậy là không được.
Có một câu chuyện về một vị ni tu hành, ăn chay suốt đời, đến trước khi chết lại xin một muỗng nước mắm. Nghe như vậy để thấy rằng trong cuộc sống, khi chúng ta không thực sự thấy ra bản chất Sự Thật để sống cho đúng, thì nhiều khi chỉ là tự đè nén, tự áp chế, cho rằng phải ăn thế này, thế kia. Cứ như vậy, bên trong bị dồn nén thì đến một lúc nào đó cũng sẽ bùng phát. Trên con đường tu học để giác ngộ của Đạo Phật, chính yếu là phải thấy ra Sự Thật, chứ không phải chạy theo các quy định phải thế này phải thế kia.
Nói như vậy không phải là Thầy bênh vực ăn mặn và bài bác ăn chay. Bản thân Thầy cũng ăn rau trái là chính vì dễ tiêu và phù hợp tuổi tác, sức khỏe nhưng Thầy không cho mình là ăn chay. Trong một bữa ăn thì Thầy ăn rau trái vì dễ tiêu, và phù hợp với tuổi tác, sức khỏe mình, nhưng đó là khi mình vẫn được chọn lựa. Còn nếu đến một lúc nào đó không còn chọn lựa thì sẽ như thế nào? Cũng như vị tu sĩ kia khi không còn chọn lựa nữa thì đó là chuyện đáng thương, đáng cảm thông, chứ không thể nào phê phán được...
Thầy Viên Minh - Trích pháp thoại trong Khóa Thiền số 13 tại Chùa Bửu Long - 2013

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét