Chia sẻ

Tám về... tiếng vỗ của một bàn tay

7/05/2012 10:07:00 SA


Công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?" của Thiền Sư Bạch Ẩn Huệ Hạc được coi là công án nổi tiếng nhất của một Thiền sư người Nhật. Công án này cũng như công án "Vô" của Thiền sư Triệu Châu rất được Phật Tử Bắc Tông thực hành pháp quán công án ưa thích.

Ai chả biết để phát ra tiếng cần vỗ 2 bàn tay, một bàn tay không thể vỗ ra tiếng. Vậy Thiền sư Bạch Ẩn có ẩn ý gì qua câu hỏi hóc búa này? Một số người giải đáp rằng dùng 1 bàn tay để vỗ lên một vật gì khác. Một số khác thì cho đó là âm thanh của yên lặng (the sound of a silence). vv. Theo mình đó không phải là tâm ý của Thiền sư Bạch Ẩn muốn truyền lại cho các đệ tử. Các hành giả thiền tông đều biết công án thiền thường không phải để giải đáp, mà để cho các hành giả vì quán tưởng trên đề mục không lời giải này mà được nhất niệm, rồi vào vô niệm"ngộ" ra.

Mình không phải là hành giả thiền tông gì cả, nhưng cũng thích "Tiếng vỗ của một bàn tay" từ Thiền sư Bạch Ẩn. Nó liên tưởng đến nhiều điều khi mình thực hành cách sống tinh tấn, chính niệm, tỉnh giác. Vì vậy nên mới "tám" một chút.

Âm thanh chỉ xuất hiện khi 2 tay vỗ vào nhau. Không chỉ riêng tiếng vỗ mà trên thực tế thì cái gì cũng vậy. Mắt tiếp xúc với sắc và thế là nhãn thức xuất hiện, tai tiếp xúc với sóng âm thế là âm thanh xuất hiện, giác quan tiếp xúc với sự vật thì nhận thức liền hiện diện, chủ thể mà gặp đối tượng thì ngay đó ý niệm khởi lên. Nếu chỉ có một phía thì từ nó không thể  phát sinh điều gì, thật yên tĩnh như nhà con một. Mà chỉ cần có 2 đứa thì sinh ra đủ chuyện,  mọi người có thấy như thế không?

Theo quan sát của riêng mình cho đến khi nào nhận thức vẫn còn vướng vào chủ thể và đối tượng thì ta vẫn còn bị ý niệm quấy rầy. Khi còn phân biệt mọi thứ là có - không, đến - đi, giống nhau - khác nhau, đúng - sai, tốt - xấu, bước tới - dừng lại, tức là cứ giữ khư khư cái số 2 thì phiền não còn phát sinh. Đó là nguyên tắc vận hành của tâm ta, không thể nào khác được. Vì vậy mà Thầy mới dạy chúng ta giữ chính niệm.

Trong chính niệm ta không còn thấy mọi thứ bị phân biệt thành thế này hay thế nọ, do đó không có ý niệm nào khởi lên quấy rầy ta cả. Thực tướng của vạn vật vốn vô tướng, không có hình tướng xác định, nên chính niệm là vô niệm, không cần khởi lên ý niệm nào. 

Mọi thứ vốn là thể thống nhất không thể phân chia, theo ngôn ngữ của thiền là "bất nhị" tức là "không hai". Vậy chả phải là tiếng vỗ của một bàn tay là gì.

Bất nhị nên được hiểu là không một - không khác, chứ không phải là một. Nếu nói là một thì rất dễ hiểu lầm là còn có gì đó ngoài nó, liền trở thành 2 mất rồi. Trong chính niệm chỉ có sự nhận biết mọi thứ sáng suốt rõ ràng và tất cả cùng một lúc, không khởi ý niệm nào phân biệt chúng thành những cá thể tách biệt, cũng không có ai đang nhận biết gì cả. Vì thế mới nói mọi thứ không phải là mộtbất nhị, không một - không khác.

Dưới đây là một chia sẻ về  "Tiếng vỗ của một bàn tay" từ Làng Mai, mời mọi người thưởng thức:
"Bạch đức Thế Tôn, mùa này những cây sồi làm rơi rụng rất nhiều hạt. Trong khi chúng con đi thiền chúng con đạp lên những hạt đó. Chúng con biết rằng có những hạt rơi xuống chỗ đất tốt và sẽ có những cây sồi con mọc lên. Một đời của đức Thế Tôn ngài đã làm ra không biết bao nhiêu là hạt, những hạt giống của tuệ giác của từ bi và ngài đã gieo khắp nơi. Chúng con không có nhận diện ngài qua hình sắc qua âm thanh như trong kinh kim cương đã nói, chúng con nhận diện ngài qua những cái hạt giống mà ngài đã gieo. Chúng con là đất và chúng con đã tiếp nhận những hạt giống của đức Thế Tôn, đức Thế Tôn đang có mặt nơi chúng con dưới dạng những hạt giống của từ bi của hạnh phúc của tự do. Chúng con đang nói chuyện với đức Thế Tôn không phải như một người ở ngoài chúng con biệt lập. Chúng con đang nói chuyện với Thế Tôn như là chúng con đang nói chuyện với chính chúng con tại vì chúng con đang mang theo ở trong chúng con sự có mặt đích thực của đức Thế Tôn sự. Và chúng con biết chúng con là sự có mặt của đức Thế Tôn. Chúng con biết rằng là khi nói chuyện thường thường phải có hai người một người nói một người nghe, hai người riêng biệt nhưng trong trường hợp này không phải như vậy, đức Thế Tôn và con không phải là hai và cũng không phải là một và vì vậy chúng con hiểu được thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay."

PT - 07/2012

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét