Chân lý

Đức Phật đã hứa hẹn điều gì?

5/13/2019 06:42:00 SA


...Thưa thầy, nếu thiền được thúc đẩy bởi một động cơ thành tựu thì không phải là thiền thực sự mà chỉ là tạo tác của tham sân si. Vậy tại sao Đức Phật lại hứa hẹn rằng nếu kiên trì tập luyện Tứ niệm xứ 7 năm, 7 tháng, 7 ngày... thì sẽ đạt quả vị này quả vị kia? Chẳng phải như vậy sẽ tạo nên một động cơ, một thành tựu (achievement) cho người tu tập theo đuổi sao? Xin thầy giải nghi.
Trả lời:
Hành thiền Vipassanà chủ yếu là trở về trọn vẹn với thực tại thân-thọ-tâm-pháp gọi là chánh niệm, thấy biết thực tại thân-thọ-tâm-pháp ngay tại đây và bây giờ một cách trong sáng minh bạch, tuyệt đối không để (động lực) tham ưu xen vào bất cứ pháp nào trên đời gọi là tỉnh giác, cứ như vậy mà tu tập không buông lung phóng dật gọi là tinh tấn. Đó là toàn bộ cốt lõi pháp hành Tứ Niệm xứ. Trong đó không tìm đâu ra hai chữ hứa hẹn và bốn chữ kiên trì tập luyện cả.
Nếu Đức Phật hứa hẹn một tương lai thì sao lại nói: "Quá khứ không truy tầm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây." Và khi Phật dạy: "Không động không rung chuyển, biết vậy nên tu tập, hôm nay nhiệt tâm làm, ai biết chết ngày mai" lại càng chứng tỏ nhiệt tâm tu tập một cách trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ, vì biết khi nào chết mà mong ngóng ở tương lai, hoàn toàn khác với kiên trì tập luyện do động lực tham ưu của bản ngã mong được sở hữu một sở đắc (achievement) ở tương lai. Nếu không thấy ra chỗ khác biệt vi tế này thì không phải chỉ sai một ly đi một dặm mà còn đi ngược hoàn toàn Giáo Pháp của Đức Phật. Vô tình đồng hóa Ma Đạo với Phật Đạo, mà người xưa gọi là hủy báng Phật Pháp đó con à!
Ví dụ: Một người đi học cách trồng ổi. Chuyên gia nói rằng: "Anh cứ gieo trồng cây ổi con rồi nhiệt tâm chăm bón đúng mức thì tùy theo giống ổi mà 3 năm, 2 năm, 1 năm, thậm chí 6 tháng ổi sẽ có hoa có trái." Người trồng ổi cứ bình tâm mà gieo trồng đúng, tưới bón đúng, còn ra hoa ra trái là việc của cây ổi, chứ đâu phải việc của anh ta mà tham lam cố gắng làm quá sức mình để sinh bệnh (tẩu hỏa nhập ma) và không chừng chết trước khi ổi có trái!
Đó cũng là lý do vì sao khi một vị tỳ kheo xin hoàn tục vì kiên trì tập luyện không thành công và trách Pháp Phật không có kết quả. Phật dạy:"Như Lai đâu có hứa hẹn những thành quả mà ngươi mong muốn", và Ngài xác nhận tinh tấn quá mức là hoàn toàn vô ích chẳng khác lên dây đàn quá căng thì chỉ đứt thôi chứ đâu có được âm thanh hay ho gì! Trong một bài kinh khác đức Phật dạy rằng:"Không phải mong cầu hay không mong cầu mà là có làm đúng pháp hay không mà thôi."

* * *

...Hôm nay con có 2 câu hỏi liên quan đến "tâm tham" trong việc tu tập, xin thầy từ bi hướng dẫn giùm con:
1. Có một đạo tràng thông báo ngày 24.4 sắp đến là ngày vía của một vị Phật và đạo tràng sẽ tập trung để trì chú, hành trì với số lượng gấp 5 lần ngày thường vì hành trì ngày đó công đức tích lũy tăng gấp 100 lần. Theo con thấy tinh tấn hành trì là việc tốt nhưng tự nhiên lại trì tụng gấp 5 lần bình thường dù sau đó cũng có hồi hướng công đức cho chúng sanh 6 cõi luân hồi nhưng con thấy vẫn ẩn chứa tâm tham tích lũy công đức tăng 100 lần trong đó. Vậy mình có nên làm vậy không thầy hay là cứ làm đi vì công đức tăng trưởng thì hồi hướng cũng được nhiều hơn? Nhưng sao con cứ thấy việc này sẽ làm tăng lòng tham dù là tham công đức hay tu tập...
2. Sư phụ khuyến khích các đệ tử nên tinh tấn hành trì và trong khi năng lượng tu tập đang cao, mọi người thi nhau thức khuya dậy sớm để hoàn thành xong số lượng hành trì càng sớm càng tốt, trong sự nhiệt tâm này còn ngầm sự ganh đua xem ai hoàn thành sớm hơn. Thà là mình không làm gì luôn chứ nếu thực hành với tâm tham này thì chỉ có bản ngã tăng trưởng theo sở tri sở đắc thôi đúng không thầy?
Mỗi sáng thức dậy nếu con thấy mình có tâm tham thì liền tắt báo thức và ngủ tiếp, khi nào hành trì mà không có tâm mong cầu hoàn thành nhanh như mọi người thì con mới làm, có phải mình nên chọn cách không làm hoặc chậm hơn mọi người cũng được miễn là không phải tạo ra "một cái bản ngã đang tu"?
Con cảm ơn thầy nhiều
Trả lời:
Có lẽ để vượt qua giai đoạn bản năng hưởng thụ không chịu thực hành Giáo Pháp nên người ta khuyến khích tinh tấn tu hành bằng cách hứa hẹn cho họ nhiều phước hơn để hưởng thụ. Thôi thì tham vậy cũng được. Nhưng tu một thời gian nếu ai bắt đầu phát hiện ra như vậy chỉ là làm giàu cho bản ngã, mà cái Ta ảo tưởng dù thiện đến đâu cũng vẫn ở trong Tam giới bất an như ngôi nhà cháy, thì họ sẽ thoát ra lối tu đó để chỉ soi sáng lại thực tại thân tâm, thấy ra sự thật, giác ngộ và giải thoát ra khỏi cái Ta ảo tưởng mà thôi.

* * *

Thưa thầy, con đã nghe thầy giảng qua mục pháp thoại từ lâu. Rất tiếc vì ở xa nên con chưa có duyên được gặp thầy một lần. Phải qua một thời gian con mới thấm thía được lời thầy giảng.
Thật sự chỉ khi nào trải qua đau khổ tận cùng thì tâm mới thôi bám víu vào bản ngã. Không có hứa hẹn giác ngộ nào ở tương lai vì không có người tu, chỉ có pháp vận hành liên tục từ muôn đời. Mọi lời thầy dạy đều đúng cả, con không còn thắc mắc gì thêm nữa. Con không biết chia sẻ thế nào về sự an lạc trong tâm con bây giờ. Dù thầy chưa biết và chưa một lần gặp con, nhưng con xin được cảm tạ thầy vì đã chỉ dạy con thấy được sự thật. Con chúc thầy thêm mạnh khỏe để chỉ lối cho chúng con.
Trả lời:
Sādhu lành thay! Thật là hy hữu, dù không nghe thầy giảng trực tiệp vẫn thấy được Sự Thật, vẫn hưởng được pháp vị tịnh lạc. Thầy vô cùng hoan hỷ chúc mừng con!...
Thầy Viên Minh - tổng hợp từ các Hỏi & Đáp với Phật Tử.
www.trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét