Chia sẻ

Hiểu đúng về chữ “hiếu”

5/13/2019 09:45:00 CH

...Con còn bị vướng bận vào gia đình rất nhiều. Mẹ con là người sống không có kế hoạch. Đến khi về hưu, trong tay mẹ con cũng không có một xu nào. Ba con lại ra đi đột ngột, và con đã phải lăn lộn đi làm thêm để kiếm tiền học tiếp.
Khi con ra trường, con lại phải lao đầu vào guồng máy kiếm tiền, vì con luôn lo sợ khi có chuyện bất trắc gì xảy ra, mẹ con lại không có tiền thì biết tính sao. Và con đã làm việc bất kể ngày đêm. Tiền kiếm được đa phần đều chi tiêu cho toàn bộ gia đình mà con đang sống chung đó, từ việc lớn đến việc nhỏ. Mọi người đều ỷ lại vào con, họ không những không đóng góp gì mà thậm chí còn vay mượn, xin tiền con nữa. Nhiều năm qua, con luôn cố gắng kiếm tiền để xây dựng lại căn nhà đã cũ nát này mặc dù đây là căn nhà đồng sở hữu của sáu người cậu, dì, chú bác và mẹ con. Có người trong số họ thậm chí còn không đồng ý việc chi trả lại tiền xây nhà cho con mặc dù người đó rất giàu có.
Con cũng ko dư giả gì cho việc xây nhà nhưng nếu con không xây dựng lại thì lỡ nhà sập sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay cả mẹ con cũng ỷ lại vào con, hằng ngày nếu con không đi làm thì mẹ con sẽ để mặc con làm việc nhà, chợ búa từ sáng đến trưa rồi lại đi làm đến tối mịt. Khi con về, mẹ con chẳng bao giờ hỏi han xem con đã ăn uống gì chưa, cũng không chuẩn bị cơm nước gì, mà đã đi ngủ từ sớm. Hằng tháng, mẹ con chỉ bảo con đưa tiền là chính và mẹ con vẫn chi tiêu không có kế hoạch như thời còn trẻ.
Năm nay, con đã 32 tuổi. Nhìn lại cuộc đời đã qua, con cảm thấy đó là một cuộc đời bị đánh cắp. Tuy con không đến độ khó khăn, cùng cực như trước nhưng con chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ, trừ những lúc qui hướng về Phật pháp. Con thấy mình lúc nào cũng phải sống vì người khác, mặc dù rất miễn cưỡng. Hằng ngày, con phải bon chen với xã hội, bị nhiều sự ganh ghét, chà đạp, mưu hại. Tiền con kiếm được, con chưa bao giờ dám tiêu gì nhiều cho bản thân, mua những gì mình thích, hay đi du lịch, v.v...tất cả chỉ vì lo cho gia đình và căn nhà đó. Con cảm thấy vô cùng mệt mỏi và muốn dừng tất cả những việc này lại...
Con mong Sư cho con một lời khuyên về cách tu tập để chấm dứt nỗi buồn trong quá khứ của con, cũng như cách chuyển hóa cuộc sống hiện tại để con được giải thoát khỏi những ràng buộc từ gia đình, công việc...
TRẢ LỜI:
Đọc bức thư của con, Sư rất hiểu và thông cảm với con. Con là một người tốt, hiếu thảo và sống vì mọi người. Và người tốt như thế thường hay bị lợi dụng. Con lo và bao cấp cho mọi người quá mức như thế là sai lầm, bởi vì:
1.Con bỏ quên bản thân con. Thay vì có trách nhiệm với chính mình, con lại đi chịu trách nhiệm thay cho cuộc đời của người khác. Vì việc đó, con phiền não và đau khổ, những năm tháng tuổi trẻ tràn đầy sinh lực và trí tuệ, con không sử dụng để phát triển bản thân mình, để học hỏi và sống an vui, ý nghĩa, mà lại chỉ miệt mài lo kiếm tiền bao cấp cho người khác. Như vậy là vô trách nhiệm với chính mình con ạ.
2.Con làm thay cho họ, tưởng rằng như thế là tốt và tròn trách nhiệm, nhưng vô tình con lại tước đi của họ một cái quyền lợi lớn: đó là quyền chịu trách nhiệm về chính mình, quyền được trả giá để trưởng thành. Họ ỷ lại vào con, lười biếng và đòi hỏi, ngày càng ích kỷ hơn, và trút bỏ trách nhiệm cuộc đời mình lên con. Đó là cái gốc bất thiện để cuộc đời họ sau này ngày càng đi xuống.
Bản chất con người là như vậy con ạ. Đau khổ và vất vả, vật lộn với mưu sinh mới khiến họ rèn luyện mình, trưởng thành lên và chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Khi có người khác lo cho họ, họ sẽ coi điều đó là đương nhiên và sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa. Nếu con không lo cho họ nữa, họ sẽ thù oán và kết tội con, coi con tệ hơn cả những người trước nay không bao giờ quan tâm đến họ. Con cảm thấy uất ức, thiệt thòi và cảm thấy cuộc đời mình “bị đánh cắp”. Thực ra không phải họ đánh cắp cuộc đời con, mà con tự dâng lên cho họ quãng đời quý giá ấy.
Báo hiếu cho cha mẹ không có nghĩa là nhắm mắt làm theo mọi đòi hỏi, dù là vô lý và sai lầm của cha mẹ. Báo hiếu của người có trí tuệ là khuyến khích cha mẹ làm điều thiện, suy nghĩ đúng, hướng cha mẹ về con đường chân chánh – trong khả năng của mình, và nếu cha mẹ có duyên với nó. Không phải vì việc báo hiếu một cách mù quáng mà làm hại bản thân mình, và gián tiếp làm hại đến cha mẹ nữa.
Thuở xưa, Khổng Tử có một học trò rất có hiếu tên là Nhan Hồi. Một hôm, Nhan Hồi phạm một lỗi nhỏ, cha ông đang cầy ruộng tức giận quở mắng ông và cầm cái cầy đánh ông ngã ngất ngay ngoài đồng. Mấy hôm sau khi Nhan Hồi đến lớp, Khổng Tử cấm không cho ông vào lớp. Khi học trò hỏi lý do, Khổng Tử dạy rằng cha mẹ đánh đòn nhẹ thì chịu, đòn nặng thì phải chạy. Như vậy mới là hiếu. Nhan Hồi thấy cha cầm cầy đánh mà cứ giơ lưng ra chịu, chẳng may bị cha đánh trọng thương hoặc chết, có phải là làm cho cha mang tội và hối hận suốt đời không. Như vậy là bất hiếu.
Cha mẹ do thiếu hiểu biết, do mê mờ, do nhiều thói xấu, phiền não nên đòi hỏi mình quá mức, hoặc bắt ép mình phải sống theo ý muốn của họ. Và mình đau khổ, uất ức vì chuyện đó, vì nhắm mắt chiều theo mà làm thui chột cả tương lai và sự phát triển, hạnh phúc của mình, như vậy là mình vô trách nhiệm với chính bản thân mình và cũng chẳng tốt đẹp gì cho cha mẹ. “Đòn nặng thì phải chạy”, nếu mình không thể hướng được cha mẹ đến điều tốt đẹp, thì phải nên tách mình ra khỏi tác động tiêu cực của cha mẹ, không để bản thân mình cộng nghiệp với cha mẹ.
Làm cho cha mẹ vui chưa chắc đã phải là hiếu, nhiều việc ta quyết định có thể cha mẹ buồn, nhưng lợi ích cho ta, và có thể về sau cũng lợi ích cho cha mẹ, hoặc ít nhất không làm họ lún thêm vào đau khổ. Đức Phật từ bỏ gia đình và ngai vàng để vào rừng xuất gia, cha mẹ ngài rất đau khổ. Khi thành đạo, Ngài đã trở về độ cho cha mẹ và rất nhiều người dòng họ Thích Ca đắc thánh quả. Nếu ngài chỉ làm theo những điều cha mẹ vui lòng và mong muốn, thì thế gian này đã không thể có một vị Phật ra đời.
Có đôi khi để làm được điều lợi ích cho cha mẹ mình, chúng ta phải vô cùng kiên nhẫn cả một thời gian dài. Có những lúc, do nghiệp cha mẹ quá nặng, chúng ta thấy mình hầu như chẳng thể làm được gì để thay đổi họ. Ít nhất, chúng ta phải tự cứu vớt cuộc đời mình, sống ý nghĩa và hạnh phúc cho bản thân, khi có đủ trí tuệ và tình thương, chúng ta mới có thể làm được chút gì đó để trả hiếu một cách đúng đắn cho cha mẹ. Ngài Xá Lợi Phất là vị Thượng thủ Đại đệ tử của Đức Phật, có bà mẹ theo đạo Bà La Môn, chấp giữ tà kiến. Ngài đã độ cho biết bao người đến Thánh quả, vậy mà mãi đến ngay trước khi nhập diệt, ngài mới độ được cho mẹ mình từ bỏ tà kiến ấy. Đối với chúng ta, còn đang chơ vơ định hướng con đường của mình, thật là quá khó để chúng ta có thể khiến cha mẹ mình thay đổi được cách nhìn, vì tâm lý cha mẹ nào chẳng coi con cái mình là non dại, cần dạy bảo, và nếu con có phân tích thì:“Ôi dào, trứng khôn hơn vịt!”...
Con người chúng ta khi chưa tu tập đến nơi đến chốn vẫn thường lẫn lộn đúng sai. Không biết việc gì là đúng, việc gì sai, việc gì nên làm, việc gì không nên làm, không được làm. Khi có người đặt những câu hỏi như thế với Đức Phật, ngài dạy rằng, khi suy xét việc gì đúng hay sai, nên làm hay không nên làm, thì phải xét đến 4 trường hợp sau đây:
  1. Việc nào hại mình, lợi người - không nên làm.
  2. Việc nào hại người, lợi mình - không nên làm.
  3. Việc nào hại cả hai - càng không nên làm.
  4. Chỉ có việc nào lợi mình và lợi người mới nên làm.
Con hãy lấy tiêu chuẩn đó để suy xét và biết việc nào mình nên làm, việc nào không. Nhưng có điều, con phải rõ ràng về hai chữ lợi, hại. Chữ lợihại của thế gian không giống với chữ lợi và hại mà Đức Phật dạy. Lợi-hại của thế gian là được – mất, là xoay quanh lợi ích vật chất, hưởng thụ, danh lợi của cá nhân. Lợi-hại của Đức Phật dạy liên quan đến lợi ích phát triển tâm linh, đến con đường thoát khổ, đến kiếp này và kiếp sau, đến những lợi ích vượt lên trên chữ lợi ích tầm thường của thế gian. Để hiểu được những điều đó, con phải hiểu rõ những lời dạy của Đức Phật, nghiệp và phước, con đường tu tập thoát khổ... con phải thực hành những lời dạy ấy, bước chân đi trên con đường ấy, để có được hiểu biết đúng đắn, gọi là Chánh Kiến. Khi đó con sẽ thấy mọi thứ rõ ràng, đúng sai minh bạch, không ai có thể thuyết phục con theo họ được nữa, chỉ có sự thật rõ ràng con tự mình thấy rõ.
Chẳng hạn, việc con hy sinh cho mọi người trong nhà như vậy, bản thân con mệt mỏi, phiền não, quanh năm suốt tháng quần quật kiếm tiền cho người khác tiêu phung phí, bỏ lỡ bao cơ hội tận dụng năng lực và tuổi trẻ để phát triển bản thân mình, bởi vì con nghĩ đó là việc đúng, việc nên làm, là trách nhiệm của con. Bản thân con không lợi ích đã đành, nhưng nó cũng có tốt cho mọi người hay không? Nhìn lại bao nhiêu năm qua, dù rằng công sức con bỏ ra như thế, mọi người có thay đổi gì không hay còn ngày càng tệ hơn, càng sống ỷ lại và đòi hỏi nhiều hơn. Khi những tâm thiện vắng mặt, tâm bất thiện ngày càng sâu dày thì họ không thể chờ đợi điều gì hơn ngoài một tương lai đau khổ, kiếp này và kiếp sau...
Đã đến lúc nhìn ra sự thật và thay đổi. Khi con đã học được bài học mà cuộc đời đau khổ dạy cho con, thì những đau khổ và sai lầm trước kia không hề uổng phí. Có ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần...
Sư Tâm Pháp - Trích Cuộc Đời Bị Đánh Cắp - Nguồn sutamphap.com

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét