Chia sẻ

Tám về... cấp độ nhận thức và "ngộ"

8/23/2012 07:24:00 CH

Rất nhiều bạn chia sẻ những gì Thầy Viên Minh dạy nghe thì dễ hiểu, nhưng khi thực tập gặp rất nhiều khó khăn. Mình đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong những "tám" trước. Hôm nay nhân đọc được thắc mắc khá hay của một Phật Tử trên trang web của Thầy nên chia sẻ thêm một chút. Thắc mắc này được Thầy giải đáp như sau:

"Thưa thầy, khó khăn của tất cả chúng con khi găp phải là khó giữ gìn giới luật. Cho dù có ngộ được Lý nhưng khi vào Sự thì gặp phải tham, sân, si, rất khó mà vượt qua. Việc này chúng con rất ít kinh nghiệm, mong thầy chia sẻ. Con xin kính lễ thầy.

Thầy trả lời:
Như vậy là chưa thấy lý, chỉ mới hiểu nghĩa. Hiểu nghĩa do đó còn tưởng theo kiến thức, chưa thấy sự kiện thật của pháp. Nếu con đã thấy lý tức khi sân con thấy thực tánh của sân thôi chứ không xử lý gì cả. Vì con muốn xử lý nên mới thấy khó khăn. Sự là diễn biến của sự kiện thực tại mà qua đó con cần chiêm nghiệm thật khách quan và sâu sát thì mới điều chỉnh được nhận thức và hành vi đúng pháp, chứ không xử lý hoặc kiểm duyệt lấy bỏ một cách chủ quan."

Quá trình thấy ra sự thật được Thầy chia làm 4 giai đoạn:

1. Chúng ta nghe lời Thầy dạy hay đọc sách để hiểu được nguyên tắc vận hành của thân và tâm. Giai đoạn này mới là hiểu nghĩa lời giảng qua ngôn từ - khái niệm. Chỉ nắm được lý thuyết, chưa được thực chứng nên tâm vẫn lăng xăng chưa vững vàng, vẫn còn khổ đau rất nhiều. Giai đoạn này Thầy gọi là giải ngộ. Thầy  mô tả giai đoạn này như sau:
 
"Một số hành giả dựa trên GIÁO mà hiểu NGHĨA theo tầm cỡ nhận thức của mình hoặc theo truyền thống của tông môn mình, rồi vận dụng ra phương pháp thiền để tu tập và hướng dẫn người khác. Những phương pháp này nằm trong khuôn khổ chế định, mang tính tục đế, tuy cũng có nhiều kết quả khả quan nhưng chỉ giải quyết được những vấn đề cục bộ, như người mù sờ voi, không thể thấy chân tánh toàn diện của thực tại. Phần lớn hành giả chỉ dừng lại ở những kinh nghiệm phiến diện trong các trạng thái định chứ chưa khai mở được tuệ giác.
 
Ở trình độ đầu, hành giả thường thích đề cao kinh nghiệm cá nhân, xem đó là sở đắc và luôn muốn đạt được những kinh nghiệm cao hơn. Chính vì vậy họ bị lệ thuộc vào lập trình quy ước của phương pháp, vào thời gian tâm lý trong cố gắng tạo nhân để gặt quả – sở đắc – mà họ mong đợi. Đây là một loại chấp hữu, khó khai mở được."

2. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu có chính niệm tỉnh giác thì chúng ta sẽ tiếp xúc được với thực tánh, sự kiện thật của những gì đang xảy ra chứ không phải là khái niệm về chúng. Từ đó chúng ta phát hiện thấy những gì Thầy dạy đúng quá. Thế nên mới gọi là giai đoạn thấy được Lý trong Sự vậy. Giai đoạn này mới "lẫm chẫm" vào được Sự nên việc điều chỉnh thái độ và hành vi còn khá lúng túng, nhưng tâm ta đã vững vàng và ổn định hơn. Giai đoạn này Thầy gọi là chứng ngộ. Thầy mô tả giai đoạn này như sau:

"Ở tầm vóc cao hơn, một số hành giả đã thấy được LÝ nhưng khi vào SỰ thì hoàn toàn lúng túng. Bởi vì thấy LÝ cũng có nhiều mức độ khác nhau: 1) Hiểu được LÝ qua lý trí. 2) Nhận ra LÝ qua thể nghiệm ban đầu.
 
Ở trình độ thứ hai, hành giả thường tự mãn về LÝ mà mình đã thấy nên chỉ lo thuyết phục người khác mà quên đi thực tại nơi chính mình, vì tưởng rằng thấy lý là đã xong. Do quá đề cao LÝ, họ sống thiếu thực tế và tỏ vẻ lập dị giữa cuộc sống bình thường. Đây là một loại chấp không, khó chấp nhận đời sống hiện thực."
 
3. Sống trong Sự một cách trọn vẹn sáng suốt, định tĩnh và trong lành. Giai đoạn này mình chưa tới, nhưng đoán là thân và tâm sẽ vô cùng thảnh thơi, nhẹ nhàng, ổn định vững vàng. Giai đoạn này Thầy gọi là triệt ngộ. Thầy mô tả giai đoạn này như sau:
 
" Đây là giai đoạn 3. Thông suốt LÝ qua thể nghiệm toàn diện. Tiến trình từ giai đoạn 2 tới 3 này được đức Phật gọi là THẤY – BIẾT – HIỆN QUÁN và THỰC CHỨNG. Ở trình độ này hành giả có thể chứng ngộ được thực tánh pháp tùy theo độ khai mở của tâm (qua các tuệ chứng tương ứng).
Khi đã thực chứng, tức đã thấy LÝ trong SỰ, hành giả bắt đầu sống TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP, trải nghiệm tất cả SỰ trong nghiệp mệnh chính mình chứ không tìm kiếm bên ngoài, nhờ đó thấy ra LÝ và SỰ không hai.

4. Lý và Sự viên thông, tức là thông suốt không còn vướng mắc. Giai đoạn này quá cao so với mình, có thể gọi là giác ngộ to lớn. Mình chỉ đoán vậy thôi. Giai đoạn này Thầy gọi là viên ngộ. Thầy mô tả giai đoạn này như sau:
 
" LÝ và SỰ dung thông ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh hiện tiền. Hành giả lặng lẽ hay nói năng đều hợp nhất SỰ và LÝ, thân và tâm, vừa tùy duyên thuận pháp – sống hợp với chân đế; vừa tùy thuận chúng sanh – không xa lìa tục đế; đồng thời tùy hạnh nguyện VÔ NGÃ VỊ THA mà hành xử theo trung đạo chứ không có chỗ tham cầu, không có nơi dừng lại..."
Điều mấu chốt trong khi thực tập là chúng ta phân biệt được khi nào cái bản ngã ảo tưởng đang có ý đồ tu tập gì đó, và khi nào tính biết tự thấy pháp một cách tự nhiên. Nếu chúng ta còn cảm thấy "khó khăn" thì chứng tỏ là bản ngã ảo tưởng đang muốn đạt được nên mới gặp khó khăn. Biết được điều này rồi thì cái khó ấy tự nhiên cũng biến mất tiêu thôi!

Chỉ cần tiếp xúc với pháp (sự kiện thực chứ không phải khái niệm) một lần là đủ cho chúng ta nhớ về nó mà tu tập dài dài.
Hãy làm một thí nghiệm nhỏ: ngay khi đọc dòng chữ này, bạn hãy thử ngồi buông thư, quên đi tất cả những ý đồ, tất cả những kiến thức, lời dạy của người khác, quên đi mình tên gì, con ai, quên đi tất cả các mối quan hệ, vv... tóm lại là quên đi tất cả để trở về hoàn toàn với thực tại ngay bây giờ và ở đây... Nếu bạn may mắn, bạn sẽ chợt nhận thấy vẫn những gì đang xảy ra xung quanh nhưng sao mà chúng tươi mới vô ưu và đồng nhất một cách khác hẳn. Không còn ý niệm nào ràng buộc, cứ tự nhiên như thế. Đó là khi vào được Sự (sự kiện thực không còn khái niệm và không còn Ta).
Hãy thử thí nghiệm xem nhé! Thật ra mình không cần làm gì, mọi thứ tự có đó. Nếu có ai tu thì chỉ là tính biết và pháp đang tự nó tu, mình chẳng cần làm gì cả.

PT - 07/2012

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét