Chia sẻ

Trở về với thực tại... bên trong hay bên ngoài?

2/29/2012 01:43:00 CH

Hỏi:
- Thầy nói, trong quan hệ với ngoại giới, chúng ta thường quan tâm đến đối tượng mà quên chính mình, như vậy là theo ngọn bỏ gốc. Có phải ý thầy muốn nói đừng quan tâm đến người khác, chỉ nên lưu ý đến tâm tư nguyện vọng của mình?


Thầy trả lời:
- Không phải vậy, chỉ quan tâm đến ý muốn của riêng mình mà không để ý đến tâm tư nguyện vọng của người khác là ích kỷ. Trở về gốc là chánh niệm, từ đó bạn mới có thể tùy duyên đối tượng ở đâu mà thận trọng chú tâm quan sát bên trong hoặc bên ngoài theo nhu cầu thực tiễn lúc đó, nhưng bạn cũng không nên đánh mất tính toàn diện của thực tại (cả trong lẫn ngoài), để không bị dính mắc vào một bên.

Thông thường, nếu bạn quá quan tâm đến đối tượng bên ngoài thì sẽ bỏ quên chính mình, do đó cần phải trở về gốc thực tại thân tâm trước, rồi khi tâm đã chánh niệm bên trong thì nên hướng tâm quan sát thế giới bên ngoài; và khi bạn đã có thể chánh niệm cả trong lẫn ngoài thì tâm bạn không còn bị thiên lệch bên nào nữa.

Hỏi:
- Khi đi bộ trên phố hay lái xe ngoài đường, nếu chánh niệm, chúng ta chỉ quay vào trong trọn vẹn với thân-thọ-tâm-pháp, không quan tâm bên ngoài liệu có gây tai nạn không?

Thầy trả lời:
- Tất nhiên nếu bạn chỉ chăm chú vào trong mà không quan tâm bên ngoài thì rất dễ gây tai nạn, nhất là khi ở chỗ đông người hay nơi nguy hiểm. Như chúng ta đã biết, quá chăm chú vào trong sẽ bị dính mắc bên trong; ngược lại, quá quan tâm bên ngoài thì dễ bị vong thân, tha hóa.

Khi bạn đang đi bộ hay lái xe mà bị lôi cuốn vào một đối tượng nào đó, dù trong hay ngoài; ví dụ như bạn đang chìm đắm trong ý nghĩ hận thù hay thương tiếc, lúc đó, bạn quên rằng mình đang đi bộ hay đang lái xe, và tất nhiên bạn rất dễ gây tai nạn giao thông. Đó là thất niệm chứ không phải chánh niệm. Khi chánh niệm tâm bạn không phân tán, không quên mình, chứ không phải dừng lại bên trong như thiền định an chỉ, nên bạn có thể trọn vẹn với lái xe, đi bộ hay bất cứ việc làm gì.
Chánh niệm là trọn vẹn với thực tại đang là, thực tại đó là sự tương giao giữa chính mình (thân và tâm) với hoàn cảnh bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc) chứ không tách riêng trong ngoài để tập chú vào một đối tượng nhất định nào, trừ phi đối tượng ấy cần sự thận trọng chú tâm quan sát trong một tình huống đặc biệt.

Ví dụ như khi đang đi trên phố, nếu tâm bạn bị cuốn hút trong một mối lo toan nào đó, bạn có thể va vấp hoặc đụng chạm vào người khác; nhưng khi chánh niệm, tâm trí bạn bén nhạy đến nỗi có thể cảm nhận được mọi diễn biến xung quanh mà vẫn không quên chính mình.
Sai lầm của bạn là không thấy được sự khác biệt giữa niệm và định, hay giữa trọn vẹn với thực tại và sự tập chú vào bên trong như khi bạn thiền định. Thiền định thì cần một nơi an toàn để thực hiện, còn đang lái xe hay đi trên đường phố thì bạn cần phải chánh niệm mới có thể an toàn được.

Hỏi:
- Thầy nói chánh niệm là trọn vẹn với thực tại? Vậy khi tham dục, sân hận, ngã mạn sinh khởi v.v… cũng cứ trọn vẹn với chúng hay sao? Thế thì làm sao đoạn tận tham, sân, si như đức Phật dạy được?


Thầy trả lời:
- Bạn thử xem xét thật kỹ tình huống sau đây: để dỗ một em bé đang khóc, có phải mục đích của bạn là làm cho bé ngừng khóc hay là bạn nên hết lòng thương yêu, thông cảm và chia sẻ với toàn bộ hoàn cảnh của bé?

Nếu bạn chỉ muốn bé đừng khóc vì lợi ích của riêng bạn, chứ không cần thấu rõ con bạn khóc vì nỗi gì, thì không bao giờ bạn hiểu được bé. May là bé khóc để bạn biết con mình đang đói hay khát, nóng hay lạnh v.v… vậy bạn cần chia sẻ một cách trọn vẹn với bé chứ đừng chỉ cố tìm cách bắt bé đừng khóc.

Một điều kỳ diệu là chính sự yêu thương trọn vẹn sẽ làm bé ngưng khóc! Và cũng chỉ có chánh niệm trọn vẹn với tham sân mà không phê phán, kiểm duyệt hay can thiệp gì cả thì mới có thể thấy được tham sân có sanh có diệt.

Trọn vẹn với tham sân trong chánh niệm khác hẳn với bị chìm đắm trong tham sân khi thất niệm. Theo nguyên lý, khi thất niệm thì tham sân mới sanh khởi, nên ngay khi chánh niệm thì tham sân liền tự diệt. Vậy chìm đắm trong tham sân là thất niệm, còn trọn vẹn với tham sân mới chính là chánh niệm.


Trích Chương II - Sống Trong Hiện Tại - Viên Minh


Bạn có thể đọc sách online tại đây, hoặc liên lạc với Pháp Thuận - 0905 636 668 để lấy file PDF.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét