Chia sẻ

Phật Giáo nói về... Tình Dục

2/26/2012 09:50:00 CH



Trò hỏi: Thưa thầy, cho con hỏi, trong Phật giáo vấn đề tình dục nói chung có bị coi là tội lỗi hay không? Nếu một người thường có mặc cảm về vấn đề tình dục của mình thì có thể sám hối, xưng  tội hay trì chú để xoá bỏ tội lỗi đó hay không? Con xin cám ơn thầy.

Thầy trả lời:
Đây quả là vấn đề tế nhị mà mỗi tôn giáo có cách nhìn khác nhau. Có một số tông phái Phật giáo và một số tôn giáo chủ trương tình dục cũng là một trong những pháp tu. Nói như vậy cũng có phần đúng khi hiểu chữ tu theo nghĩa là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi trên đường tiến hóa đến giác ngộ giải thoát. Quá trình này phải trải qua tất cả sự kiện thực tế để thấy được sự sinh khởi, vị ngọt, sự nguy hại, sự đoạn diệt và cuối cùng là thoát ly khỏi sự trói buộc của sự kiện đó.

Tham ái chỉ bị chận đứng bởi đau khổ và diệt tận bằng trí tuệ. Sám hối, xưng tội, trì chú hay tha tội chỉ là động tác tâm lý để người làm tội bớt đi mặc cảm mà vươn lên thôi chứ trên thực tế không thật sự có hiệu quả tận gốc. Nhân quả chính là bài học mà Pháp (hay Thượng Đế hiểu theo một vài tôn giáo khác) muốn con người phải trải nghiệm để học ra chính mình và sự thật về cuộc sống, nếu xá tội đi khi chưa thấy ra sự thật thì làm sao con người học ra bài học nhân quả nghiệp báo được.
Giống như cho con đi học mà nó lười biếng không học hành lại còn quậy phá bạn bè, ăn cắp ăn trộm v.v… rồi nó vẫn không lãnh lấy hậu quả nào để sáng mắt ra ngược lại còn được xóa tội hết thì biết khi nào nó mới nên người?

Tội sinh do tâm ý vọng động, ảo tưởng, mộng mơ… vì vậy nếu tâm ý tĩnh lặng thì dục cũng lặng theo. Do đó người ta mới bày ra các phương tiện như niệm Phật, trì chú, xưng tội, sám hối… để tâm dễ tĩnh lặng hơn. Tuy nhiên theo đức Phật thì làm như vậy chỉ là lấy đá đè cỏ mà thôi, nó chỉ giải quyết tạm thời chứ không phải là thông suốt vấn đề bằng trí tuệ.

Phải tự mình chiêm nghiệm, thẩm sát hay quan sát thật rõ ràng hành động của thân, của cảm giác, của tâm ý mình trong chánh niệm tỉnh giác để thấy ra đâu là nhân chính đâu là duyên phụ của vấn đề. Đừng mặc cảm tội lỗi cũng đừng dùng bất cứ phương tiện tạm thời nào để trấn áp nó mà phải đối mặt với thực tế để thấy ra nó, ngay từ khi nó mới khởi lên trong tư tưởng (dục tưởng). Nếu qua sự sinh diêt, nhân quả của nó mà học ra được bài học giác ngộ tận gốc (bằng trí tuệ) thì tốt hơn là dồn nén nó vào trong vô thức (bằng các biện pháp tạm thời) để rồi trước sau gì nó cũng bùng lên mạnh mẽ hơn. Chỉ có trí tuệ chánh niệm tỉnh giác mới quán chiếu và hóa giải được tà kiến và tham ái mà thôi. Nên nhớ rằng tất cả pháp đều là bài học để giác ngộ lại chính mình chứ không phải để thuận theo nó hay đối kháng lại nó.

Thầy Viên Minh 


Những bài viết liên quan

1 Nhận xét