Chân lý

Ông là ai?

10/20/2016 11:53:00 SA


Krishnamurti: ý bạn hỏi“Tôi là ai?". Nếu tôi nói cho bạn biết tôi là ai thì có quan trọng gì. Có thể vì tò mò phải không? Giống như đọc một thực đơn ở cửa sổ thôi, bạn phải đi vào nhà hàng và ăn uống, chứ chỉ đứng ngoài và đọc thực đơn sẽ không thỏa được cơn đói của bạn. Vậy nên, nói cho bạn tôi là ai thật khá vô nghĩa.

Trước hết, tôi không là ai cả. Đúng chứ? Thế thôi! Đơn giản là thế, tôi không là ai. Song điều quan trọng là: bạn là ai, bạn là gì? 

Khi họ hỏi bạn là ai, trong câu đó ngụ ý bạn là ai đó rất vĩ đại, và họ sẽ bắt chước bạn: cách bạn đi đứng, lối bạn nói năng, thao tác đánh răng hay gì gì nữa. (Cười).

Tôi sẽ bắt chước bạn, đó là một phần mẫu hình của chúng ta, bạn hiểu chứ? Đối diện với một vị anh hùng, người giác ngộ, hoặc vị guru, và bạn nói, “Tôi sẽ phỏng theo mọi thứ ông làm” - điều ấy trở nên khờ dại một cách vô lý - bạn hiểu không? Thật trẻ con khi bắt chước ai đó.

Và chúng ta không phải đang là kết quả của rất nhiều sự bắt chước sao? Như các tôn giáo đã tuyên truyền - họ không dùng từ “bắt chước” mà "hãy hiến mình, từ bỏ bản thân, theo chân ta, ta thế này, ta thế kia, hãy tôn sùng đi". Phải chứ? Bắt chước, đó là tất cả những gì bạn đang làm. Ở trường bạn bắt chước, xin thưa, học kiến thức cũng là một dạng bắt chước và dĩ nhiên là cả thời trang - đồ ngắn đồ dài, tóc ngắn tóc dài, râu và không râu - đều là bắt chước, bắt chước và bắt chước.

Không những ở bên ngoài, chúng ta cũng bắt chước trong nội tâm, chúng ta đều như thế. Nhưng để khám phá ra bạn là ai? bạn là ai chứ không phải đang đóng vai là ai, quan trọng hơn nhiều, và để khám phá ra bạn là ai thì bạn phải tự tra vấn. 

Bạn là câu chuyện của cả loài người. Nếu bạn thực sự thấy điều đó thì nó sẽ đem đến cho bạn luồng sinh khí, năng lực, cái đẹp, tình thương kỳ lạ, bởi vì không còn một thực thể bé nhỏ vùng vẫy ở góc của địa cầu nữa. Bạn là phần của cả nhân loại. Nó có một trọng trách, sinh khí, điều tốt đẹp, tình yêu to lớn. Song đa số không thấy vậy, vì ta đều chỉ quan tâm bản thân mình, với chuyện mọn, những nỗi phiền nhỏ nhặt…  Việc bước ra khỏi cái vòng hẹp hòi đó dường như là bất khả, vì chúng ta quá bị khuôn định, quá bị lập trình, như máy tính vậy, đến độ chúng ta không thể học được điều gì mới mẻ cả.

Máy tính có thể còn chúng ta thì không. Hãy thấy rõ bi kịch này, bộ máy chúng ta đã tạo ra, chiếc máy vi tính, có thể học nhanh hơn nhiều - rất nhiều so với tôi, hơn bộ não, cả bộ não đã phát minh ra cái đó - đã trở nên một bộ máy siêu thông minh. Phải không? Trái lại, não bộ chúng ta thì lờ đờ, chậm chạp, đờ đẫn bởi vì ta tuân theo, vâng lời, theo bước những guru, thầy tu và nghi lễ - bạn có đi theo không?

Và ngay cả khi bạn nổi loạn, như những nhà cách mạng hay như bọn khủng bố đang làm, thì nó vẫn rất hời hợt - chỉ là đổi thay mẫu hình của chính trị, của cái gọi là xã hội. Xã hội chỉ là mối quan hệ giữa con người, ở đây chúng ta đang nói về cuộc cách mạng, không phải về vật chất mà là cách mạng tâm lý, trong đó không có tuân phục ở mức sâu.

Bạn có thể mặc quần âu bởi vì bạn ở đất nước này, và ở Ấn Độ thì có thứ quần áo khác, đó không phải là tuân phục, không phải vậy.  Trong nội tâm vốn không có sự tuân phục. Tuân phục chỉ xuất hiện khi có sự so sánh. Với một tâm thức hoàn toàn thoát khỏi so đo thì mới có thể quán sát toàn bộ lịch sử được ẩn tàng trong con người bạn mà thôi...

Krishnamurti                              
Người dịch : Nguyễn Đức Nghĩa - Nha Trang 19.10.2016

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét