Bài viết

Con đường Trung Đạo của Phật giáo

6/26/2012 06:22:00 CH

Trong đạo Bụt có giáo lý Không hay Trung đạo. Không nghĩa là sự vắng mặt của mọi ý niệm. Trung đạo là sự vượt thắng những cặp ý niệm tương phản như sinh diệt, có không, chủ khách, còn mất, tâm vật, tới đi, v.v… Biện chứng pháp mà thầy Nagarjuna (Long Thọ) sử dụng là để làm cho vô lý đi (reductio ad absurdum) tất cả mọi khái niệm. Những cặp đối nghịch kia không những không tiêu diệt nhau mà ngược lại nương vào nhau mà thành lập. Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là như thế đã đành, mà có không, sinh diệt, còn mất cũng thế. Cũng như hai mặt của một tờ giấy, mặt này có mặt cho nên mặt kia mới có mặt. Cũng như tướng sóng và tướng hạt của một điện tử.

Trung đạo là con đường ở giữa, không kẹt vào bên nào, vượt thoát cả hai bên. Anton Zeilinger nói rằng: “Khoa học vật lý không phải là khoa học của thiên nhiên mà là khoa học của những lời tuyên bố diễn giải về thiên nhiên. (Hình ảnh mình có về) tự thân thiên nhiên luôn luôn chỉ là những xây dựng của tâm thức mình.” (Ultimately physical sciences are not sciences of nature. Nature itself is always a construction of the mind).

Đối với nhà đạo học, niết bàn hay chân lý tuyệt đối không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ và khái niệm (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt), thì những lời tuyên bố về niết bàn làm sao diễn tả được niết bàn. Trong đạo Bụt có một loại trí tuệ được gọi là tùy thuận trí (anulomajnàna), có thể dịch ra tiếng Anh là adaptation wisdom, hay conformity wisdom, có công năng đưa ta từ những sự thực ước lệ tương đối đến những sự thực tuyệt đối mà không thấy sự chống đối giữa hai sự thực.

Ban đầu, đạo Bụt cũng nói tới sự có mặt của các hiện tượng, các hiện tượng có vị trí riêng của chúng trong không gian và thời gian, có đặc tính riêng biệt của chúng và được nhận thức như những thực tại có mặt ngoài nhau, cũng như khi David Bohm nói về trật tự ngoại nhiếp (the explicate order). Đó là cái thấy ước lệ của ta trong đời sống thường ngày. A chỉ có thể là A mà không thể là B được. Con gà là con gà, không phải là cái bàn, hay cái trứng, hay một bông hoa. Đó là nguyên tắc đồng nhất.

Nhưng khi áp dụng cái thấy về duyên khởi, ta thấy một bông hoa chỉ có thể được hình thành bởi những yếu tố không phải là bông hoa như hạt giống, phân, đất, ánh sáng mặt trời, nước mưa, v.v…Lấy những cái ấy ra khỏi bông hoa thì bông hoa không thể nào còn có mặt. Như vậy A không thực sự là A mà chỉ là sự tập hợp của B, C, D, E, F, v.v…mà thôi. Kinh Kim Cương sử dụng biện chứng pháp ấy, nói rằng: “Chúng sinh không phải là chúng sinh mới thật là chúng sinh.” Như thế ta có thể viết A ≠ A = A. Thấy A không phải là A, thấy A được tập hợp nên toàn bằng những yếu tố không phải là A, thì lúc đó ta mới thật sự thấy được A. Và ta đã có thể bắt đầu viết A=B+C+D v.v… Đó là tùy thuận trí, có khả năng phá được nguyên tắc đồng nhất, đưa ta vào thế giới duyên khởi. Ta thấy được cái này nằm trong cái kia, cái kia nằm trong cái này, vạn vật không có mặt ngoài nhau mà là có mặt trong nhau.

Đó là cái thế giới mà David Bohm gọi là trật tự nội nhiếp (the implicate order). Với cái thấy này ta bắt đầu thấy được tính tương tức của vạn vật, và cái thấy của ta bắt đầu tùy thuận với cái thấy không của Bát Nhã: không sinh cũng không diệt, không dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt.

Sử dụng trí duyên khởi để từ cái thấy có ngã có pháp, ta đi tới cái thấy không ngã không pháp, đó là cái mà kinh Tạp A Hàm số 293 gọi là duyên khởi tùy thuận không tương ứng (pratitya samutpada ànulomata sunyata samyukta). Với cái thấy này, thời gian, không gian, vật thể và tâm thức đều có mặt trong nhau, cũng như cái sinh nằm trong cái diệt, cái có nằm trong cái không, mà không còn là những thực tại có mặt riêng biệt ngoài nhau nữa.

langmai.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét