Chân lý

Chân lý vốn không hai

12/09/2018 12:17:00 CH

...Thưa Thầy! Con có đọc về cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey với Đức Dalai Lama như sau: OPRAH: Mặc dù ngài tin tưởng rằng Đạo Phật là con đường đưa đến hạnh phúc, nhưng ngài khuyến khích những người khác duy trì tín ngưỡng của chính họ. Đúng thế chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Đúng như thế. Tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng thật an toàn hơn và tốt đẹp hơn để tiếp tục theo đuổi tín ngưỡng riêng của mỗi người. Những tôn giáo quan trọng khác đã hàng nghìn năm tuổi và có truyền thống lâu dài.
OPRAH: Ngài có tin rằng người ta có thể là một Ki Tô hữu nhưng vẫn có thể thực hành Phật Pháp chứ?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Vâng, tôi nghĩ như thế. Có những kỹ năng của Đạo Phật, chẳng hạn như thiền quán, mà bất cứ người nào cũng có thể tiếp nhận. Và, dĩ nhiên, có những giáo sĩ và nữ tu Ki Tô đã sử dụng những phương pháp của Phật Giáo nhằm để phát triển sự hy hiến, từ bi, bác ái, và khả năng để tha thứ của họ...
Khi gặp một câu hỏi rằng: có thể nào một người vừa là tín đồ Ki Tô giáo (Christianity, còn dịch là Cơ Đốc giáo, hay Thiên Chúa giáo), vừa là Phật tử được không, đức Đạt lai Lạt ma đã trả lời như sau:
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi đã trả lời câu hỏi này một cách gián tiếp khi tôi nói rằng niềm tin vào một đấng sáng tạo có thể đi kèm với sự hiểu biết về tánh Không. Tôi tin có thể bước đi trên đường tâm linh và hài hòa Ki Tô giáo với Phật giáo. Nhưng khi tới một mức độ chứng ngộ nào đó, sẽ phải cần lựa chọn giữa hai con đường này. Tôi mới đây đã có loạt thuyết giảng tại Mỹ và một trong những thuyết giảng này là về sự kham nhẫn và bao dung. Vào cuối buổi thuyết giảng, có một nghi lễ để lập nguyện Bồ-tát. Một linh mục Ki Tô giáo trong hội trường muốn lập nguyện này. Tôi mới hỏi vị đó rằng, vị đó có quyền tự quyết định như thế không, và rồi vị này trả lời rằng có quyền đó, dĩ nhiên, vị này có thể lập nguyện, và vẫn là một Cơ Đốc nhân.
Vậy con xin hỏi Thầy! Một Ki Tô hữu vẫn có thể thực hành Phật Pháp, chẳng hạn như thiền quán, sử dụng những phương pháp của Phật Giáo nhằm để phát triển sự hy hiến, từ bi, bác ái, và khả năng để tha thứ của họ mà không có gì trở ngại phải không Thầy?
Và nếu như truyền thống Ông Bà Cha Mẹ theo đạo Phật, mà người đó theo đạo Chúa. Thì khi Ông Bà Cha Mẹ người đó qua đời, người đó vì sợ tội, phạm phải điều răn của Chúa, nên không dám tụng kinh để cầu siêu cho Ông Bà Cha Mẹ, không đi Chùa, lạy Phật mà chỉ nhờ chư Tăng đến nhà tụng kinh cầu siêu dùm thôi, thì có được không thưa Thầy?
Và nếu Ông Bà Cha Mẹ theo truyền thống đạo Phật thì sau khi Ông bà Cha Mẹ mất đi, cũng phải theo nguyện vọng của Ông Bà Cha Mẹ là để ảnh thờ của Ông Bà Cha Mẹ phía dưới bàn thờ Phật (chứ không được để dưới bàn thờ Chúa của người con theo đạo Chúa, chỉ thờ ảnh của thế hệ người thân nào theo đạo Chúa, thì mới để ảnh thờ của họ dưới bàn thờ Chúa) đúng không thưa Thầy?
Con có vài lời mạo muội. Mong Thầy hoan hỷ chỉ dẫn! Xin cảm ơn Thầy!
TRẢ LỜI:
Đức Đạt-lai-lạt-ma nói rất đúng. Như Thầy đã nói chân lý không hai nên dù ở tôn giáo nào mà người thấy đúng sự thật thì vẫn sống đúng sự thật như nhau. Còn phương diện tổ chức, nghi lễ hay tập quán v.v... thì do điều kiện phát sinh nên hình thức bên ngoài có nhiều sai khác. Vả lại, tôn giáo đích thực nguyên thủy và tổ chức của người theo tôn giáo biến đổi về sau hoàn toàn khác nhau.
Nói chung chúng ta vẫn chỉ y cứ trên sự thật còn hình thức rửa tội, cầu siêu, thờ cúng là tương đối... nên chỉ cần nhập gia tùy tục là được chứ không có gì để tranh cãi cả.
Chân lý là sự thật như nó là chứ không như người phương Đông hay phương Tây, người Phật giáo hay Thiên Chúa giáo v.v... cho là, nghĩ là. Lý trí, ngôn ngữ, quan niệm, sự tin tưởng không phản ánh được sự thật, vì vậy chỉ có ngôn ngữ, tư tưởng, quan niệm, thành kiến... là khác nhau, chứ sự thật thì muôn đời vẫn là sự thật, không hai, không khác. Con hãy nhìn thẳng vào sự thật để thấy nó như nó là thì con sẽ thấy mọi lý luận để bài xích lẫn nhau đều ấu trỉ, mất thì giờ vô ích mà thôi.
Một người sống thông hiểu đạo lý là người có tầm nhìn thấu suốt được các tôn giáo nhưng có thể anh ta không theo một tổ chức tôn giáo nào, hoặc vì hoàn cảnh của mình mà anh ta theo một tổ chức tôn giáo nào đó, nhưng điều này không nói lên phẩm chất trí tuệ và đạo đức của anh ta. Nhiều người theo đạo Phật nhưng lại có niềm tin kiểu Thiên Chúa, và ngược lại...
Người đời cố chấp nên phân biệt chứ các bậc Phật, Thánh, Chúa, Trời có chấp đâu mà con sợ? Các ngài còn muốn con học cho hết để mau giác ngộ giải thoát nữa đó...
Thầy Viên Minh - Tổng hợp từ các Hỏi & Đáp với Phật tử.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét