Bài viết

Lái xe an toàn trong chính niệm

4/04/2011 01:46:00 CH

Trên 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ do người tham gia giao thông gây ra. Trong đó, chạy quá tốc độ quy định chiếm 31,3%, tránh vượt sai quy định 15,5%, thiếu quan sát 12%, say rượu bia 6%... Những vụ tai nạn này sẽ được giảm thiểu nếu như những “bác tài” thiết lập được chính niệm trong đời sống, nhất là trong khi điều khiển các phương tiện giao thông. Chính niệm là một pháp tu của Phật giáo nhưng mọi người với những đức tin khác nhau cũng có thể áp dụng được. Những lợi ích của chánh niệm trong các lĩnh vực đời sống là không thể nghĩ bàn.

Chính niệm (Right mindfulness) là một trong tám chi phần quan trọng của Bát Thánh đạo. Theo Thiền sư Nhất Hạnh: "Cái khả năng nhận biết những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, đạo Bụt gọi là Chính niệm, gọi tắt là niệm. Đó là năng lượng đưa tâm trở về lại với thân để thân và tâm hợp nhất (thân tâm nhất như), để thân tâm được thiết lập trong giây phút hiện tại.

Ta có thể sử dụng hơi thở, bước chân hay nụ cười để làm phát hiện năng lượng ấy, ý thức ấy. Chính niệm chính là ý thức ấy. Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì, chính niệm cũng thế. Khi ta để ý tới hơi thở của ta, thì đó là chính niệm về hơi thở, và hơi thở ấy được gọi là hơi thở có chính niệm. Khi ta có ý thức về từng bước chân chúng ta đặt trên mặt đất, thì đó là chính niệm về bước chân, và bước chân ấy được gọi là bước chân có chính niệm.

Vì thế thực tập hơi thở có chính niệm hoặc bước chân có chính niệm là chế tác và duy trì năng lượng chính niệm. Chính niệm còn được duy trì thì tâm còn có mặt với thân, và ta (hành giả, người thực tập) đang có mặt trong giây phút hiện tại và có thể tiếp xúc với những gì đang có mặt trong hiện tại” (Chỉ nam thiền tập).

Như vậy, chính niệm tức là sự ý thức, sự có mặt của tâm ý một cách trọn vẹn, tự chủ và sáng tỏ ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Chính niệm là khả năng giúp cho ta ý thức được những gì đang có mặt, đang xảy ra trong ta và quanh ta. Và đây là những nhân tố cần yếu cho những người đang điều khiển các phương tiện giao thông, tham gia giao thông một cách an toàn.

Hiện nay, tai nạn giao thông đang là vấn đề gây kinh hoàng cho mọi người, thiệt hại không nhỏ đối với xã hội. Ra đường là đồng nghĩa đối diện với sự bất an vì tai nạn giao thông quá nhiều; có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Ở đây, ngoài các yếu tố an toàn kỹ thuật và các phương diện khác, bài viết chỉ đề cập về tâm lý, ý thức của người điều khiển phương tiện, nguyên nhân của phần lớn các tai nạn giao thông.

Đa phần chúng ta, khi điều khiển các phương tiện giao thông đều ở trong tâm thái mất chính niệm, kinh Phật gọi là thất niệm. Chính tâm lý nôn nóng hướng về điểm đến (tương lai) mà quên mất rằng chúng ta đang đi trên đường (hiện tại) đã góp phần không nhỏ tác thành nên hành vi “phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu”. Thực tập chính niệm lúc này là tập trung, quan sát, nhất là rõ biết ta “đang đi” cùng với vô số các phương tiện giao thông khác. Như cách nói của Thiền sư Nhất Hạnh: Ý thức rõ ràng ta đang lái xe, đây chính là chính niệm về lái xe hay lái xe có chính niệm.

Vừa lái xe mà tâm vừa nghĩ vẩn vơ, vui buồn với chuyện đã qua hay bay bổng với điều chưa đến hoặc tâm lý căng thẳng, bực dọc, bồn chồn sợ trễ vì kẹt xe… đều không tốt, là lái xe thiếu chính niệm. Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện và phương tiện chính là một. Nếu tâm lý không ổn định, chao đảo, bất an thì tàu, xe cũng có nguy cơ mất thăng bằng do không được điều khiển tốt. Do vậy, người có thực tập chính niệm, thường xuyên kiểm soát tâm ý (thông qua hơi thở hoặc niệm Phật chẳng hạn) sẽ ít lơ đễnh hơn, đưa tâm về hiện tại dễ hơn. Mặt khác, quán niệm về những điều không như ý trên đường để xua tan bực bội, khó chịu là điều cần làm. Kẹt xe, bị chen lấn dễ làm cho ta bực mình, phiền não. Thực ra, mọi người đều bị kẹt, ai cũng gấp chứ không phải mình ta. Thường xuyên thực tập quán chiếu như vậy để buông xả, giữ tâm thanh thản để điều khiển phương tiện giao thông an toàn là vô cùng cần thiết.

Một khi ngồi sau vô-lăng, nổ máy thì điều cần yếu đầu tiên là khởi sự ý thức về nguy hiểm và an toàn. Sinh mạng của ta và mọi người đang ở trong tay ta; tùy thuộc vào tâm lý, trình độ điều khiển, ý thức chấp hành giao thông của ta mà tạo ra họa hay phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Ý thức rõ ràng và luôn tâm niệm về điều này chính là tu, là thực tập lái xe có chính niệm.

Chạy quá tốc độ, chạy sai tuyến là vô cùng nguy hiểm, điều mà ai cũng biết nhưng không vì thế mà lãng quên hoặc cố tình vi phạm, luôn tự dặn lòng về những điều ấy để tuân thủ luật giao thông là chính niệm. Phần đông các bác tài thường ỷ lại vào tay nghề, chủ quan và tâm niệm chỉ chăm chú vào cảnh sát giao thông mà quên đi những điều cơ bản nhất. Ngoài ra, cơ hội để người điều khiển các phương tiện giao thông thiết lập chính niệm có rất nhiều trên suốt lộ trình. Các biển báo giao thông, những dấu tích của tai nạn để lại trên đường đều có tác dụng nhắc nhở, cảnh báo, thức tỉnh. Chỉ cần lưu tâm về chúng một cách sâu sắc thì chính niệm lập tức có mặt, khiến ta tự khép mình “nghiêm chỉnh chấp hành các luật lệ giao thông”.

Uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích dẫn đến say sưa, mê loạn, mất tự chủ là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Người Phật tử giữ giới thứ năm, không uống rượu và những người khác thì ý thức về tai nạn mà kiên quyết nói không với rượu bia trong quá trình tham gia giao thông.

Nhìn chung, tai nạn giao thông vốn có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do người điều khiển gây ra là chủ yếu. Người xưa dạy phàm làm việc gì cũng cần phải ý tứ, không được phép cẩu thả vì “dục tốc bất đạt”. Đạo Phật có phương pháp thực tập chính niệm, ý thức rõ ràng về mỗi hành vi, từng ý niệm trong hiện tại sẽ giúp ta chuyển hóa, khắc phục được vô số lỗi lầm. Trong bối cảnh toàn xã hội đang nỗ lực với mọi biện pháp có thể để hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, thực tập lái xe chính niệm là một viên ngọc quý, có sẵn trong hành trang của mỗi người, cần được phát huy và nhân rộng để mọi người đều được lợi ích.

Theo: Giác Ngộ

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét