Chia sẻ

Ung dung trong ràng buộc

5/13/2019 07:53:00 CH

...Kính thưa thầy! Con rất thích hai câu thơ của Thầy:
"Tự do là ung dung trong ràng buộc.
Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau"
Thưa thầy, hai chữ "ràng buộc" trong câu đầu phải chăng là nhân quả, nghiệp duyên, hay một ý khác là định mệnh? Và tất cả các pháp sinh ra đều có tính tương tác, ràng buộc lẫn nhau trong một qui định chặt chẽ mà chúng ta không thể cố gắng thoát ra bằng bản ngã. Chỉ có như thị, chấp nhận không điều kiện, không động cơ, thì khi đó mới được tự do hoàn toàn?
Kính xin Thầy khai thị cho con!
TRẢ LỜI:
Có hai loại ràng buộc:
  1. Một là loại ràng buộc của pháp tự nhiên như con đã nói, đó là nhân quả, nghiệp duyên... là định mệnh (quả của nghiệp). Và tất cả các pháp sinh ra đều có tính tương tác, ràng buộc lẫn nhau trong một qui định chặt chẽ mà chúng ta không thể cố gắng thoát ra bằng bản ngã. Chỉ có thấy như thị, chấp nhận không điều kiện, không động cơ, thì khi đó mới được tự do hoàn toàn.
  2. Hai là ràng buộc mang tính tâm lý mà đức Phật gọi là kiết sử, triền cái, tức là các phiền não bên trong do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Giải thoát chính là thoát khỏi sự ràng buộc này. Như vậy, khi thoát khỏi sự ràng buộc của bản ngã tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, nghi hoặc, thất niệm, bất giác, vô tàm, vô quí v.v... thì đồng thời có thể ung dung tự tại trong những ràng buộc tự nhiên giữa cuộc đời, tức là loại ràng buộc thứ nhất. Vì vậy chư Phật, chư Thánh nhân, chư Bồ-tát mới ung dung tự tại như vậy. Các ngài không những có khả năng tự giác mà còn có thể vào đời, sống thuận pháp tùy duyên, thong dong vô ngại, với tâm nguyện vô ngã vị tha.
Tuy nhiên, cần lưu ý một điều: dù có đang ở trong ràng buộc của kiết sử hoặc triền cái, cũng không thể giải thoát bằng cách đem bản ngã tham sân si ra mà lăng xăng giải quyết hay tìm cách loại bỏ, diệt trừ theo quan niệm chủ quan, mà vẫn phải ung dung tự tại mới thấy ra được gốc rễ của những kiết sử & triền cái ấy.
Loại ràng buộc thứ hai này, thực chất chỉ là hư ảo do vọng tưởng của bản ngã tạo ra, nên không cần phải diệt mà chỉ cần thấy ra bằng trí tuệ (tuệ tri) trong chánh niệm tỉnh giác thì nó liền tự diệt. Thực hành thiền theo Vipassanà chỉ có nghĩa là thấy ra minh bạch chứ không cố gắng để giải quyết gì cả. Còn lấy nỗ lực của bản ngã mà giải quyết, diệt trừ thì chính là tạo tác trong quỹ đạo tham sân si, nên chỉ làm tăng thêm sức mạnh của những trói buộc tâm lý này mà thôi.
Ví dụ, khi ảo tưởng của bản ngã thấy sợi dây là con rắn liền phát sinh sợ hãi, rồi lại lăng xăng tìm cách giải quyết, hoặc diệt con rắn hoặc diệt sợ hãi. Hành động đó cũng là biểu hiện của bản ngã tham sân si nên chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng chỉ cần trầm tĩnh sáng suốt, ứng xử với thái độ ung dung tự tại, thì khi nhìn kỹ lại mới có thể thấy rõ sợi dây chỉ là sợi dây. Ngay đó không cần lăng xăng giải quyểt gì cả mà con rắn và sợ hãi đều tự biến mất.
Thầy Viên Minh - Tổng hợp từ các Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét