Chia sẻ

Thế nào là thuận pháp...?

4/11/2011 10:05:00 SA

Thắc mắc của Quân là thế này. Cuộc sống không đơn giản cho ta làm theo ý ta. Giả dụ có một thằng cha thấy mình bán bánh coi bộ kiếm ăn được, thế là bắt chước làm theo. Nhưng thằng cha này không theo nhóm thiền đi nghe thầy Viên Minh giảng về thuận pháp, mà lại đi học một khóa về kinh tế và quản trị kinh doanh. Nhờ đi học cái khóa rất dở hơi đó mà nó biết được một số thứ linh tinh, ví dụ như nguyên tắc economy of scale, tức là sản xuất càng nhiều thì chi phí trên mỗi sản phẩm càng giảm. Thằng cha này do thám được là mình đang làm 100 cái bánh, thế là nó làm lò to hơn, mua nhiều bột hơn, và làm 150 cái. Nó bán rẻ hơn mình, thành thử bánh của mình bị ế mà chẳng biết vì sao.

Thế rồi mình cũng phát hiện ra nguyên nhân. Bây giờ mình bị rơi vào thế lưỡng nan:

• Nếu muốn tiếp tục làm ăn thì mình cũng phải tăng số lượng lên, và không phải 150 cái nữa, mà phải là 200 cái bánh chẳng hạn. Làm như thế sẽ rất mệt vì phải mở rộng lò xưởng, vay thêm tiền. Chưa hết, khi đó cung về bánh vượt xa cầu, và có nguy cơ cả hai đều thua lỗ.

• Nếu không làm thế thì mình làm bánh ra không thể bán, hoặc phải bán rẻ và thua lỗ và chả mấy chốc phá sản.

Túm lại là kiểu gì cũng toi.

Tất nhiên ở đây mình chỉ lấy ví dụ đơn giản cho dễ hiểu, chứ mình cũng biết là có thể không nhất thiết phải tăng số lượng bánh, mà có thể làm kiểu bánh mới ngon hơn thằng cha kia, hay thuê mấy em váy ngắn áo rộng cổ bò ra nhào bột cho bà con xem, hay cạnh tranh bằng cách nào đó khác. Ý chính ở đây là: làm kiểu gì thì cũng sẽ rất mệt mỏi, không thể nào làm theo ý mình ban đầu là chỉ làm 100 cái bánh cho vừa sức được.

Ở đây ta cần chú ý đến điểm này. Ta, hay thằng cha kia, cố sống cố chết làm nhiều bánh hơn, thì không phải do lòng tham thúc đẩy (làm càng nhiều thì thu nhập càng cao), mà do các quy luật kinh tế thúc đẩy. Muốn tồn tại trong cuộc làm ăn kinh tế thì phải tuân theo các quy luật kinh tế, dù muốn hay không. Như thế quy luật kinh tế sai khiến hành động của ta, chứ ta không tự do quyết định hành vi của mình. Thành thử, việc tu tập để làm thay đổi nhận thức của mình, ví dụ bớt tính tham đi, với hy vọng cuộc sống sẽ thanh thản hơn, thực ra không giúp ích gì nhiều trong trường hợp này.

Câu hỏi là: trong tình thế như vậy thì hành động thế nào mới gọi là thuận pháp?

Nếu chống lại quy luật thì chắc chắn sẽ chết, do đó chống lại quy luật có lẽ không thuận pháp cho lắm.

Nếu tuân theo quy luật thì khả năng thắng lợi/thất bại là 50:50, nhưng có vẻ thuận pháp hơn. Có điều thuận pháp kiểu này hơi bị mệt, vì lúc đó ta sẽ bị cuốn theo cuộc đua tranh không biết đến lúc nào ngừng.

Nếu bỏ cuộc, lên chùa tu, thì chả nói làm gì.

Mong được thầy giải đáp.

Đoàn Quốc Quân

-----------------------------------------------------------------------

Các con,

Nói chung mấu chốt ở chỗ các con chưa rõ chữ Pháp lắm. Pháp có hai loại: Chân đế (paramattha) và tục đế (sammutti). Chân đế là bản chất thật của vạn pháp, còn tục đế là quy ước của xã hội (pannatti). Chữ Pháp thầy nói thuộc về chân đế hay thực tánh pháp, còn pháp mà các con đang lý luận thuộc về tục đế, "sự thật" theo quy ước xã hội. Quy ước xã hội có thể thay đổi, còn thực tánh pháp thì luôn theo nguyên lý nhất quán. Vậy các con cần phải phân biệt những điều sau đây trước khi muốn hiểu được cụm từ tùy thuận pháp muốn nói gì:

• Thuận theo chân đế (thực tánh pháp) gọi là tùy pháp

• Thuận theo nguyện lực hay quyết định ba-la-mật gọi là tùy nguyện.

• Thuận theo tục đế (quy ước xã hội) gọi là tùy chúng. (Lưu ý: không loại trừ quy luật xã hội đen đâu nghe !!!)

• Thuận theo vô minh ái dục của bản ngã gọi là tùy ngã. (Nói theo đạo Thiên Chúa thì gọi là chạy theo quỷ satan đấy!)

Do chỉ hiểu ngang tầm mức tùy chúng và tùy ngã, chưa hiểu được tùy pháp và tùy nguyện nên các con chỉ muốn giải quyết vấn đề trên bề mặt tục đế để thỏa mãn nhu cầu sở tri, sở cầu và sở đắc của bản ngã, vậy thì làm sao buông mọi hý luận lăng xăng để thấy pháp được? (Ít nhất cũng dám buông một cách dũng cảm như TT vừa rồi).

Nếu các con đem pháp để hý luận chơi thì coi chừng rơi vào "Hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi" đấy nghe! Nguyên văn câu nói của cổ đức như thế này: "Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi, Trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong, Hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi, bất tiếu bất khả dĩ vi Đạo" Nghĩa là: Người bậc thượng nghe Pháp liền tinh tấn sống thuận theo. Người bậc trung nghe Pháp dường như nhớ như quên. Người bậc hạ nghe Đạo liền cười to, họ mà không cười thì không thể là Đạo được! Với những người này một vị thiền sư đã nói:"Chừng nào ngươi một ngụm uống cạn nước con sông này ta sẽ nói cho".

Hãy cẩn thận các con! Nếu không hiểu thì cứ thưa hỏi cho nghiêm túc, đừng đem Pháp làm trò đùa để hý luận, chỉ bất lợi cho các con thôi chứ thầy đâu có phiền hà gì. Huệ Khả muốn học Pháp phải đứng trong tuyết giá cả đêm rồi còn chặt cả cánh tay của mình để tỏ chút lòng thành đấy. Trong Kinh Mangala sutta đức Phật dạy "Phóng dật trong Pháp là tự hại mình". Không biết nhận là không biết mới là người trí, đâu có gì mà ngại, phải không các con? Đừng học Đạo theo kiểu "Công nghệ cao", cứ chờ ai làm sẵn đem về xài, tưởng mình văn minh lắm!

Các con có khi nào nghĩ người trong thời đại "văn minh" chúng ta thua xa người tiền sử không? Người tiền sử phải vận dụng tối đa để sống, còn mình thì giả sử mất điện là bó tay than trời trách đất ngay thôi! Cuộc sống này hàng ngày hàng giờ đang dạy chúng ta những bài học hay đấy. Hãy lắng nghe quan sát kỹ thì sẽ thấy, lý luận cũng vô ích thôi. Nhắn với anh Quân thầy thành thật xin lỗi vì không có khả năng trả lời câu hỏi theo hướng của anh. Chào các con.

Thầy Viên Minh

Những bài viết liên quan

1 Nhận xét