Bài viết

Sinh diệt nương nhau - Thích Nhất Hạnh

4/08/2011 05:59:00 CH

Một hôm đi thiền hành xuống chùa Sơn Hạ, Thầy đã tiếp xúc sâu sắc với những chiếc lá sồi trên đường đi. Những chiếc lá sồi đó đã rụng xuống từ hai tháng nay và bắt đầu mục ra thành đất. Nếu để ý một chút thì sẽ thấy rằng trong một thời gian ngắn nữa tất cả những lá sồi đó sẽ trở thành đất. Khi nó đã trở thành đất rồi thì mình không còn thấy lá sồi nữa, mà chỉ thấy đất thôi.

Nếu có con mắt quán chiếu ta có thể thấy được trong đất có lá sồi. Nhìn cho kỹ sẽ thấy đất ôm ấp rất nhiều thứ, đất không chỉ có lá sồi mà còn có xương, có da, có thịt của những loài động vật khác nữa. Khi lá sồi rơi xuống, nó không buồn đau vì nó biết rằng nó sẽ trở về lại với đất. Người Việt mình có câu: “Lá rụng về cội”. Cội tức là cái gốc cây. Nên lá sồi rụng xuống là nó đi về cội nguồn của nó, nó là cuộc trở về. Mình có thể nói cội nguồn của nó là đất và nó sẽ hoà nhập thành đất, trở thành những chất dinh dưỡng nuôi lại cây sồi để rồi mùa xuân sang năm, cây sồi sẽ cho ra đời những lá sồi mới.

Nhìn vào những lá sồi mới mình thấy sự tiếp nối của những lá sồi cũ từ lòng đất đi lên. Đối với những người biết quán chiếu, khi nhìn vào một cái có thể thấy được nhiều cái. Nhìn vào lòng đất mình có thể thấy được những lá sồi, nhìn vào những lá sồi mới mình thấy được đất và lá sồi năm xưa. Không có gì mất đi hết. Cái này ôm lấy cái kia, chúng tương tức với nhau, cái này cũng là cái kia. Đất là đất, lá sồi là lá sồi. Nhưng mà đất cũng là lá sồi và lá sồi cũng là đất. Khi nhìn vào bản thân, mình thấy mình là con của bố mẹ. Nhưng mình cũng chính là bố mẹ. Tại vì bố mẹ và tất cả tổ tiên cũng ở trong mình. Mình không thể lấy bố mẹ, tổ tiên ra khỏi mình được, không thể tách rời được. Đi đâu đứa con cũng mang cha mẹ tổ tiên đi theo. Vì vậy cho nên bố mẹ cho mình sự sống, nhưng kỳ thực bố mẹ đã trao bản thân của bố mẹ cho mình. Người cho, người nhận và vật được cho chỉ là một. Cái này ôm lấy cái kia. Không có cái này thì không có cái kia. Một người không có con thì không ai gọi người đó là mẹ được. Người đó chỉ có thể là mẹ khi người ấy có con thôi. Cho nên có con thì mới có mẹ và có mẹ thì chắc chắn phải có con. Nếu mình nghĩ con là con, mẹ là mẹ thì không đúng. Con và mẹ tương tức với nhau.

Ta tưởng rằng cái trái đối chọi với cái phải như mặt trăng với mặt trời. Nhưng nhìn cho kỹ thì cái này ôm lấy cái kia, chỗ nào có trái thì chỗ đó có phải, và ngược lại chỗ nào có phải thì chỗ đó có trái. Ta tưởng rằng trái và phải đối lập nhau nhưng thật ra chúng nương vào nhau mà có. Và mình đi đến kết luận là giữa cái sống và cái chết cũng như vậy. Cái sống và cái chết liên hệ tới nhau mật thiết. Cái sống ôm lấy cái chết. Nhìn trong cái sống thì thấy cái chết. Và nhìn trong cái chết thì thấy cái sống. Vì vậy cho nên nhìn cái chết cho sâu thì thấy rõ ràng nếu không có nó thì không có sự sống. Cũng như khi nhìn vào hồ sen ta thấy cả bùn lẫn sen. Trong bùn có sen và trong sen có bùn. Không có bùn thì không có sen và không có sen thì không có bùn. Nên khi thấy bùn thì đừng sợ mà hãy biết rằng bùn này có thể trở thành sen.

Cái chết và cái sống tưởng chừng chống đối nhau, là kẻ thù của nhau. Nhưng kỳ thực trong tuệ giác của đạo Bụt, cái sống và cái chết tương tức với nhau, nó dựa vào nhau để làm ra nhau. Không có cái chết thì không bao giờ có cái sống. Và không thể có cái sống nếu không có cái chết. Biết được điều đó chúng ta sẽ không có sợ hãi nữa.

Khi quán chiếu chiếc lá sồi rơi xuống, rồi lá sồi sinh trở lại trên cây, cũng như quán chiếu sự có mặt của bố mẹ ở trong mình và mình thấy rằng mình chính là bố mẹ thì tất cả những cái thấy sai lầm, những tà kiến không còn nữa. Và chánh kiến mà mình đạt được làm cho mình không còn buồn đau, không còn tủi hận, không còn giận hờn, không còn sợ hãi nữa. Nếu trân quý sự sống thì mình biết rằng sự chết là một phần của sự sống, nó là một nguyên tố để làm ra sự sống. Giống như cánh hoa phải chết đi để cho quả lớn lên. Cái vỏ cứng phải vỡ ra thì hạt mới này mầm. Chúng ta biết rằng trong cơ thể chúng ta có rất nhiều tế bào, các tế bào sinh diệt không ngừng. Ngày nào cũng có các tế bào cũ chết đi để các tế bào mới sinh ra. Lúc đó, mình thấy mình ôm hết cả cái chết và cái sống ở trong lòng. Khi mình thấy cần phải trân quý sự sống thì không có nghĩa là mình sợ chết. Và sự thực tập ở Làng Mai là Chánh niệm. Trong mỗi bước đi, mỗi hơi thở mình đều thấy được rằng mình đang có mặt. 

Trích Những Đóng Góp Của Đạo Bụt Cho Nền Đạo Đức Toàn Cầu của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh


Những bài viết liên quan

0 Nhận xét