Bản ngã

Trong sáng với thực tại

3/21/2013 11:31:00 SA


Sau 3 buổi vừa qua, chúng ta đã biết tới 3 yếu tố của Thiền là: Buông xả, trở về với thực tại (tinh tấn) và trọn vẹn với thực tại (chính niệm). Khi tâm buông lung, phóng dật, hướng ngoại tức là tâm đang lang thang tìm kiếm đối tượng để thoả mãn ý đồ của nó, thì đồng thời tâm cũng đang dính mắc ở bên ngoài thực tại thân tâm, tình trạng đó được gọi là thất niệm hay bị tha hoá vì đã quên mất chính mình. Một khi đã thất niệm tức không còn trọn vẹn với thực tại thân tâm nữa thì cái biết “ngoại trú” này không làm sao còn biết rõ thực tại thân tâm được nữa. Đó chính là tình trạng vô minh, không tỉnh giác.

Thường ngày chúng ta luôn rơi vào thất niệm và mất tỉnh giác. Bài học dành cho mỗi người luôn đi qua rất nhanh, nó chỉ tồn tại trong khoảnh khắc một sát-na tại đây và bây giờ. Tất cả đều diễn ra trong từng sát-na sinh diệt. Bởi vì tâm không đủ sự trọn vẹn và trong sáng nên không thể nhận biết chúng trong từng sát-na mà chỉ nhận biết sau nhiều sát-na gộp lại. Vì vậy cái biết của chúng ta chỉ là gộp chung những thông tin vụn vặt để khái quát hoá thành một khái niệm vậy thôi. Đó là cái biết qua khái niệm của lý trí vọng thức bao gồm rất nhiều sự tạp nhiễm của tưởng tượng, ảo tưởng và vọng tưởng.

Ví như đứng xa nhìn thấy núi thì "núi" chỉ là cái tên gọi được đặt ra (danh chế định) để khái niệm hoá nó vậy thôi. Có biết đâu khi lại gần chúng ta thấy mọi thứ đều đang trong chuyển động liên tục. Con cọp thì đi qua ngả này, con nai rẽ qua ngả kia, con sâu bò thêm được một khoảng, dòng thác tuôn chảy v.v… mọi thứ luôn chuyển biến không ngừng, nhưng đối với cái biết khái niệm của chúng ta thì quả núi vẫn đứng yên bất động như chính cái tên chế định bất di dịch của nó vậy.

Quá trình hình thành khái niệm giống như chụp hình. Khi nhìn thấy ai hay hiện tượng gì, chúng ta liền chụp hình ảnh đó một cách đại khái, rồi dán cho nó một cái nhãn và đinh ninh rằng mình đã biết nó rồi. Khi nghe ai nói đến nó chúng ta liền nghĩ: "A! Biết rồi mà" với cái nhãn (khái niệm) lôi ra từ ký ức. cái hình ảnh nắm bắt được đó có thể đã phai mờ theo năm tháng, nhưng cái nhãn chết cứng thì vẫn còn trơ trơ!. Hình ảnh ghi được chỉ là phản chiếu sự thực một chiều trong khoảnh khắc theo góc nhìn của máy chụp. Trong khi cảnh vật quanh chúng ta là sự sống đa diện luôn thay đổi không ngừng từ mọi góc nhìn.

Sông Đồng Nai mà quý vị thấy trước mặt chùa đây trên thực tế là dòng nước thay đổi liên tục trong từng khoảnh khắc, nhưng đối với chúng ta thì hình ảnh sông Đồng Nai luôn luôn vẫn vậy dù 10 năm trước hay 10 năm sau, vì chúng ta đã ghi vào ký ức cái tên bất dịch chỉ có duy nhất trong khái niệm mà thôi.

Mặc dù các giác quan của chúng ta không hoàn toàn nhận biết được sự vật, mọi hiện tượng trong từng sát-na, nhưng với tâm trong sáng chúng ta vẫn thấy chúng như chúng đang là theo cách một tấm gương phản ánh trung thực. Nhưng chúng ta quá vọng động (buông lung, thất niệm, bất giác) nên hoặc là chẳng thấy được gì, hoặc là chỉ đặc biệt ghi nhận một số điểm nào đó gây lôi cuốn mà thôi. Ví như thấy một cô gái có đôi mắt rất đẹp, thế là ai cũng chỉ nhớ rõ đôi mắt đó thôi, còn mọi thứ xung quanh đều mờ nhạt. Điều này biểu hiện rõ nét trong triết lý hội họa của Picasso. Thực tế là như vậy, chúng ta chỉ ghi nhận được một phần manh mún của những gì đang xảy ra theo bản năng, cảm tính hoặc lý tính mà thôi.

Phần lớn chúng ta chưa thấy diễn biến liên tục của sự sống. Hầu như cái nhìn về cuộc sống chỉ là những ảnh chụp phiến diện, tức là chỉ kịp thu vào những khái niệm về sự vật hay hiện tượng xung quanh. Vì vậy thật là tệ hại, khi nhìn sự vật hay hiện tượng đang xảy ra thì người ta chỉ thấy lại khái niệm đã ghi nhận từ trước chứ không thấy chúng như chúng đang là.

Qua đó mới thấy nhận thức về cuộc sống của chúng ta bị phân chia manh mún và rất đại khái, chỉ thấy được những mối quan hệ đơn lẻ, một chiều, nghèo nàn chứ không nhìn ra được cuộc sống là sự tương giao toàn diện và phong phú. Vì thiếu cái nhìn toàn diện mọi sự là như vậy nên chúng ta chỉ lựa chọn những gì ta thích, bám víu vào những gì mình cho là đúng. Ai cũng muốn được hoàn hảo như ý mình nhưng rốt cuộc lại thấy rằng bất cứ cái gì nhận được từ cuộc sống cũng đều bất toàn và bất như ý.

Người giác ngộ nhận ra rằng thật ra sự bất toàn của cuộc sống lại là hoàn hảo nhất trong chính nó, chứ không thể có sự hoàn hảo theo ý mình. Điều này là đương nhiên, bởi vì nếu mọi thứ đều “hoàn hảo” theo ý mình thì cuộc sống sẽ ngưng trệ và trở nên khô chết như chính khái niệm “hoàn hảo” trong ảo tưởng của mình.

Sự thực cho thấy cuộc sống luôn biến đổi không ngừng và nó không dừng lại ở bất cứ trạng thái hoàn hảo nào cả. Rõ ràng cái không hoàn hảo lại là động lực để mọi thứ không ngừng vận động và tiến hoá. Có thể nói chính sự bất toàn của cuộc sống lại là hoàn hảo nhất. Cuộc sống luôn bất toàn nhưng tự nó không đau khổ. Chỉ vì mình muốn cuộc sống được hoàn toàn nên mới có khổ đau.

Tại sao lại không trọn vẹn được với thực tại? Bởi vì thấy rằng những gì đang xảy ra là chưa hoàn hảo, và muốn chúng phải thế này, phải thế kia, muốn biến đổi chúng trở thành cái này cái nọ theo ý muốn của mình. Khi hạt nảy mầm, đâm chồi thì tự nó sẽ ra lá, khi nó đủ lớn thì sẽ tự đơm hoa kết trái. Tiến trình sự sống tự nó là như vậy và không dừng lại chỗ nào gọi là hoàn hảo được cả. Nếu cái cây ra lá xong đã là hoàn hảo rồi thì làm sao có trái để ăn?

Đức Phật nhận ra bản chất cuộc sống là bất toàn và trọn vẹn với sự thật này nên Ngài mới giác ngộ hoàn toàn. Trong khi chúng ta muốn cuộc sống trở nên hoàn toàn nên luôn phải đối kháng với cái bất toàn mà rơi vào phiền não khổ đau. Khi phóng theo lý tưởng hoàn hảo của cái ta, nó liền đánh mất cái hoàn toàn đang là ngay tại đây và bây giờ.

Sự thực thì cái đang xảy ra mà ta cho là không ổn định chính là lúc nó đang lấy lại sự ổn định một cách tự nhiên. Chúng ta lại muốn can thiệp vào để cố gắng ổn định nó thì hoá ra chỉ làm cho nó bất ổn thêm. Sự thực này cần được chiêm nghiệm bằng xương bằng thịt mới có thể thấy ra.

Ví như một hành tinh đang đi theo quỹ đạo của nó. Hành tinh chuyển động như vậy không phải là theo ý nó mà đi theo luật hấp dẫn trong vũ trụ. Quỹ đạo của nó được xác định trong sự tương giao của luật hấp dẫn tự nhiên giữa nó và các hành tinh xung quanh. Nó phải đi theo quỹ đạo này là điều đương nhiên, nhưng chúng ta lại muốn nó đi theo một quỹ đạo khác, hoặc có phải dừng lại theo ý mình. Có ngờ đâu sự thay đổi quỹ đạo của một hành tinh sẽ dẫn tới thay đổi quỹ đạo của hàng loạt các hành tinh khác trong vũ trụ. Sự việc sẽ không còn đơn giản như chúng ta mong muốn mà nó phải đi theo quy luật tự nhiên.

Chính những ý muốn "sẽ là", "phải là" của cái Ta là nguyên nhân của sự bất an. Thật buồn cười, chúng ta nỗ lực để được bình an nhưng toàn bộ quá trình nỗ lực này lại hoàn toàn bất an. Không thể nào đi tới bình an bằng con đường bất an được. Bình an chỉ có ngay lập tức tại đây và bây giờ, chứ không phải nỗ lực đầy bất an để giành lấy bình an ở một chân trời viễn mộng.

Mọi thứ đang xảy ra vỗn tự nó đã hoàn toàn trong chính nó qua từng sát-na sinh diệt và biến hoá khôn lường. Tiến trình sinh-diệt luôn diễn ra vì vốn không có điều gì cần giữ lại. Chỉ có cái Ta ảo tưởng muốn giữ lại cái như ý, bỏ đi cái bất như ý mà tự tạo nên mâu thuẫn và bất an nội tại. Bất an xuất hiện bởi vì muốn được an, muốn được hoàn toàn như ý.

Một sát-na thực tại thể hiện qua 3 yếu tố: thời (thời gian), vị (không gian) và tính (tính chất như nó đang là), và nó chỉ hiện hữu trong sát-na thời-vị-tính đó mà thôi. Trở về trọn vẹn tỉnh thức trong thời-vị-tính của thực tại của thân-tâm-cảnh được Dịch lý gọi là "thời vị trung chính".  Thời có trung, vị có chính thì tính mới là chân. Khi hành thiền Vipassanà thấy được thực tánh pháp tức đang trọn vẹn với sát-na "thời vị trung chính" vậy.

An là "thời vị trung chính" trong từng sát-na. Nếu sát-na tâm này bị quá khứ chi phối, bị tương lai cuốn trôi hay bị ngoại cảnh trong hiện tại thu hút thì sẽ không thể nào trọn vẹn với thực tại được, vì đã đánh mất "thời vị trung chính" nghĩa là đánh mất thời-vị-tính của thực tại hiện tiền. Thế là rơi vào tình trạng tán loạn, bất an.

Đức Phật từng dạy:
"Quá khư không truy tầm
Tương lai không ước vọng
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây"

Giác ngộ là khi thoát khỏi thời gian tâm lý, không còn chìm đắm trong quá khứ, tương lai và ngay cả hiện tại nữa. Hiện tại luôn sinh diệt trong từng sát-na. Vì vậy trong thiền tuệ mới có sát-na định, cái định trọn vẹn trong từng sát-na - không vượt qua mà cũng không trụ lại nơi sát-na đó. Cố gắng vượt qua tức bị cuốn trôi, cố gắng trụ lại tức bị chìm đắm, nghĩa là lập tức chìm vào quá khứ, trong khi sát-na thực tại vẫn cứ sinh diệt, chuyển biến không ngừng. Ví như hai vợ chồng yêu thương nhau, sống trọn vẹn với nhau. Rồi người chồng bỏ đi lấy người khác. Giờ đây người vợ chỉ ôm giữ những hoài niệm về quá khứ của người chồng đó thôi, còn thực tế anh ta đã đi đâu mất rồi.

Tại sao lại bị đắm chìm trong quá khứ, hiện tại hay tương lai mà đánh mất sát-na "thời vị trung chính"? Đó là vì tham-sân-si. Vì si nên bị đắm chìm mà không thấy được từng sát-na sinh diệt ngay tại đây và bây giờ. Vì tham và sân nên tâm bị dính mắc trong quá khứ, tương lai và hoàn cảnh bên ngoài. Khi đã tâm đã “ngoại trú” như vậy thì đương nhiên không còn biết được sát-na thời-vị-tính của thực tại tự than nữa, nên đó chính là si. Tham, sân, si làm cho tâm bất an. Bất an xảy ra khi yếu tố thời (thời gian) và vị (không gian) bị sai lệch và tính lúc đó chính là tham-sân-si.

Vì vậy nguyên lý vẫn là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang diễn ra. Ăn thì cứ ăn, đi thì cứ đi, làm gì thì cứ trọn vẹn với việc làm đó, không bỏ đi và không nắm giữ. Cứ buông ra trở về trọn vẹn với thực tại thì tâm liền rỗng lặng trong sáng.

Trong sáng với thực tại tức tỉnh giác là yếu tố thứ 4 của thiền.
Sự trong sáng này phát ra từ tâm rỗng lặng, hoàn toàn buông xả và trở về trọn vẹn với thực tại. Giống như mặt trời chiếu sáng khi bầu trời trong suốt không mây.

Trong sáng với thực tại không phải là quan sát thực tại từ bên ngoài qua hình tướng và khái niệm mà biết nó từ bên trong. Đó là khi tâm hoàn toàn trọn vẹn với pháp, cảm nhận thực sự về nó, thấy rõ nó không qua một khái niệm nào. Nếu chỉ biết từ bên ngoài qua hình tướng và khái niệm thì những gì xảy ra dù ngay trước mặt đây vẫn "trùng trùng xa cách" bởi khái niệm, bởi tư kiến cho là, phải là… vì vậy không thể trực tiếp cảm nhận nó như nó đang là.

Ví như khi đau tay, cái tay đau tự nó không có khổ, khổ là do tư tưởng xen vào muốn loại bỏ cái đau ấy đi. Khổ xuất phát từ việc tâm không thể trọn vẹn với thực tại đang là mà đối kháng với nó. Từ đó xuất hiện mâu thuẫn nội tại mà rơi vào khổ. Đó là nguyên lý được nói trong Tứ Diệu Đế. Cái đau thuần tuý không có khổ, khổ xuất hiện vì tâm không thể trọn vẹn với cái đau ấy mà lại đối kháng với nó, muốn dẹp nó đi. Cần chiêm nghiệm thật nhiều để thấy ra sự thực này.

Trọn vẹn trong sáng với thực tại là khi tính biết đồng nhất với những gì đang diễn ra, trôi cùng dòng chảy với chúng, không còn vọng động hay đối kháng do tham-sân-si. Lúc đó về mặt định thì trọn vẹn với thực tại, về mặt tuệ thì thấy thực tại đó một cách hoàn toàn trong sáng.

Các vọng động xuất phát từ tham-sân-si ngăn che tính biết như mây che mặt trời vậy. Khi không còn bị mây che nữa thì tất cả đều được tính biết soi sáng. Không còn mê mờ nên thực tánh pháp tự hiển bày,  chính là tỉnh giác.

Khi còn mê mờ, thay vì thấy thực tánh pháp thì chỉ thấy ảo tướng. Ảo tướng tức là hình ảnh ảo về thực tại xuất phát từ nhận thức sai lầm do đánh mất "thời vị trung chính". Hình ảnh này là ảo tướng chứ không phải thực tánh đang là. Một thực tánh thường bị biến ra nhiều ảo tướng qua tâm thức của nhiều người. Qua đó mỗi người đều tự tạo cho mình một cái Ta ảo tưởng. Cái Ta ảo tưởng (bản ngã) này bao gồm tất cả những ảo tướng mà mỗi người tự lập nên.

Thiền tức là trả nhận thức trở về nguyên vị của nó là tính biết và pháp trở về nguyên vị như nó đang là. Lúc đó không còn cái Ta ảo tưởng chủ quan nữa, chỉ còn nội tâm thanh tịnh thấy rõ các pháp. Nội tâm thanh tịnh là khi nó trở về trọn vẹn với thực tại và ngay đó liền rỗng lặng trong sáng. Rỗng lặng trong sáng là bản chất có sẵn của tâm, khi không còn bị các ảo tưởng (triền cái, lậu hoặc, chìm đắm, …) che lấp.

Như vậy tinh tấn - chính niệm - tỉnh giác chính là trở về - trọn vẹn - trong sáng với thực tại, chứ không phải nỗ lực giữ một trạng thái nào đó, niệm cái gì đó hay cố gắng biết cái gì đó. Khi không còn ảo tưởng do tâm vọng động thì cả thế giới này hiển hiện như chân như thật. Đó là một khi tâm trở về chân thì mười phương thế giới hiện toàn chân. Nếu ta khởi lên dù chỉ một niệm thôi cũng đủ che mờ hết cả thực tại này, vạn pháp này và biến chúng trở thành những ảo tướng.

Trong tiếng Anh có một từ rất hay, đó là NOWHERE nghĩa là không ở đâu cả. Vạn pháp luôn luôn sinh diệt, đâu có trụ lại chỗ nào cho ta nắm bắt. Nhưng NOWHERE = NOW HERE, tức là ngay bây giờ và ở đây. Đó chính là "thời vị trung chính", nơi thực tánh pháp hiển bày. Và ngay đó là giải thoát vì tâm không còn dính mắc vào đâu cả.

Giác ngộ giải thoát là tiến trình tự điều chỉnh nhận thức và hành vi. Từ cái Ta nhận thức sai lầm - tà kiến, mà có tham ái rồi đưa đến hành động nghịch pháp, hữu vi, tạo tác, đến tính biết thấy rõ thực tánh pháp, mà không có tham ái – vô cầu đưa đến đời sống hoàn toàn thuận pháp, vô vi, vô tác nên gọi là giác ngộ giải thoát.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét