Thế nào là sự khác nhau giữa mối quan hệ và mối tương giao?
Khi nói đến mối quan hệ là chúng ta nói đến sự tương tác hai chiều, nói đến sự ‘có điều kiện’ (bất kỳ) trong mối tương tác đó. Trong đời sống trần tục có quan hệ qua lại giữa sếp và nhân viên, giữa thầy và trò, giữa vợ chồng, con cái, trai gái, bạn bè… Trong Đạo có mối quan hệ Nhân Quả, Duyên Sinh, giữa Chúa và Ta, giữa Cha Cố và Con Chiên…
Tại sao ta nói đó là mối quan hệ có điều kiện? Đơn giản như trong công việc, sếp yêu cầu một việc, nhân viên thực hiện,đáp ứng. Trong quá trình thực hiện có sự hỏi ý kiến, chỉnh sửa công việc thực hiện. Như vậy là tương tác 2 chiều. Kết quả là mối quan hệ đó được duy trì trên nềng tảng CÔNG VIỆC.
Trong Đạo, giữa Chúa và Ta, nếu ta chỉ đòi hỏi, cầu xin từ Chúa, không thường xuyên cầu nguyện (nhớ đến Chúa) không cho phép Người có mặt cùng ta, trò chuyện cùng ta thì làm sao ta duy trì được mối quan hệ với người? Mối duy trì đó là dựa trên nềng tảng ĐỨC TIN/TÍN NGƯỠNG.
Còn trong gia đình thì sao? Vợ chồng cũng có những mối quan hệ với nhau, yêu cầu đòi hỏi người kia cùng thực hiện. Có thể đó là việc cùng chăm sóc con, hoặc xây dựng gia đình, hoặc cả chuyện phòng the… Con cái và bố mẹ cũng vậy. Đây đều là sự qua lại 2 chiều để duy trì mối quan hệ đó. Kết quá đó là mối quan hệ được duy trì trên nền tảng TÌNH CẢM + NGHĨA VỤ.
Trong quan hệ chắc chắn sẽ nảy sinh hệ quả của sự tương tác kết hợp từ hai phía hay, có sự đồng ý/thoả hiệp để duy trì mối quan hệ này, có trách nhiệm và nghĩa vụ từ hai bên để xây dựng mối quan hệ đó dù nhiều hay ít. Như vậy, trong mối ‘quan hệ’ có sự thoả hiệp (có thể làm ngầm hiểu) và được xây dựng thường xuyên theo thời gian. Một quan hệ sẽ chấm dứt nếu chỉ có sự quan tâm, hay chỉ duy trì từ một phía.
Còn thế nào là sự tương giao?
Sự tương giao không yêu cầu bất kỳ một đòi hỏi nào từ hai phía. Sự tương giao là sự đồng cảm giao hoà tự nhiên giữa người và vật, giữa người và người, giữa người và thiên nhiên, vũ trụ. Bởi vì vô điều kiện, nên sự tương giao không dựa trên bất kỳ một nền tảng nào vì vậy không phát sinh hệ quả, kết quả, nhân quả. Đó là sự cảm nhận trực diện không xen vô nghĩa vụ, hay công việc, tín ngưỡng.. Tóm lại là không có ‘tôi’ hay ‘ta’ nào ở đó cả. Ở đó vắng bặt chủ thể, chỉ có sự hoà đồng/hay giao hoà, sự đồng điệu, đồng cảm hay đồng nhất giữa các đối tượng.
Khi Tết đến, ta bước chân ra đường, không khí ngày Tết ập đến khiến ta có mối giao hoà với trời đất, có sự liên kết tự nhiên giữa cá thể (ta) và thiên nhiên (đối tượng) một cách tự nhiên. Con người (ta) cảm thấy như được hoà làm một trong mối tương giao đó. Mối tương giao với trời đất khiến ta cảm thấy dễ chịu, ấm áp, giúp ta mở rộng tâm bao la, yêu thương nhiều hơn con người và vạn vật, thấy hơn ý nghĩa của cuộc sống.
Tương tự, giữa người với người khi gặp một ai đó cho dù không nói chuyện (hoặc cho dù không gặp mặt chỉ là nghĩ tới) nhưng ta luôn cảm thấy dễ chịu, ấm áp hoặc thân thiết, tin cậy có nghĩa là giữa ta và họ có một mối tương giao, sự giao cảm. Đó hoàn toàn không phải là mối quan hệ. Đó là sự vượt lên trên các mối quan hệ. Đó là khả năng nhận thức những bản chất thầm kín, sâu sắc những thần thái nằm sâu trong lòng sự vật, con người, vũ trụ. Đó thường là những khoảnh khắc ngắn ngủi mà nếu ta thường xuyên trọn vẹn thì sẽ cảm nhận được nhiều hơn và sâu sắc hơn. Đó chính là sự trọn vẹn của tâm thức.
Sự thật là các mối quan hệ luôn duy lý chí và hướng ra bên ngoài vì thế luôn có hệ luỵ và hệ quả, sinh ra nhiều những tiêu cực, khổ đau cho con người, trong khi mối tương giao thì luôn là tích cực, và có xu hướng hướng vào bên trong mỗi người, nên luôn chân thực, đơn giản, và vô điều kiện.
‘Đơn giản và chân thực’ luôn là những gì con người ngày càng hướng tới. Đó là xu hướng tất yếu của mỗi người sinh ra trên trái đất này. Nếu vẫn mải miết đắm chìm trong các mối quan hệ thì một ngày nào đó chúng ta sẽ vô cùng mệt mỏi và khổ sở. Có phải vậy không bạn hả?
BH 1/3/2018
0 Nhận xét