Chân lý

Ta ngồi đây một mình với Ta

4/08/2018 07:01:00 SA



...Khi ai đó hỏi một thiền sư:"Phép màu lớn nhất trên thế giới này là gì?" Ngài đáp:"Ta đang ngồi đây một mình với ta!". Ý nghĩa của câu chuyện này là gì?

Đó là một phát biểu đơn giản. Nếu bạn bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa bằng cách vơ vào các triết lý, bạn sẽ bỏ lỡ ý nghĩa đích thực của nó. Bạn sẽ nhìn trái nhìn phải và bạn bỏ lỡ cái đang ở ngay trước mặt. Nó là một phát biểu đơn giản: Ta đang ngồi đây một mình với ta. Có thể ở một mình với bản thân, đó là phép màu vĩ đại nhất, là thành tựu lớn lao nhất.

Người ta bao giờ cũng cảm thấy nhu cầu về sự có mặt của những người khác, bởi vì cái gì đó bị thiếu bên trong chúng ta. Ví như chúng ta có lỗ lổng bên trong nội tâm, nên phải tìm mọi cách lấp đầy lỗ hổng đó bằng sự hiện diện của những người khác. Họ bằng cách nào đó làm cho chúng ta cảm thấy đầy đủ, bằng không thì chúng ta thấy thiếu thốn và bất an.

Không có người khác chúng ta sẽ không biết mình là ai, chúng ta như bị đánh mất mình. Người khác trở thành tấm gương và chúng ta có thể nhìn khuôn mặt của mình trong đó. Không có sự hiện diện của họ, chúng ta bỗng nhiên bị ném về chính bản thân mình. Đó là điều không thoải mái rất lớn, và bất tiện nảy sinh, bởi vì chúng ta không biết mình là ai.

Nhìn vào nội tâm mình, bạn thấy bất an, thấy trống rỗng. Bạn muốn chạy tới với người khác. Họ giúp cho bạn treo ở đó, giúp bạn bận tâm ở bên ngoài, để không phải đối diện với chính mình. Khi không có ai bạn đơn giản bị bỏ lại với trống rỗng nơi mình. Nỗi sợ lớn nhất là bị bỏ lại một mình.

Mọi người đều làm cả nghìn lẻ một thứ chỉ để không bị bỏ lại một mình. Bạn bắt chước mọi người, bởi vì nếu bạn không làm như vậy thì bạn sẽ bị bỏ lại một mình. Bạn trở thành một phần của đám đông, bạn trở thành một phần của tôn giáo, bạn trở thành một phần của tổ chức cũng bởi vì bạn không muốn bị bỏ rơi. Và toàn bộ hạnh phúc của bạn, an lạc của bạn, ý nghĩ sự tồn tại của bạn bị phụ thuộc vào những người khác.

Nhưng vị thiền sư đã nói, ở một mình thực sự là phép màu vĩ đại nhất. Lúc đó bạn không thuộc về nhà thờ nào, bạn không thuộc vào tổ chức nào, bạn không hướng tới bất kì thượng đế nào, bạn không thuộc vào bất kì ý thức hệ nào - xã hội, cộng sản, phát xít, Hindu giáo, Ki tô giáo, Jaina giáo, Phật giáo - bạn không thuộc vào đó, bạn chỉ đơn giản hiện hữu. Vì bạn đã học cách yêu cái không xác định bên trong, cái thực tại không thể nói ra được nơi mình. Bạn đã biết cách trọn vẹn với bản thân mình.

Nhu cầu của bạn về người khác đã biến mất. Bạn không có chỗ hở nào, bạn không cảm thấy thiếu cái gì, bạn đơn giản hạnh phúc với sự hiện diện cúa chính mình. Bạn không cần thêm gì cả, phúc lạc của bạn là vô điều kiện. Vâng, khi đó nó là phép màu vĩ đại nhất.

Cô đơn là thiếu vắng người khác, là tiêu cực. Còn một mình chỉ là hiện diện cùng với chính mình. Một mình rất tích cực. Nó là sự hiện diện tràn ngập. Bạn tràn đầy hiện diện tới mức bạn có thể rót đầy toàn thể vũ trụ bằng hiện diện của mình và không có nhu cầu về bất kì ai.

Một người đã biết cách trọn vẹn với chính mình không có nghĩa là người đó không sống với người khác. Thực tế chỉ người đó mới có khả năng sống cùng người khác một cách sâu sắc. Bởi vì người đó có khả năng trọn vẹn với chính mình nên mới có khả năng có mặt trọn vẹn cho người khác. Nếu bạn không có khả năng ở cùng bản thân mình, làm sao bạn có thể có mặt vì người khác được? Ngay cả với bản thân mình mà bạn còn không thể sống trong sự bao dung sâu sắc, trong vui sướng - thì làm sao bạn có thể sống như thế cùng người khác?

Khi bạn có thể trọn vẹn với bản thân thì bên trong bạn sẽ tràn đầy tình yêu, nó tuôn chảy. Bạn không cần xin nó từ bất cứ ai, ngược lại bạn có thể cho đi. Còn khi bạn đang thấy thiếu bên trong, bạn đang còn tìm kiếm người khác để lấp đầy, làm sao bạn có thể cho đi được? Khi bạn cho đi tình yêu, tình yêu lớn hơn sẽ tới với bạn. Đó là đáp ứng, ngay lập tức và tự nhiên. Vì vậy bài học thứ nhất của tình yêu là học cách ở một mình.

"Ta đang ngồi đây một mình với ta!". Hãy thử điều đó đi. Thỉnh thoảng ngồi một mình. Thiền cũng chỉ là như thế - chỉ ngồi một mình, không làm gì cả. Bạn thử mà xem. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy cô đơn tức là cái gì đó còn thiếu trong bạn, và bạn vẫn chưa có khả năng hiểu mình là ai. Vậy hãy đi sâu hơn vào trong nỗi cô đơn ấy, rồi đến một lúc bỗng nhiên cô đơn đổi thành sự hiện diện một mình. Cô đơn là mặt tiêu cực, một mình là tích cực. Nếu bạn đi sâu hơn vào cô đơn, bỗng nhiên bạn sẽ bắt đầu thấy mặt tích cực của nó. Bởi vì cả hai mặt bao giờ cũng cùng nhau.

Cho nên cứ cô đơn đi, nhẫn nại với cô đơn đi, để học cách trọn vẹn với chính mình. Một khi bạn đã học được cách hiện hữu với chính mình, thì cái chết là vô nghĩa. Bạn trở thành bất tử, vì cái chết không thể lấy được gì từ bạn...

Osho

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét