Chia sẻ

Thấy rõ “kẻ lạ mặt” nơi mình

11/29/2018 07:07:00 SA


...Một người giác ngộ không phải chỉ biết mình thôi, mà biết xã hội đang diễn ra như thế nào, tâm lý con người như thế nào. Khi Đức Phật đắc đạo, Ngài có thiên nhãn minh, Ngài biết rõ hết tâm địa chúng sinh ra sao, nhân quả ra sao, đưa đến cảnh giới gì..., Ngài biết rõ hết.
Sống là phải có cái nhìn toàn diện, không phải chỉ thấy bản thân mình thôi, mà cả bối cảnh mình đang sống. Không cần phải loay hoay tìm kiếm để thấy cái này cái khác nó như thế nào, mà là sự thấy biết trong sáng để có thể phản ánh trung thực mọi sự mọi việc ngay khi nó xảy ra, chứ không phải là thấy biết qua lăng kính bị bóp méo của của bản ngã. Vì khi có bản ngã, nên mỗi người nhìn đời qua một lăng kính riêng, chứ không phải trung thực như nó là.
Nếu biết chiêm nghiệm khi trải nghiệm thì sẽ học được nhiều bài học trong đời sống, cảm nhận được bản chất thực của đời sống. Khi chiêm nghiệm đời sống, mình phát hiện ra 2 thứ: một là bản chất vận hành thực, và còn lại là ảo tưởng của mình, nếu không chiêm nghiệm thì luôn bị ảo tưởng ấy lôi đi, bị sống theo ảo tưởng và dần dần thành thói quen.
Trong đời sống, mỗi người thường ứng xử theo sự tưởng tượng nhiều hơn là ứng xử trên cái thực. Vì không biết được bản chất thực của đời sống, cho nên thường buộc cái này phải là thế này hay thế khác. Thế nên, nếu không thường quan sát lại bản thân trong sự tương giao với đời sống thì sẽ không bao giờ thấy ra được bản chất thực. Do vậy phải qua trải nghiệm chứ không phải ngồi tưởng tượng, phải chiêm nghiệm trên những gì đang trải nghiệm mà ứng xử.
Mình thường hay ứng xử theo quan niệm, theo tưởng tượng của mình, do vậy mà chỉ sống ảo, chưa từng được sống một cách chân thực. Đời sống thực là đời sống được thấy ra đúng với bản chất của nó, nếu có phản ứng thì phản ứng đối với bản chất thực. Thí dụ, khi đưa tay vào lửa, đụng vào lửa thì có phản ứng rút tay lại liền, đó là phản ứng chính xác. Nhưng có những cái chỉ do tưởng tượng mà sinh ra sợ hãi, và không biết làm cách nào để hết sợ hãi. Thí dụ, sợ rắn, sợ thằn lằn..., Vì sao lại sợ thằn lằn, trong khi có những đứa bé bắt thằn lằn chơi rất bình thường, nỗi sợ hãi này là do tưởng tượng.
Hầu hết đời sống là dựa trên sự tưởng tượng, chứ không dựa trên cái thực. Lẽ ra đói ăn, khát uống là đúng, nhưng lại biến những cái đó thành tưởng tượng hết. Cái tưởng tượng lớn nhất là tưởng tượng mình là cái gì đó. Rồi tưởng tượng lâu ngày nên sâu dày đến nỗi khi chết đi mình vẫn tưởng tượng mình vẫn còn là như vậy, cho nên thành “ma”. “Ma” chính là cái ảo tượng mang theo khi đã chết rồi. Đáng buồn là đa phần sau khi chết trở thành “ma” vì không sống với cái thực, mà sống với những ảo tưởng. Hiện giờ đã là “ma” rồi, thì khi chết đi cũng sẽ là “ma” thôi.
Khi nào sống mà cảm nhận sự sống một cách chân thực, thí dụ như khi uống nước cảm nhận được cái nóng, lạnh thực của nước, thì mới là sống thực. Có những người chỉ cầm điếu thuốc mà không hút, hay hút chưa hết nửa điếu này đã thay điếu khác, cứ thế mà đốt cháy liên tục tức là sống ảo này đã thành thói quen. Và khi chết rồi thì cái hình ảnh cầm điếu thuốc ấy vẫn còn, lúc đó gọi là “ma thuốc”. Đó là hiện tượng có thực, mình không còn là sự thật nữa, chỉ còn là ảo tưởng, cho nên Albert Camus phát hiện ra: mình là một kẻ lạ mặt. Không phải ai cũng thấy ra được sự thật ấy, cho nên rất cần thấy ra bản chất thực để đối trị và loại bỏ những ảo tưởng, những cái không phải là thực, lúc đó mới thực sự phục hồi được bản chất thực của đời sống.
Chúng ta quen sống với quan niệm, thành kiến, thói quen, tập khí. Những tập khí đó đã gieo sâu thẳm trong vô thức và bây giờ nó trở thành những lực xung động, động cơ ngầm. Mình chỉ hoạt động bởi những động cơ ngầm đó, như có ai đó đang cầm con rối điều khiển hoạt động của nó. Trong phân tâm học gọi là đó là khuynh hướng xung động. Lực xung động chính là sợi dây đang điều khiển con rối, và mình đang hoạt động như con rối, hoạt động theo quan niệm của người khác, chứ không phải thực sự là sống như bản chất sự sống đang là.
Cho nên quan trọng là phải nhận ra bản chất thực của mình, trong thiền gọi là bản lai diện mục. Thậm chí có khi mình sợ thấy ra mặt thực nơi mình, sợ phải cởi bỏ lớp mặt nạ, vì họ đã quen với mặt nạ đó, đã tạo dựng mình trong ảo tưởng tài-tình-danh vọng đó. Không phải ai cũng muốn trở về bản chất thực đâu! Vì người ta muốn thoả mãn những cái ảo mà người ta dựng lên, không dám trở về nhìn lại cái thực.
Ngay ở trong thiền, người ta cũng biến các phương pháp thiền trở thành phương tiện để thoả mãn mong muốn nào đó của họ, theo tham vọng của họ. Có rất nhiều người thiền không phải để đối trị, không phải để thấy ra bản chất thực nơi mình, mà để thực hiện ý đồ đạt được một cái gì đó mà họ cho là cao siêu hơn. Họ thiền không phải để thấy mặt thực và họ không sẵn sàng loại bỏ tất cả những ảo tưởng.
Loại bỏ những ảo tưởng là thiền đối trị, và thấy ra bản chất thực là thiền thấy tánh...
Thầy Viên Minh - Trích pháp thoại Khóa thiền số 13

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét