Chân lý

Thiền đối trị & Thiền thấy tánh

11/29/2018 07:03:00 SA


...Chúng ta thường nghe nói đến thiền định - thiền tuệ, hay là thiền đối trị - thiền thấy tánh. Trong Phật giáo có 2 loại thiền này, nếu không hiểu đúng, thiền định sẽ làm trở ngại cho thiền tuệ, nếu hiểu đúng thiền định sẽ bổ túc cho thiền tuệ.
Khi nói thiền định, thiền tuệ là nói lên chức năng của 2 loại thiền:
1/Thiền định là thiền đối trị
2/Thiền tuệ là thiền thấy tánh
Hai loại thiền này có thể kết hợp với nhau. Thiền định như thế nào là đúng như thế nào là sai, và thiền tuệ như thế nào là đúng như thế nào là sai?
THIỀN ĐỐI TRỊ - THIỀN ĐỊNH
Đối trị là việc tất yếu trong đời sống, giống như ăn khi đói, uống khi khát. Đối trị và phương tiện đối trị phải dựa trên những sự kiện thực. Thí dụ như con thú khi đói mới ăn, không đói thì thôi, không cần đi kiếm mồi, con thú chỉ ăn theo nhu cầu thực sự của nó. Đáp ứng nhu cầu là sự tất yếu của đời sống, việc đói ăn khát uống là sự sống hoàn toàn tự nhiên.
Thí dụ về Thiền đối trị - Thiền định:
1/Tâm sân được đối trị bằng tâm từ: Nhìn vào tâm mình và thấy hiện giờ tâm đang không sân, đang mát mẻ, dịu dàng, hiền thiện, khinh an... rồi hướng tâm ra bên ngoài, rộng dần với tâm không sân như vậy, sau đó thử hướng đến một vật, nhìn vật đó với tâm không sân, hoặc một người nào đó với tâm không sân... Khi thấy tâm không còn sân với chính mình hay với bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào nữa thì lúc đó tâm từ đã hoàn hảo.
2/Tâm tham có thể đối trị bằng cách quán bất tịnh: Tham ăn thì quán sự nguy hại của món ăn. Khi có nhiều kế hoạch, tham vọng, mơ ước lâu dài... thì đối trị bằng niệm sự chết. Niệm sự chết để đối trị với khoảng trống của thời gian tâm lý, là thời gian giữa hiện tại và tương lai.
3/Tâm vọng động bất an được đối trị bằng niệm Phật hay quan sát hơi thở.
Thiền định có 40 đề mục, dùng đề mục để làm tâm tạm yên, như khi bệnh cần uống thuốc cho hết bệnh. Nhưng có một số người lấy thiền định ra để luyện tập suốt đời, để đạt được định hay an lạc, đó không còn là đối trị, mà là tham vọng. Người ta có thể sử dụng thiền định vì tham vọng, vì ý đồ của bản ngã, nếu không hiểu đúng và dùng đúng, thì thiền định sẽ làm phát triển tham vọng và ý đồ của bản ngã.
Khi nói đối trị, chính là đối trị bản ngã, nhưng cuối cùng lại để phát triển bản ngã, phát triển tiểu ngã đi đến đại ngã. Có những người nói về Tứ Diệu Đế, nhưng vô tình lại phát triển Tập Đế Khổ Đế, trong khi muốn tìm cách loại trừ Khổ Đế Tập Đế.
Đối với thiền đối trị, điều quan trọng là phải thấy ra cái cần đối trị, và phương tiện dùng đối trị. Chỉ cần dùng 1 trong 40 đề mục để đối trị chứ không cần dùng tất cả đề mục. Dùng đề mục nào phải đúng với từng căn cơ của từng người. Cũng như bác sĩ phải xác định đúng bệnh, cho đúng thuốc để trị, cách đối trị cũng phải đúng mức.
Thật sai lầm là khi hành theo một phương pháp thiền nào thì theo cả đời. Như khi dùng đề mục hơi thở làm cho ổn định tâm, khi tâm đã ổn định rồi vẫn tiếp tục luyện đề mục ấy với mong cầu an lạc, đó chính là đang phát triển bản ngã. Lúc đó không còn đúng ý nghĩa của thiền đối trị nữa, vì nếu chỉ là đối trị thì khi đối trị thành công rồi sẽ dừng lại thôi chứ không tiếp tục nữa.
THIỀN THẤY TÁNH - THIỀN TUỆ
Thiền thấy tánh dùng để thấy ra thực tánh pháp.
Con người khi sinh ra được cha mẹ dạy, khi lớn lên học được những khái niệm, quy định của xã hội..., người ta đang sống theo quan niệm và rập khuôn của số đông, mà không biết rằng đó chưa phải là sống thật sự. Sự sống khi đã bị uốn nắn theo một khuôn mẫu nào đó, thì sẽ phát triển như khuôn đúc ấy, trong khi đời sống thực luôn biến ảo, vô thường, chính cái biến ảo, vô thường đó là vẻ đẹp của đời sống.
Một Phật tử xuất gia cứ nghĩ là vô chùa tu học theo khuôn khổ trong chùa là thành một vị sư, thực ra không phải vậy. Thông thường người ta sống trong ảo tưởng cho mình là giám đốc, là ông sư, là cha, là con..., luôn cho áp lên chính mình những vai diễn đã được lập trình sẵn, là cái khuôn do tự mình lập ra, hoặc do xã hội lập ra, từ đó hình thành những khái niệm, rồi trở thành quan niệm, định kiến... và sống trong những khuôn khổ định kiến đó.
Một vị Tu Đà Hoàn là vị đã loại bỏ được những quan niệm cho là, phải là, sẽ là, để có thể sống thật với bản chất của đời sống. Có nghĩa là, vị ấy đã không còn thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. Không còn thân kiến là không còn phản ứng với mọi sự như những người bình thường, tức là phản ứng theo quan niệm đã quy định trước. Thí dụ, Thầy là vị sư, giảng sư, nếu có người chỉ mặt nói Thầy nói tầm bậy, thì Thầy nổi sân liền, lý do là đã được lập trình sẵn trong tâm là một vị sư thì phải được mọi người kính trọng.
Vị Tu Đà Hoàn không còn thân kiến đó nữa, mà chỉ là một sự sống như nó đang là chứ không là ai cả. Sự sống đó là tai nghe, mắt thấy..., chỉ đơn giản như vậy, kể cả cái tên Viên Minh cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Trong khi vì quan niệm thân kiến mà cho là cái tên Viên Minh, cái ông sư ấy... phải là như thế này thế kia, đó không phải là đời sống thực...
Vì vậy chúng ta phải tập thấy cho được thực tánh, nghĩa là tập thấy mình, thấy người, thấy muôn loài vạn vật xung quanh như nó đang là, đang như thế nào thì chỉ thấy như vậy thôi. Khi đang đi thì thấy đang đi, đang nói thì thấy đang nói. Tất cả chỉ có giá trị khi sự kiện đó đang thể hiện như vậy thôi. Cái thể hiện chính bản chất đời sống chính là thể hiện thực tánh. Người tu học Đạo Phật cần tự biết rõ mình đang sống trong thực tánh hay đang sống trong quan niệm, thành kiến, ý thức hệ..., trong tất cả những thứ mà bản thân, gia đình, xã hội đang bị trói buộc...
Nếu thấy ra bản chất thực của đời sống, tức là thấy thực tánh pháp thì mới có thể sống thật sự. Nếu không thấy bản chất chân thật ấy thì chỉ sống một cách lập trình, hành xử theo khuôn mẫu của quan niệm, không phải do mình nhận thức ra mà do người ta nói như vậy, do ai cũng làm như vậy, rồi mình làm theo và cho là đúng.
Người thấy ra bản chất thực cuộc sống là người thường chiêm nghiệm, thường tự trở về quan sát thực tại thân-thọ-tâm-pháp, để thấy rõ sự thực vận hành đó, và sống trung thực với sự vận hành đó, tức là sống đúng với quy luật tự nhiên, chứ không sống theo ý đồ chủ quan của bản ngã.
Giải thoát chính là giải thoát ra khỏi ý đồ chủ quan của bản ngã mà từ đó đã hình thành quan niệm định kiến. Giải thoát là không đi theo quan niệm lối mòn nào cả, mà trở về chính bản thân đời sống, trở về hơi thở, trở về đi đứng nằm ngồi..., những những hoạt động bình thường nơi thân-tâm. Chỉ khi trở về với những hoạt động bình thường đó, thì mới biết được cái gì sai cần đối trị và dùng cách nào để đối trị.
Chỉ có 2 trường hợp xảy ra:
  1. Chưa thấy ra được bản chất thực của sự kiện thì khổ sẽ phát sinh để báo rằng đó vẫn là ảo tưởng mà trở về nhìn lại nhằm thấy ra.
  2. Đã thấy ra bản chất thực, thấy được cái gì sai để đối trị.
Hai cách này bổ túc cho nhau. Có thấy ra bản chất thực, thì mới thấy được cái gì sai để đối trị, và việc đối trị là chỉ để trở về với bản chất thực. Do vậy 2 loại thiền thấy tánh (thiền tuệ) và thiền đối trị (thiền định) là không thể tách rời nhau.
Hai loại thiền định, thiền tuệ nói trên cần phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, mà không phải chia ra giờ này thiền định, giờ kia thiền tuệ. Việc đối trị và việc thấy rõ thực tánh pháp luôn song song với nhau, tùy duyên mà thực hiện chứ không phải chỉ có một mục tiêu nhất định để theo đó mà rèn luyện gì cả. Thiền chính là có cái nhìn toàn diện, cái nhìn chính mình ngay trong bối cảnh cuộc sống này, chứ không phải ở nơi nào khác.
Người ta hay tách thiền định riêng, thiền tuệ riêng, hoặc tạo ra các phương pháp riêng biệt, cũng như có bác sĩ chỉ chữa đau bụng thôi, có bác sĩ chữa mắt thôi. Như vậy cũng được đi, nhưng chuyên khoa nào thì cũng phải chẩn bệnh chính xác mới được, nghĩa là phải thấy rõ bản chất thực của nó mà điều trị đúng thời điểm, đúng mức độ. Khỏi bệnh liền thôi.
Trong tu học cũng vậy, khi nói thân-thọ-tâm-pháp tức là nói về toàn bộ con người mình đang tương giao với thế giới xung quanh. Vì vậy muốn thấy thực tánh pháp không phải là đóng cửa bên ngoài chỉ để nhìn cái gì đó bên trong. Thực ra thân-thọ-tâm-pháp là thể duy nhất vận hành như nó đang là. Tu tập chỉ là trả thân-thọ-tâm-pháp về đúng với nguyên lý vận hành của nó, chứ không phải đặt ra trường phái niệm thân riêng, rồi trong niệm thân lại có nhiều phương pháp, với niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp... cũng vậy, rồi tu luyện theo phương pháp ấy để bắt mọi thứ vận hành theo quan niệm hay tham vọng của mình. Khi mình mong muốn được cái gì, thì cũng đồng nghĩa muốn loại bỏ cái khác, do vậy mà tạo nên tham và sân, và sẽ không bao giờ yên ổn được mà luôn ở trong sự đối kháng. Chính sự đối kháng này tạo nên căng thẳng, rối loạn bất an...
Thiền chỉ là trải nghiệm, chiêm nghiệm để thấy ra cái đúng, thấy ra được thực tánh, thấy ra cái đang che lấp thực tánh đó, để tìm cách đối trị cái che lấp đó. Thí dụ, khi đau bụng thì đối trị làm thế nào cho hết đau bụng, có thể là uống thuốc, có thể xoa dầu, có thể ăn gừng... Người đã có tâm rộng mở thì mặc dù là đối trị nhưng không phụ thuộc vào bất kỳ phương tiện đối trị nào, mà tuỳ duyên thực hành...
Thầy Viên Minh - Trích Pháp thoại khóa thiền 13

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét