Chân lý

Dù tu trăm ngàn cách, không bằng tự biết mình!

11/29/2018 07:09:00 SA

...Con hiểu rằng Tham và Sân giống như hai mặt của một đồng xu, khi Tham một điều gì đó, thì sẽ Sân điều ngược lại với nó. Khi không còn Tham thì sẽ không còn Sân, và ngược lại. Con hiểu như vậy có đúng không ạ?Nếu điều trên là đúng, thì việc một số vị sư đạt được những quả vị thấp đã diệt trừ được Sân nhưng chưa trừ được Tham (Tham thiền định, Tham làm việc thiện, Tham giúp đỡ người khác...), có mâu thuẫn với điều con hiểu ở trên không ạ? Có khi nào, những vị này vì Tham thiền định mà Sân luôn với trạng thái bất định? Có khi nào, có ai đó có thể Tham thiền định, tham làm việc tốt mà không Sân với bất định, không Sân với việc ác, tức là tuy có Tham mà không có Sân?
Văn-tư-tu của con còn non nớt và hạn hẹp, kính mong được Thầy chỉ bảo ạ!
TRẢ LỜI:
Thamsân là hai mặt của bất thiện thường thay nhau đóng vai của mình trên sân khấu tâm như con nói. Nếu là tham sân trong cõi Dục giới thì con nói đúng. Ở cõi Sắc và Vô Sắc giới, sân tạm thời ngưng hoạt động nhưng vô minh và ái dục vẫn còn, do đó tham sâu sắc và vi tế hơn, giống như một người đang vui thì khó mà buồn giận.
Ngay cả bậc Thánh A-na-hàm tuy không còn tham & sân trong cõi Dục, nhưng tham trong cõi Sắc và Vô Sắc vẫn còn và rất vi tế. Chỉ vì đang rất an lạc nên sân không thể khởi lên được, nhưng chính tham dưới dạng sắc áivô sắc ái vẫn là trở ngại khiến chưa thể chứng ngộ A-la-hán được ngay. Ở đây tuy Sân kiểu Dục giới không khởi nhưng nó đã thay thế bằng sự trở ngại vi tế này của Ái.

* * *

Con vẫn ham thích chạy theo danh tiếng, thích phô diễn. Mỗi lần con định phô diễn điều gì, con thường khổ não vì cảm thấy không đúng, nhưng nếu không phô diễn thì không thỏa mãn cái tâm tham này. Như vậy, con cứ dằn vặt, hoặc là thực hiện rồi kiểm điểm, hoặc là chịu đến lúc quên đi tham muốn đó. Vậy có cách nào để con có thể điều chỉnh tốt hơn, mong Thầy chỉ dạy!
TRẢ LỜI:
Con đừng lo, cứ phô diễn và biết mình đang phô diễn như thế là được, rồi một ngày nào đó con cũng chán và buông bỏ thôi. Con chống lại nó làm gì cho mệt.

* * *

Thưa thầy, đôi lúc tâm mình thanh tịnh, nhìn vào tâm mình không có mặt của tham và sân, nhưng cái đó chỉ là bề ngoài, nhưng bên trong vẫn còn nguyên vẹn và đủ duyên nó sẽ trổi dậy đúng không thầy? Vậy lúc thanh tịnh tỉnh giác không thấy tham và sân, thì tâm tham và sân nó nằm ở đâu thầy? Nhờ thầy khai thị cho con, con cảm ơn Thầy.
TRẢ LỜI:
Đủ duyên thì tham sân sinh, không duyên thì tham sân diệt, người trí thấy được tham sân sinh diệt nên không chấp vào nó, không bị nó trói buộc thế thôi.
Có một câu chuyện Thiền Sư và Người Ăn Trộm:
Có một tên trùm ăn trộm, muốn cải tà qui chánh nên tìm đến một vị Sư nọ xin tu. Vị Sư truyền 5 giới và bắt anh ta giữ 5 giới. Sau một thời gian, anh ta lại trộm cắp. Sư phụ không chấp nhận và anh ấy tìm một vị Sư khác xin tu, vị này cũng truyền 5 giới rồi khuyên anh ta giữ 5 giới. Một thời gian sau anh ta vẫn trộm cắp trở lại... thế là chia tay vị thầy thứ 2. Ngồi trong ngôi miếu nhỏ với tâm trạng buồn chán cho chính mình thì anh có duyên gặp vị Sư thứ 3 vào miếu trú mưa. Qua hồi lâu trò chuyện anh ấy thấy mình rất hợp với vị Sư này nên kể hết mọi chuyện với Sư, và xin được theo Sư để tu tập, nhưng chỉ thọ 4 giới thôi, còn giới "không trộm cắp" thì xin không thọ vì anh ta không thể bỏ tính trộm cắp. Vị Sư hiền từ nói:
"Ta chấp nhận với một điều kiện, khi con đi trộm cắp, lúc lấy đồ người ta thì phải "biết mình đang đi trộm cắp", con có làm được không?"
Anh ấy mừng rỡ và nói con làm được! Thế rồi anh ấy đi trộm cắp, trước khi và trong khi trộm cắp anh ấy nhớ lời Sư phụ "biết mình đang trộm cắp". Trộm được một vài vụ rồi anh ấy thấy mình không thể trộm cắp được nữa, anh ấy "ngộ" ra, chạy về ôm chầm lấy sư phụ mà khóc! Sư phụ chỉ cười!

* * *

Thưa Thầy con thấy Tánh biết – Bản ngã – Pháp có sự tương giao chặt chẽ với nhau. Tánh biết phát huy thấy ra sự thật là nhờ có bản ngã tạo tác sai lầm. Pháp thì luôn đến đi, vận hành một cách tự nhiên, còn bản ngã thì cứ theo cơ chế thu vào cái mình thích và loại bỏ cái mình không thích nên chắc chắn là phiền não khổ đau. Cho nên lựa chọn đường nào rồi cũng không sao chạy khỏi nguyên lý này.
Nhưng điều kỳ diệu là nếu không lựa chọn, không sai lầm thì không thể thấy ra sự thật. Vì cái đúng là thấy ra cái sai chứ không có cái đúng hoàn hảo. Trong tu tập thực sự không có phương pháp vì không có cái giác ngộ lý tưởng mà phải từ cái sai lầm, đau khổ mới thấy ra sự thật.
Sứ mệnh của mỗi người trong cuộc đời này không phải là thành tựu điều gì mà chỉ là thấy ra sự thật là vô thường, khổ, vô ngã. Cho nên Thầy chỉ dạy nguyên lý để mọi người biết điều chỉnh nhận thức và hành vi không phải để trở thành con người lý tưởng mà thông qua đó để thấy ra bản chất thực sự của bản ngã, phát huy tánh biết rồi thì sẽ thông suốt được chính mình và đời sống.
Mỗi người chỉ cần với cái thấy khách quan thuần túy, không thêm, không bớt hằng giây hằng phút tự biết mình và trong sự tương giao với đời sống thì sự thật hé lộ dần mà không cần phải cố gắng tu tập, rèn luyện gì cho mệt, để rồi đã bản ngã đang tham-sân lại chồng thêm cái bản ngã tu luyện để theo đuổi lý tưởng thấy ra sự thật nào đó thì chính là lại tự trói buộc mình trong cái lý tưởng giác ngộ mà thôi.
Con xin cảm ơn Thầy...
TRẢ LỜI:
Sādhu lành thay! Quả thật đúng như thế!...
Thầy Viên Minh - Tổng hợp từ các Hỏi & Đáp với Phật Tử.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét