Chân lý

Nhận diện "cái Ta hành thiền"

12/09/2018 12:04:00 CH

...Kính thưa Thầy, Thầy cho con hỏi:
  1. Lúc tọa thiền, ban đầu con theo dõi hơi thở, sau khi thấy vọng tưởng thưa đi con chuyển sang nhận diện vọng tưởng. Có khi con bị vọng tưởng lôi đi một đoạn (con không rõ thời gian bao lâu), nhưng cũng có lúc con thấy nó ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện. Mỗi lần con biết có vọng tưởng thì vọng tưởng liền mất. Rồi vọng tưởng khác lại nổi lên…, cứ thế cho đến hết buổi ngồi thiền. Kính thưa Thầy, khi con thực hành như vậy trong lúc tọa thiền có phải là con đang “quán tâm trên tâm” không?
  2. Cũng có lúc trong thời tọa thiền vọng tưởng nổi lên nhiều quá thì đầu con bị căng, thường khi đầu bị căng thì chân cũng bị đau nhức đến không chịu được, dù con biết là không nên tìm cách đừng cho vọng tưởng nổi lên, chỉ cần biết có vọng tưởng thôi, đồng thời chân đau thì biết là chân đau thôi không cần tìm cách tránh cái đau đó. Tuy nhiên, không biết trong vô thức khi thấy vọng tưởng nổi lên nhiều quá hoặc khi chân đau nhiều quá con có “đè” nó không, nhưng những lúc đó đầu con bị căng, thậm chí có lúc bị đau đầu.
Những lúc đầu căng đồng thời với chân đau nhức như vậy nên dù chưa hết thời gian ngồi do mình đặt ra con cũng phải xả thiền. Vì kinh nghiệm bản thân con là nếu cố chịu đựng để vượt qua cái đau ở nơi chân và căng đầu đó, thì sau khi xả thiền con bị căng thẳng lắm. Sau những thời thiền như vừa nói nếu không kiềm chế hoặc tìm cách tránh tiếp xúc với người khác thì con thường xẳng giọng với người mình tiếp xúc.
Con nghĩ mình đã thực hành bị sai cái gì đó trong lúc tọa thiền, nhưng không nhận ra cái sai đó là gì.
Thưa Thầy, con phải làm như thế nào cho đúng pháp? Cúi xin Thầy từ bi chỉ dạy. Con thành kính tri ân Thầy.
TRẢ LỜI:
Con đã cảm nhận đúng khi nghi ngờ trong pháp hành của con còn có gì đó chưa ổn.
"Nhận diện vọng tưởng" tuy giống như "niệm tâm" nhưng không phải là niệm tâm. Nếu con cố nhận diện vọng tưởng thì có vẻ như con đang chờ vọng tưởng đến, như vậy con đã có khái niệm "vọng" trước khi nó đến rồi. Trong thiền, điều này được gọi là đặt cày trước trâu thay vì trâu đi trước cày.
Và khi con chọn chuyển từ theo dõi "hơi thở" sang nhận diện "vọng tưởng" thì rõ ràng là có một cái Ta chủ ý làm các việc theo dõi, chuyển và nhận diện, vậy là có năng (chủ thể)sở (đối tượng), tức có ngãpháp rồi! Vậy thì làm sao mà không, vô tướng, vô tác, vô hành, vô vi, vô cấu được?
Tiếc thay là người ta cứ hành thiền mà không thấy ra được điều này!
Bốn từ "theo dõi hơi thở" và bốn từ "nhận diện vọng tưởng" đều thuộc về khái niệm chế đinh (paññatti) vì vậy đó là hành động hữu, tướng, tác, cầu trong thế giới tục đế (sammuti) do đó cách hành của con vẫn còn trong lĩnh vực thiền định chứ chưa phải thiền Vipassanà. Thiền định thì vẫn còn năng (người quan sát) & sở (đối tượng được quan sát) và mang tính đối trị, mà còn đối trị thì vẫn còn dồn nén, căng thẳng.
Niệm tâm hay nói đúng hơn là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác đối với những trạng thái diễn biến của tâm. Nhưng niệm tâm không phải là đem tâm này nhận diện hay niệm tâm kia mà là tâm tự biết chính mình. Tâm có khả năng vừa biết đối tượng vừa biết chính mình. Khi tâm phóng dật theo đối tượng (không tinh tấn) nó bỏ quên chính mình (thất niệm) và đương nhiên mê mờ với chính mình (không tỉnh giác). Vì vậy thái độ tâm tự quay về (tinh tấn) trọn vẹn với chính mình (chánh niệm) và không còn tự mê mờ nữa (tỉnh giác) nên gọi là tâm tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, hoàn toàn bặt dứt năng (chủ thể) niệm & sở (đối tượng) niệm.
Vậy một tâm rỗng lặng trong sáng và tự trọn vẹn soi rõ chính mình mới thật sự gọi là niệm tâm. Rất nhiều hành giả tưởng rằng lấy tâm này niệm tâm kia nên chỉ chuốc lấy căng thẳng mệt mỏi trong ảo tưởng thôi vì trên thực tế trong mỗi giây phút chỉ có một tâm thì làm thế nào lấy tâm này niệm tâm kia được!
Có lẽ con không nên ngồi thiền "đúng giờ quy định" để tiếp tục "theo dõi hơi thở""nhận diện vọng tưởng" theo cách có người theo dõi đối tượng hơi thở được theo dõi, hay có người nhận diệnđối tượng tâm được nhân diện như vậy nữa.
Lúc nào tâm cũng có thể cảm nhận trạng thái thở trong chính nó. Với đi đứng ngồi nằm cũng như mọi hoạt động của thân, thọ, tâm và pháp, tánh biết đều có thể tự biết được trong chính những sự kiện ấy mà không cần một cái Ta điều khiển hay chọn lựa đối tượng nào.
Hãy buông thái độ lăng xăng của "cái Ta hành thiền" cùng với những quy định của nó thì tánh biết liền tự biết "hành thiền" một cách tự nhiên và vô cùng chính xác. Chắc chắn trong đó sẽ không còn căng thẳng mệt mỏi nữa...
Thầy Viên Minh - Trích Hỏi & Đáp với các Phật tử.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét