...Kính bạch thầy, con đang gặp câu hỏi này, thấy thú vị quá nên xin được hỏi Thầy ngay. Thời gian gần đây con cảm thấy biết ơn nhiều người. Và hầu hết những người mà con nói lời cảm ơn đều sống vô cùng đơn giản, đều có ý không cần phải cảm ơn nhiều vậy đâu.
Con ấn tượng và quý trọng sự đơn giản chân thật ấy! Nhất là khi so sánh với sự khước từ thường mang tính đãi bôi nhưng trong lòng sung sướng thưởng thức, khá phổ biến với người ngoài Bắc. Con nhận thấy chính mình cũng đã có những lần phản ứng như vậy, điều này con chỉ nhận ra sau khi nghe pháp từ Thầy. Do vậy mà gần đây con đã gạt đi được những lời tán dương quá sự thật. Ngày hôm nay, con lại nhận được lời cảm ơn chân thành từ một cậu em mà con hay lắng nghe chia sẻ. Trong con có 2 phản ứng cùng lúc:
- Một là "khỏi cảm ơn chi", vốn chưa từng bao giờ mình nghĩ mình đang làm ơn gì cả. Bản thân việc chia sẻ là vui rồi. Thêm nữa, xung quanh mình biết bao tấm gương giản dị thế kia, với những chuyện đáng kể hơn nhiều. Thêm nữa cẩn thận nhận lời cảm ơn thì nuôi ngã mạn lúc nào không hay.
- Hai là ừ nếu mình ở vị trí của cậu em ấy thì cảm giác biết ơn và muốn nói cảm ơn cũng rất dễ hiểu, và mình cũng xứng đáng nhận thôi.
Cuối cùng thì con vẫn khước từ lời cảm ơn ấy. Điều làm con thú vị suy nghĩ vì tối nay đọc cuốn "Buông bỏ buồn buông" của Achan Brahm có đoạn :"Trước đây tôi đã khước từ sự tán dương vì được dạy rằng lời khen ngợi khiến cái tôi của chúng ta phát phì. Tôi nghĩ không phải vậy đâu. Thay vào đó, biết tiếp nhận lời khen thì cái bụng, trái tim chúng ta mới là những thứ được hưởng nhiều nhất." Vậy thì khi nhận lời khen, quan sát thế nào để nhận ra ranh giới giữa việc mình đang nuôi ngã mạn, hay đang giúp mở rộng trái tim hơn? Hình như trong con ranh giới đó mong manh, và cả hai đều dễ diễn ra đồng thời ạ.
Con vẫn thực hành hàng ngày. Con xin để dành thư trình pháp vào cuối tháng như bình thường.
TRẢ LỜI:
Con thân mến, Ngã mạn - hay ảo tưởng về một cái Tôi, cực kỳ thông minh. Nó luôn luôn ở thế "trên cơ" mình, nó có rất nhiều bẫy mồi, rất nhiều mánh khóe, đến nỗi thường là khi mình đang hí hửng là đã nhìn rõ và có biện pháp thoát ra, thì cũng là lúc mình bước chân vào một cái bẫy khác của nó.
Khi chúng ta tự trách móc và ân hận rằng mình là kẻ xấu, đó là đang củng cố thêm "cái Tôi" kia, và khi tự cho mình là "người tốt" và tự hào về điều đó, thì chúng ta cũng bành trướng "cái Tôi" của mình lên tương ứng. Bởi vì tất cả đều xoay quanh tiền đề "cái Tôi", dù tốt hay xấu, cũng đều là Tôi.
Uy tín của một đại ca xã hội đen được đo bằng số lần vào tù, mức độ máu lạnh và uy quyền với đàn em. Giá trị của một người tự cho mình là mẫu mực dựa trên những hành động "tốt đẹp và cao thượng" anh ta theo đuổi - "tốt" theo định nghĩa của riêng anh ta hoặc của một đám đông nào đó. Dù "tốt" hay "xấu", cả hai đều tự hào về nó, lấy nó làm tiêu chuẩn sống và thước đo để khằng định giá trị của bản thân. Chẳng ai ít ngã mạn hơn ai cả.
Mục đích tu tập không phải để trở thành một người tốt, mà trở thành một người trí tuệ, không còn ô nhiễm và đau khổ. Cố gắng "trở thành" một người tốt khác với việc làm điều tốt chỉ đơn giản bởi vì đó là việc tốt, là việc tâm mình thấy nên làm. Tốt chỉ là một hệ quả của trí tuệ.
Bậc trí tuệ đã vượt ra ngoài tốt xấu, vị ấy hành động không dựa vào tiêu chuẩn tốt- xấu thông thường nữa, bởi vì thiện lành đã trở thành bản chất. Bậc trí tuệ luôn luôn thiện lành, trong mọi hành động, lời nói và suy nghĩ mà không cần phải tự uốn nắn mình theo điều thiện. Bởi vậy nên gọi là bậc Thiện Trí: vừa trí tuệ vừa thiện lành.
Cảnh giác đối với tâm bất thiện trong mình là tốt, nhưng con cũng không cần phải quá sợ hãi ngã mạn đến mức không dám nhận lời cám ơn như thế. Dù thế nào mình cũng vẫn đang bị trói buộc trong cái lưới khổng lồ của ngã mạn, không nên vùng vẫy loạn để bị thít chặt hơn, mà hãy quan sát và tìm hiểu cái lưới ấy để khéo léo gỡ dần.
Thầy cũng thường xuyên nhận được những lời cám ơn, thật lòng cũng có, mà khách sáo, đãi bôi cũng có. Những lời khách sáo thì thầy kham nhẫn chịu đựng. Quả thật là khó kham nhẫn khi phải mất thời gian vào những việc vô ích như vậy, nhưng sống giữa cuộc đời làm sao mà tránh được hết. Cái mồm của họ, họ có quyền nói cái gì họ thích, âu cũng là cơ hội để quan sát tâm mình và rèn luyện sự kham nhẫn. Việc họ nói là việc của họ, chẳng liên quan gì đến mình, việc của mình là chánh niệm và quan sát chính mình, như vậy sẽ không phản ứng, không thất vọng. Tuy nhiên, có những lúc vẫn phải đáp lại bằng những lời vô ích theo thủ tục của thế gian, để bảo vệ mình tránh khỏi những phiền phức vô ích. Trường hợp ấy thì quả thật mệt mỏi và vô nghĩa, vì vậy tránh né được thì phải tránh né ngay.
Những lời thật lòng, có khi thầy hoan hỷ, có khi nhìn nhận như một sự việc khách quan đang diễn ra - đó là việc của người nói, không phải việc của mình, không liên quan đến mình. Duy trì tâm xả và chánh niệm. Khi hoan hỷ, không phải thầy hoan hỷ vì được cảm ơn, mà hoan hỷ cho người ta, đồng thời hoan hỷ với chính việc thiện mình đã làm, khác với tự hào, kiêu ngạo đầy ngã mạn. Thầy hoan hỷ vì họ được lợi ích từ việc thực hành pháp, vì những việc thiện mình đã làm, vì những cố gắng của mình đã không uổng phí, đã giúp ích cho người. Thông thường khi ấy thường kèm theo tâm từ đi cùng.
Hoan hỷ với việc thiện, với điều tốt đẹp, thành công, hạnh phúc của người khác là tâm Hỷ, một trong 4 loại tâm cao thượng, gọi là Tứ Vô lượng tâm - vì nó rộng mở vô lượng vô biên, đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Lòng tri ân, lời cám ơn thật lòng không dễ có, càng không dễ nói ra. Đó là một việc thiện, rất thiện.
Đức Phật nói rằng: có hai loại người khó tìm trên đời, đó là người biết ơn và người biết trả ơn. Khi chúng ta để cho người khác có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn, tức là đang giúp họ làm được việc thiện khó làm đó. Nếu chúng ta có suy nghĩ đúng, nếu động cơ chúng ta giúp đỡ họ là chân thành và trong sáng, thì tâm chúng ta sẽ chỉ có tâm từ và lòng hoan hỷ chứ không phải là ngã mạn. Đồng thời nó cũng khiến chúng ta thêm tự trọng bản thân mình, thêm tự tin và động cơ để tiếp tục làm điều tốt đẹp, để thấy cuộc sống mình ý nghĩa và lợi ích. Khi nhận lời cám ơn hợp lý như vậy, một vài lời hoan hỷ, lời khích lệ hoặc thậm chí chỉ là sự im lặng lắng nghe, ghi nhận cũng đủ tạo nên một hiệu ứng tốt đẹp cho người ấy.
Đó cũng là cơ hội để mình tu tập tâm Hỷ, tâm Từ bi, thậm chí tâm Xả, là những loại tâm thiện không dễ khởi sanh trong cuộc sống này. Hỷ làm tiêu trừ tâm ghen tỵ, một loại tâm bất thiện rất phổ biến trong xã hội ngày nay, loại tâm gây đau khổ cho người khác và hành hạ chính bản thân người đang ghen tỵ.
Lòng Tri Ân thường đồng hành với Tín, là một trong 5 phẩm chất tâm làm nền tảng cho sự phát triển tâm linh của mỗi chúng ta: Tín - Tấn - Niệm - Định - Tuệ. Các bậc giác ngộ là những người đã tu tập để phát triển 5 phẩm chất hay 5 năng lực tâm linh này đến mức cao nhất. Tín là đức tin. Khi biết ơn Đức Phật vì những lợi ích của Pháp hành đem lại cho cuộc đời chúng ta, thì trong ta cũng khởi sanh đức tin với ngài, với con đường ngài đã truyền dạy. Khi có thêm đức tin với Đức Phật, với Giáo Pháp và với chư Thánh tăng, những người đã và đang chỉ dạy lại con đường ấy cho chúng ta, lòng biết ơn cũng sanh khởi một cách tự nhiên. Cũng như Đức tin, lòng biết ơn là một tài sản quý, nó giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trong cuộc sống của mình. Nó giúp ta trân trọng mọi thứ đã đến trong cuộc đời - dù tốt hay xấu, và sử dụng chúng một cách thích đáng.
Tất cả mọi thứ diễn ra trong cuộc đời chúng ta chỉ là chất liệu cho sự trưởng thành và giác ngộ. Thực hành Pháp là chúng ta đang học cách sử dụng những chất liệu đó một cách hiệu quả để đem lại trí tuệ. Nếu không thực hành Pháp, chúng ta chỉ phung phí nó, tệ hơn nữa là làm hại chính bản thân mình bằng những thái độ tiêu cực như bất mãn, than thân trách phận, vô trách nhiệm với chính mình, buông xuôi, đam mê hưởng thụ và ích kỷ...
Trở lại việc nhận lời cám ơn, dù rằng kham nhẫn chịu đựng hay hoan hỷ hay chánh niệm với tâm xả, việc chúng ta luôn làm - cũng như trong bất cứ hoàn cảnh nào khác - là cảm nhận và quan sát mọi thứ đang diễn ra đó như là những sự kiện khách quan bên ngoài mà không đánh giá phán xét, không can thiệp, thích thú níu kéo hay khó chịu chống đối. Đó là thái độ cần có trong mọi lúc khi chúng ta quan sát: Có những gì đang diễn ra trong hiện tại đó? Chỉ là các cảm giác và cử động trong thân, các dòng cảm xúc và suy nghĩ. Ở bên ngoài, thì đó là các hình ảnh và âm thanh, những lời nói, cảm xúc và trạng thái tâm của người đối diện. Tất cả chỉ là những sự kiện tự nhiên, có liên hệ với nhau, nhưng hoàn toàn khách quan, đến và đi, vô thường. Chẳng có cái nào trong đó là Tôi cả, chẳng có cái nào trong đó là thuộc về mình hay do mình kiểm soát, làm chủ được cả. Chỉ có hiện tại đang tiếp diễn không ngừng. Có cái gì đó còn mãi ở đó mà gọi là "Tôi" được cơ chứ!
Thầy biết là trong thực tế không phải lúc nào con cũng làm được như thế hay nhớ để làm như thế. Nhưng khi nào nhớ, hãy làm như vậy, bất cứ nơi đâu, bất cứ đang làm gì. Khi có sự quan sát, cảm nhận với thái độ đúng như vậy, bản ngã không có đất sống nữa. Nó đã bị nhìn thấu - chỉ là 1 ảo tưởng do tâm mình dựng nên. Sự thật chỉ có các cảm nhận - đang sinh diệt, thay đổi không ngừng. Không có sự so sánh giữa mình với người. Thậm chí không có ý niệm về Tôi, của Tôi, người, của người nữa. Hãy cố gắng thực hành Pháp mọi nơi mọi lúc con ạ.
Luôn luôn nhớ rà soát- cảm nhận - thả lỏng, nhất là khuôn mặt để luôn ý thức về bản thân mình, luôn cảm nhận sâu sắc về chính mình. Hãy chú ý đến thái độ của mình để quan sát và ứng xử đúng Pháp ở mọi nơi. Khi đó, những sự việc như thế này đều là những cơ hội để con quan sát và hiểu chính mình hơn.
Trí tuệ tích lũy dần dần, như từng giọt nước nhỏ đầy bình. Người trí tuệ hiểu mình và hiểu cuộc đời. Thầy chúc con an lành và chánh niệm luôn luôn.
Với tâm từ của Thầy.
Thầy Pannissar (Sư Tâm Pháp) - Trích Thư Thầy Trò
0 Nhận xét