Chân lý

Soi sáng tập khí & tạp niệm để chúng được “siêu thoát”

12/09/2018 12:12:00 CH

...Thưa Thầy, từ lúc nơi con nhận ra và có sự trải nghiệm về thấy Pháp cả bên trong và bên ngoài, con bắt đầu có sự khám phá về vô thức. Trong đời sống mặt hữu thức thực ra chỉ là hoạt động bề nổi và là một phần rất nhỏ mà thôi, còn lại phần lớn là vô thức hoạt động và chi phối, nơi con thấy các chủng tử trong vô thức cũng đầy đủ các đặc tính của cái ta ảo tưởng, cũng là duyên nghiệp trong quá khứ tạo thành. Tuỳ duyên mà chủng tử vô thức tương ứng sinh lên chi phối phần hữu thức thực tại.
Vô thức có hai lớp (con tạm diễn đạt như vậy)
  • Một là: phần sâu ẩn khuất bên trong.
  • Hai là: phần tiếp giáp với hữu thức, phần này liên tục hoạt động dưới dạng ngủ ngầm. Và khi thân tâm tiếp xúc và tương tác với cảnh duyên những thái độ hành vi thể hiện ra bên ngoài (hữu thức) thực chất vẫn bị dẫn dắt và chi phối bới phần vô thức bên trong.
Tuy nhiên cho dù là dưới hình thức nào thì Tánh biết vẫn âm thầm soi sáng. Vô thức có thể chi phối hữu thức, nhưng hữu thức thì không biết vô thức, vô thức hay hữu thức đều có sinh có diệt, còn Tánh biết hoàn toàn độc lập không sinh không diệt và thấy biết được cả hai vô thức và hữu thức. Khi thường biết mình với nội tâm trong sáng quá trình hữu thức hoá vô thức vẫn âm thầm diễn ra nhờ tuệ giác từ Tánh biết.
TRẢ LỜI:
Phải, đúng như vậy!

* * *

Thầy cho con hỏi: khi con đang ngồi đây bất giác một ý nghĩ về việc gì đó, hay là nghĩ về việc trong tương lai, nhưng rồi con nhận ra điều đó, như thế có bị coi là "lấy đá đè cỏ" hay "làm nó ẩn vào vô thức" không ạ? Và nhận ra như thế có được gọi là "tỉnh giác" không? Con xin thầy chỉ bảo cho con. Con cám ơn thầy.
TRẢ LỜI:
Nếu sự nhận ra ấy là trực nhận trung thực khách quan, không bị xen vào nhận định chủ quan của cái Ta tư tưởng thì đó chính là tỉnh giác. Chính sự tỉnh giác này giúp chuyển hóa ý nghĩ khởi lên từ vô thức, tức nói theo Phân tâm học thì đó là hữu thức hóa vô thức, nghĩa là giúp ý nghĩ đó thoát khỏi vô thức chứ không còn bị dồn nén trong vô thức nữa.

* * *

Dạ thưa Thầy, Xin Thầy giảng cho con được hiểu rõ hơn, trong quá trình thiền tập, việc hữu thức hóa vô thức có ích lợi và cần thiết không ạ?
TRẢ LỜI:
Không phải lợi hay không mà là tất yếu. Dù vô thức từ tiềm thức khởi lên (như những khuynh hướng xung động), hay vô thức đang hiện hành do ý thức bỏ quên đều cần hữu thức hoá, nếu không thì lại chìm vào... vô thức, lúc đó nó đồng nghĩa với vô minh.

* * *

Thưa thầy có những hình ảnh, ý niệm bất thiện làm con sợ cứ xuất hiện trong tâm con, con không biết làm thế nào cả nếu quan sát nó thì cả ngày con cứ sống với nó, con thường nhận biết nó rồi quay lại với hiện tại với việc đang làm thì nó mất nhưng thỉnh thoãng nó lại quay lại. Xin thầy giúp con ạ.
Nếu nó xuất hiện con liền buông ra không theo thì nó yếu dần nhưng con sợ trong tương lai khi găp duyên gì đó khiến nó lại quay lại thì mọi chuyện vẫn thế ạ.
Thưa thầy ví dụ hồi nhỏ mình hay có những câu mắng người khác giờ nó khởi lên thì mình buông không theo, không để ý đến nó làm vậy có đúng không ạ?
TRẢ LỜI:
Những gì con làm ban ngày một cách thiếu ý thức sáng suốt (tức với vô minh ái dục) đều được đưa vào vô thức và trở thành những tập khí mà phân tâm học gọi là những khuynh hướng xung động. Những xung động này xuất hiện ban đêm gọi là chiêm bao, xuất hiện ban ngày thành những hình ảnh hay tạp niệm mà con thường thấy. Hàng ngày người ta sống chểnh mảng với vô minh ái dục, rồi vô tình chôn vùi bừa bãi vào vô thức những mầm giống bất an khiến chúng trờ thành những phần tử nổi loạn.
Sở dĩ chúng quấy rầy là muốn nhắc con phải xử sự hợp tình hợp lý với chúng, chúng muốn "siêu thoát" chứ không muốn mãi mãi bị chôn vùi trong bóng tối một cách chểnh mảng vô trách nhiệm như vậy. Chúng là những đứa con hoang mà chính con đã sinh ra, bây giờ con lại muốn "buông" chúng ra, không thừa nhận, hoặc "lờ" chúng đi để quay lại với công việc của con thì chính là đẩy chúng vào vô thức và chôn vùi nó thêm một lần nữa.
Thực ra con đang sợ phiền phức khi phải đối mặt với sự thật và vô tình trốn tránh trách nhiệm. Hãy đối mặt với sự thật để thấy ra chính mình. Trước hết hãy quan tâm đến chúng, hãy nhìn nhận trách nhiệm của con về sự có mặt của chúng để đưa chúng ra ánh sáng, chứ không giam hãm chúng trong bóng tối nữa, đó là cách mà chúng xuất hiện để cần được "siêu thoát".

* * *

Thưa Thầy... con thường hay bị mất chánh niệm. Khi có một suy nghĩ (thất niệm) khởi lên con không nhận ra được nó ngay, chánh niệm chỉ trở lại khi dòng suy nghĩ đã "đi được một đoạn". Thưa Thầy, như vậy có phải chánh niệm của con còn quá yếu? Có phương pháp nào để tập luyện gia tăng chánh niệm không?
TRẢ LỜI:
Do tập khí đã tích lũy lâu ngày trong Bhavanga nên tạp niệm sẽ khởi lên như những xung động vô thức, nếu cái tâm thiếu tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì sẽ bị dòng thác tập khí này cuốn đi mà không hề hay biết. Đó chính là vô minh nên Phật dạy phải thường quay lại thấy nó như nó đang là (Ehipassiko), thấy tức là minh. Điều này Phân Tâm Học gọi là hữu thức hoá vô thức.
Lúc đầu bị vô thức cuốn đi xa rồi mới ý thức lại được, nhưng đừng vội vàng tìm cách xử lý, lấy hay bỏ, vì đó là thái độ tham sân si của bản ngã lý trí, chỉ đẩy tập khí vào vô thức để nuôi lớn nó thêm thôi. Cứ nhẫn nại mà trở về thấy nó tức đang chuyển hoá vô thức thành hữu thức một cách tự nhiên.
Một khối tập khí lớn lao như vậy mà muốn giải quyết được ngay là điều không thể. Đức Phật từ khi khởi tu phải mất 20 a-tăng-kỳ 100 ngàn đại kiếp, một con số không đếm được, mới hoàn toàn Giác Ngộ, còn chúng ta thì cứ hấp tấp muốn thành Phật liền nên mới mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Khởi tu giống như học mẫu giáo nếu không muốn đánh vần sai lên sai xuống mà muốn đọc được ngay mới lạ, đúng không? Cứ từ từ mà học bài học tập khí hay phiền não đó đi, chính nó đang giúp con phát huy chánh niệm tĩnh giác, sao con lại muốn có phưong pháp diệt nó đi? Không có nó thì không bao giờ khai mở được trí tuệ nơi tánh biết của tự tâm con.
Hãy nhớ "quay về là bến", đừng để rơi vào trong quỹ đạo của cái ngã lý trí luôn lăng xăng cho là, sẽ là, phải là... để rồi không bao giờ thấy được Sự Thật...
Thầy Viên Minh - Tổng hợp và hiệu đính từ các Hỏi & Đáp với Phật Tử.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét