...N thân mến,
Đọc thư của con thầy có thể thấy con là một con người biết hướng thiện và luôn có ý thức vươn lên tự hoàn thiện bản thân mình. Đó là một phẩm chất tốt đẹp rất đáng quý con à. Con yên tâm, miễn là con có tấm lòng chân thành muốn tự hoàn thiện bản thân mình, mọi thứ trong cuộc đời sẽ dần dần thuận theo và giúp cho con thực hiện được điều đó.
Sống thật với chính mình là dám can đảm nhìn thật rõ tất cả mọi động cơ sâu kín nhất trong tâm mình. Chúng ta luôn luôn sợ hãi phải đối diện với chính mình, với tất cả mọi thứ xấu xa, khiếm khuyết trong mình, vì vậy chúng ta cố tình không nhìn thấy những điều đó. Lâu dần, nó trở thành một cơ chế hoạt động tự động của tâm, không nhìn thấy những khiếm khuyết trong mình và cố duy trì, tô vẽ một cái TÔI tốt đẹp về chính mình. Điều đó là chúng ta trở nên “mù quáng” và xa lạ với chính mình. Đó là cơ chế cái ngã được củng cố và ngày càng phình to ra.
Trải qua một quá trình tự quán sát lâu dài, thầy mới nhận ra được một điều là: để nhìn thấy được những khiếm khuyết của mình là một điều thật khó, vô cùng khó. Đôi khi chúng ta nhìn lại được chính mình rõ hơn nhờ phản ứng của những người mình tiếp xúc. Những phản ảnh mình nhận được từ người khác giống như chiếc gương soi, giúp mình nhìn được cái lưng của mình mà bình thường không dễ gì nhìn thấy. Và ngay cả trong trường hợp ấy, việc mình hay làm nhất vẫn là tự lấp liếm biện hộ cho chính mình, rằng “cái tính của tôi nó thế”, hoặc cố tình nhìn sự việc một cách khác đi để bảo vệ cho cái hình ảnh tự tô vẽ về chính mình. Tâm mình như đứa trẻ hư, bố đánh thì mẹ bênh, nên mãi chẳng bao giờ nên người.
Do vậy, có sự can đảm nhìn nhận như thật về chính mình là một phẩm chất rất cần thiết để mình ngày càng trở thành con người tốt đẹp hơn. Khi nhìn nhận rõ về những động cơ trong tâm mình, chúng ta sẽ phát hiện ra đó là một con người khác hẳn với hình ảnh về chính mình mà mình vẫn nghĩ. Điều đó đôi khi cũng rất sốc. Nhưng hãy nên nhớ rằng, đó chỉ là những cái tâm đang thể hiện ra để cho chúng ta thấy rõ sự thật, các trạng thái tâm thì luôn thay đổi, chúng không phải là mình, chúng ta chỉ nhìn rõ chúng và dần dần định hướng dòng chảy của tâm theo hướng đi lên ngày càng tốt đẹp hơn. Khi nhìn nhận rõ về tâm như vậy, chúng ta sẽ đỡ “sợ hãi” khi đối diện với đủ loại xấu xa trong mình, làm giảm nhẹ sự “tự đồng hóa” chính mình với các trạng thái tâm đó, và tự tin hơn, sẵn sang thay đổi chính mình.
Bước thứ hai sau khi nhìn nhận rõ tất cả mọi động cơ, mọi trạng thái tâm tốt-xấu của mình là nhận thức được những hậu quả của các trạng thái tâm “xấu” (bất thiện) luôn đi kèm và sẵn sàng sinh ra các trạng thái phiền não như giận, buồn, bất an, tham, ghen tỵ…đều là các cảm giác khó chịu, làm suy giảm chất lượng tâm cũng như chất lượng cuộc sống. Các trạng thái tâm tốt, hay “thiện”, đem lại cảm giác an vui như trạng thái tâm bình an, vui vẻ, hạnh phúc, rộng rãi, yêu thương, thanh thản….
Khi đã nhận thức rõ ràng bằng sự quan sát thực tế tâm mình như vậy, tâm sẽ tự động chọn lựa phát triển những trạng thái tâm tốt và lánh xa các trạng thái tâm xấu, để tâm ngày càng an vui hơn, sáng suốt và ổn định, bình an hơn. Trí tuệ chọn lựa điều đó. Đó là một quá trình chuyển hóa lâu dài.
Trong khi chờ đợi sự chuyển hóa đó đến, chúng ra phải thực hành chánh niệm, để ý thức về bản thân mình và quan sát mình trong mọi lúc, đồng thời chủ động hướng tâm mình: phát triển các tâm thiện và đoạn trừ các tâm bất thiện. Việc gì, sau khi đã quan sát và nhận rõ hậu quả của nó, biết nó là bất thiện và mang lại phiền não, bất an thì hãy kiên quyết đoạn trừ. Lời nói, việc làm hay suy nghĩ nào làm tăng trưởng các trạng thái tâm bất thiện đó thì phải suy xét kỹ và tránh xa, không làm-nói-hay nghĩ theo chiều hướng đó nữa. Việc gì là thiện, nói-làm-nghĩ làm tăng trưởng tâm thiện thì hãy quyết định cố gắng làm. Như vậy tâm sẽ dần dần có đà quán tính hướng về các việc làm, suy nghĩ và lời nói thiện.
Tất nhiên lúc đầu rất khó, vì tâm chưa quen được như vậy, nó chỉ dễ duôi làm theo thói quen hay làm bất cứ cái gì nó thích. Hơn nữa do sự thiếu chánh niệm, quan sát về bản thân mình nên không phân biệt được ranh giới đâu là thiện và đâu là bất thiện, không biết việc gì làm mình khổ, việc gì làm mình an vui. Do vậy, chánh niệm-hay sự ý thức về bản thân mình từ cấp độ thô như hành động, cử chỉ, các cảm giác trong thân mình, đến cấp độ vi tế như các trạng thái cảm xúc và hoạt động suy nghĩ, định kiến…của tâm mình, là điều cực kỳ quan trọng để định hướng được cho tâm.
Lúc nào chủ động phát triển các trạng thái tâm tốt, hạn chế tâm xấu, lúc nào để tự nhiên để quan sát, chứ không phải để tự nhiên cho cái xấu thể hiện, muốn làm gì thì làm như con đã hiểu nhầm. Cần phải linh hoạt và sáng tạo. Càng tu học con sẽ càng khéo léo hơn trong những chuyện đó.
Thầy nói sơ qua cho con hiểu một chút và tự tin hơn về con đường mình sẽ đi, để hướng tới một cuộc sống tâm linh tốt đẹp, hướng tới sự hạnh phúc, bình an và trí tuệ ngay trong cuộc sống này. Hãy cố gắng nhớ thư giãn khuôn mặt và cơ thể mình trong mọi lúc, bất cứ lúc nào nhớ ra con nhé. Đó là một cách để con giải tỏa bớt những trạng thái tâm phiền não và đưa chánh niệm trở về một cách nhẹ nhàng. Hãy luôn tự biết mình, tập ngồi thiền thư giãn và cảm nhận hơi thở vào ra, tập quan sát các cảm giác đang thay đổi trong mình, tập nhận biết các trạng thái tâm: tham, sân, ngã mạn, ích kỷ, bình an, thanh thản, buồn, sợ, cô đơn…tất cả, hãy ghi nhận và quan sát nó.
Hãy bắt đầu như vậy thôi, từ từ, step by step, dần dần con sẽ hiểu được chính mình và có được sự an vui, trí tuệ trong tâm mình...
Thầy mong con có nhiều nghị lực và niềm tin để phát triển bản thân mình. Chúc con luôn an vui và tu tập với nhiệt tâm...
Với tâm từ của thầy
Thầy Pannissar (Sư Tâm Pháp)
0 Nhận xét