Chia sẻ

Tám về... cái gọi là TA

3/14/2012 10:38:00 SA

Trong thế giới tâm linh, khái niệm cái TA-bản ngã có rất nhiều định nghĩa từ các trường phái khác nhau. Tóm lại khi nói đến bản ngã tức là nói đến ý niệm về cái TA - một cá thể là chính mình tự tồn tại độc lập. Quan niệm rằng mình có thể tự tồn tại độc lập với mọi thứ xung quanh là nguyên nhân gây ra đủ thứ xấu xa như tính cao ngạo, ích kỷ, cố chấp, tham lam, chìm đắm si mê, như hành động bạo lực, tranh giành, sở hữu, vv... Tất cả các trường phái tâm linh đều nhận định rằng cái TA cao ngạo, hay ngắn gọn là bản ngã cần phải được nhận diện và dẹp bỏ. Không biết mọi người thấy thế nào, nhưng với riêng mình, điều này không ngờ lại dẫn đến xung đột trong nội tâm.

Đang sống bình thường, dù có đau khổ phiền não cỡ nào thì ít ra cũng tin chắc đầu óc mình không có vấn đề, là loại thần kinh lành lặn. Giờ tìm hiểu tâm linh, tự nhiên người ta nói cái ý niệm thâm căn cố đế về sự tồn tại của chính mình có vấn đề, là xấu xa, cần phải tống đi. Rồi còn giới thiệu cái gì vô ngã. Không có ai cả, kể cả mình, vậy cái gì đang tồn tại sờ sờ đây thì tính sao? Thế là đâm loay hoay, làm gì cũng không được tự nhiên. Nhắm mắt, khoanh chân (thiền ấy mà) suy ngẫm hoài, nhiều khi nghi ngờ không biết mình có là người bình thường hay không nữa.

Buồn là hình như tất cả điều này không phải lỗi của mình thì phải, Từ bé đến lớn, cha mẹ, rồi thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp ai cũng khuyến khích phải nỗ lực, phấn đấu, để có cái này, để được cái kia. Bây giờ lại có người nói phần lớn những phấn đấu đó đều sai lầm. Vậy chả lẽ cả thế giới này là sai lầm hay sao?

Nghe vị này nói A, vị kia nói B, sách nọ nói C,... tất cả dẫn mình quay vòng vòng, chả đi đến đâu. Không biết thế nào chứ mình lại thấy thương cái bị gọi là Ta - bản ngã này. Nó nghe ai nói gì hay là muốn học hỏi, làm theo. Đôn đáo hết chạy sang Đông, rồi sang Tây, cuối cùng vẫn bị kết tội vô minh, tham lam, ích kỷ, nguyên nhân của mọi phiền não. Thôi từ giờ không nghe ai hết, thử tự mình xem xét, nhìn lại và khám phá xem cuối cùng sự thật ra sao? Sau một thời gian thực hành, không ngờ tự mình tìm hiểu lại có vẻ khả quan hơn mới hay chứ. Lúc đó chợt nhớ tới câu nói của Đức Phật:"Only the moment you reject all help are you freed".

Khi hướng tâm tới chính mình, thì chỉ thấy thân với năm giác quan, và tâm với ý thức và tàng thức. Tất cả chỉ đơn thuần là danh và sắc, sự vật và ý thức. Nếu bảo cái TA - cá thể là một tổ hợp của thân và tâm thì càng gay go, vì cái thân này tồn tại hoàn toàn nhờ vào điều kiện sống xung quanh, nếu không chắc chắn sẽ hư hoại, còn tâm tư thì xuất hiện một cách tùy tiện và cũng phụ thuộc sâu sắc vào hoàn cảnh và tâm tư mọi người xung quanh, không biết đâu mà lường. Tóm lại là không có một cái gì bất biến và tự tồn tại được trong cả thân và tâm này. Mọi thứ thuộc về thân hay tâm đều xuất hiện do sự xuất hiện của một số thứ khác (duyên sinh) và cũng tan rã như vậy (duyên diệt). Tất cả sinh diệt liên tục trong từng giây phút.

Xem xét cho kỹ thì cái gọi là TA, như một cá thể tự tồn tại độc lập là không có thật. Vậy mà không hiểu sao tất cả các suy nghĩ, ý tưởng, lo toan, cầu toàn đều hướng về một mục đích là lo cho một cái TA độc lập nào đó. Đó không phải ảo tưởng thì là gì?

Nói một cách đơn giản là đi, đứng, nằm, ngồi, hỉ, nộ, ái, ố, đau khổ, phiền não, vui vẻ, hạnh phúc, luân hồi sinh tử đều có thể diễn ra, có điều không thấy một cá thể cố định độc lập nào sở hữu hay hứng chịu những gì đang diễn ra này cả. Chỉ có buồn mà không có cái ta nào buồn, chỉ có đikhông có ai đi. Sự hiện diện của cái gọi là TA chỉ là ảo tưởng.


Chỉ có khổ, nhưng chẳng có người chịu khổ,
Có nghiệp, nhưng chẳng có người tạo nghiệp
Có giải thoát, nhưng không có người đạt giải thoát
Đường thì có, nhưng chẳng thấy người đi
Đại luận sư Phật Âm viết trong Thanh tịnh đạo


Hàng ngày mình bị ảo tưởng này lôi kéo diễn đủ các vai, làm con, làm chồng làm vợ, rồi làm cha làm mẹ, làm nhân viên hay làm sếp. Khi tìm hiểu tâm linh lại còn muốn diễn nhiều vai hơn nữa. Vai đạo sĩ, thiền sinh, phật tử làm từ thiện, rồi có khi thử diễn làm linh hồn nữa vv... kể không hết. Và tất cả các vai diễn đó đều được cha, mẹ, bạn bè, con cái, đồng nghiệp mình mong đợi, xui khiến vì họ cũng đang sống trong ảo tưởng về sự tồn tại cá thể độc lập là chính họ.

Sống trong xã hội thì diễn cho xã hội xem chơi vậy thôi, chứ rõ ràng không vai diễn nào thật sự là mình cả. Thế mà với thời gian vô tình mình đã tự trói mình trong những vai diễn đó, để thỏa mãn những tiêu chuẩn do xã hội đặt ra đó mà. Tiêu chuẩn về kiến thức, tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài, tâm linh, vv...

May mắn làm sao, đột nhiên có lúc tất cả các vai diễn mình đang gánh trên vai được buông xuống. Chỉ cần một khoảnh khắc thôi, bức màn liền được vén lên, sự sống tự nhiên tràn ngập xung quanh, trong từng tế bào, từng hơi thở. Đó là một sự yên lặng hiểu biết thuần khiết vô cùng rộng lớn và kỳ diệu.Tất cả tự nó diễn ra, chẳng cần ai tác động, điều khiển.

Sự sống âm thầm luôn bao bọc mỗi người trong từng suy nghĩ, hành động, lời nói. Thầy Viên Minh có nói:"...đến đi pháp lặng thầm..." thật không sai tí nào. Nó theo chúng ta trong từng bước chân với một tình thương đầy hiểu biết và tha thứ. Đó không phải là trí tuệ và từ bi mà Đức Phật vẫn nhắc đến hay sao? Nếu không từ bi thì làm sao mình có thể khỏi bệnh, làm sao mình có thể sau khi chết rồi lại tái sinh để có cơ hội học hỏi lần nữa từ những sai lầm của mình. Nếu không trí tuệ thì làm sao sự sống tự điều chỉnh được hoạt động của thân-tâm vốn vô cùng phức tạp này để học hỏi, làm việc, sáng tạo.

Nếu nói sự sống thuần khiết này chính là mình cũng đúng, nhưng không chỉ có thế. Đó là một trải nghiệm lớn hơn định nghĩa về một cá thể rất nhiều. Nó giống như được về với mẹ, được về nhà, về với cội nguồn thì đúng hơn.

Mẹ ơi, con thưa nhé!
Con muốn mãi muôn đời
Là đứa con nhỏ bé 
Vòi vĩnh mẹ, mẹ ơi!
- Viên Minh -

Ý niệm về cái TA cá thể nhỏ bé trở nên vô duyên và lạc lõng, như đánh đàn sai nốt vậy. Vì tất cả tự nó diễn ra, từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim, từng rung động trong tâm hồn, chẳng có ai, chẳng cho ai và cũng chẳng cần ai điều khiển.

Như Thầy Viên Minh đã từng chia sẻ:"...Mục đích đời sống của mỗi người chính là đời sống của người ấy. Câu trả lời cho tất cả câu hỏi đã tiềm ẩn ngay trong đời sống của anh ta...". Một cái cây sinh ra nhiều khi chính là để tiến trình quang hợp được diễn ra, cung cấp thêm oxy cho môi trường. Con người được sinh ra có khi cũng để cung cấp thêm năng lượng tinh khiết của những suy nghĩ tích cực, sáng tạo và tình thương cho thế giới. Vậy đối với mỗi người, vai diễn cuộc đời nào cũng là cơ hội để họ làm điều đó.

PT

Những bài viết liên quan

1 Nhận xét