Chân lý

Đâu cần đào bới trong ngôn từ...

9/11/2013 02:02:00 CH

...Thưa Thầy kính, cái thấy biết của Thầy là cái thấy biết của một vị đã thông suốt Pháp học, Pháp hành, còn chúng con như những kẻ đang lạc trong rừng sâu, giữ tâm trong sáng nhưng cũng phải học hỏi bản đồ để ra khỏi khu rừng rậm ấy.

Ví như một người đang ốm cần phải kiêng sương gió mà cứ bắt chước một người khỏe mạnh xông pha ra ngoài trời tuyết thì sẽ không ổn. Con cũng như các bạn ấy còn rất sơ cơ, phiền não thì nhiều mà rất ít hiểu biết về những điều Đức Phật dạy.

Con cũng thảo luận với các bạn ấy rằng: nếu chúng mình không chăm chỉ học những lời dạy của Đức Phật thì cũng giống như toa thuốc mà không chịu đọc thì mong gì được uống thuốc để khỏi bệnh...

Hôm nay con kính trình lên Thầy vấn đề này, kính mong Thầy từ bi soi sáng cho chúng con.

Trả lời:
Pháp học tuy nhiều nhưng chung quy tóm gọn trong Bốn Sự Thật (Tứ Diệu Đế), trong đó bao gồm Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, Thất Giác Chi là cốt lõi của pháp hành.

Trong thời đức Phật, có vị chỉ nghe một câu kệ, một pháp thoại ngắn thì liền đắc đạo quả, còn ngày nay chúng ta có Tam Tạng và cả chú giải nữa mà vẫn không thông, không thấy ra chỗ Phật muốn chỉ dạy là ngay nơi thân tâm mình.

Nếu đã thấy thì cứ ngay nơi thân thọ tâm pháp mà tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, hoặc thận trọng chú tâm quan sát thì sớm muộn gì cũng thấy ra Chân Lý, đâu cần phải đào bới trong ngôn từ mà thấy pháp.

Tam Tạng được dịch ra tiếng Việt còn nhiều chỗ thiếu sót, các vị giảng sư cũng chưa hẳn đã hiểu nghĩa đúng lời Phật dạy nên mới chia ra nhiều tông chi, hệ phái ngày càng nhiều hơn, ngay cả pháp hành cũng chia ra nhiều trường phái thiền với những phương pháp khác nhau, vậy bây giờ biết ai đúng ai sai và biết tin ai để học?

Do đó chỉ cần được những người có thực chứng chỉ bày cho nguyên lý tu tập thì cứ ngay nơi thân thọ tâm pháp mà thấy ra Sự Thật, như Kinh Tứ Niệm Xứ đã dạy là được, đâu cần phải qua ngôn ngữ đã bị tam sao thất bổn?

Viên Minh
trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét