Chân lý

Làm thế nào để biết thiền đạt được kết quả?

4/29/2014 02:35:00 CH

...Kính bạch sư! Làm thế nào để biết mình thiền đạt được kết quả?

Trả lời:

1. Thấy ra trong hành động, nói năng, suy nghĩ những sai lầm như tham, sân, si, ngã mạn (kiêu ngạo), tà kiến (nhận thức sai lầm), ích kỷ, đố kỵ, v.v...

2. Thấy ra mọi hoạt động của thân - tâm chỉ là sự tương giao vận hành vô chủ giữa danh (cái biết) và sắc (cái được biết).

3. Thấy ra mọi hiện tượng đều vô thường sinh diệt.

4. Thấy ra nhận thức sai lầm và hữu vi tạo tác (hành động theo ý đồ của bản ngã) là nguyên nhân của khổ đau và trói buộc.

5. Thấy ra trong sự vận hành của thân - tâm và vạn pháp hoàn toàn không có cái Ta.

6. Thấy ra ý niệm "Ta", "của Ta", "tự ngã của Ta" chỉ là ảo tưởng nên không còn ngã kiến (Ta biết), ngã thủ (cái biết của Ta).

7. Thấy ra mọi chế định tục đế (giới luật, phương pháp) đều không hoàn hảo nên không chấp trước vào bất cứ hình thức nào.

8. Thấy ra trong thực tánh chân đế (sự thực tuyệt đối) thì tánh biết và pháp đã tự hoàn hảo nên không còn phân vân nghi hoặc.

9. Thấy ra không cần nương tựa và bám víu bất kỳ sở đắc (thành tựu đạt được) nào nên không còn tham ái để trở thành (không còn chỗ sinh y).

10. Thấy ra không có ngã (Ta), nhân (người), chúng sinh, thọ giả (sinh mệnh) nên không còn ngã mạn (kiêu ngạo), trạo cử (lăng xăng) và vô minh (không thấy rõ thực tại).

Trong mười điều trên, con thấy được chừng nào thì chính là "đạt được kết quả" chừng đó...



...Kính thưa Thầy... con thấy con người mình vô minh và phức tạp lắm. Cái tốt xấu gì cũng có. Nên bây giờ con chẳng dám tin gì ở mình cả và cũng chẳng dám thần tượng và tin ai cả. Cộng với từ thuở nhỏ đến giờ, con luôn bị người khác lợi dụng và gạt gẫm nên tâm nghi hoặc của con rất nhiều.

Vậy xin thầy chỉ dạy con làm sao để ứng phó với người đời, kể cả cha mẹ anh chị em và bạn đạo? Thành kính tri ân Thầy.

Trả lời:

Trong 10 điều "thấy ra" mà thầy đã trả lời thì như vậy là con đã thấy ra điều thứ nhất. Có điều nếu con thấy sâu hơn nữa thì con sẽ thông cảm với mọi người, vì ai mà chẳng sai lầm, không sai lầm làm sao mà học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi để có thể Minh - Hạnh - Túc như Phật?

Có vị Phật nào chưa từng trải vô số sai lầm mà thành Phật đâu? Không trải qua sai lầm làm sao Ngài biết được chúng sanh sai lầm như thế nào mà từ bi khai thị và chỉ đường giác ngộ?

Vậy là con chưa thấy hết sai lầm của mình đâu, hãy thấy nữa đi, cho đến khi nào chẳng còn nghi ngờ, phê phán hay thiên vị ai cả thì con mới thực chứng được điều thứ nhất.

Nhiều người bỏ qua khâu "thấy ra" thứ nhất này để muốn tu luyện cho mau giải thoát thì thật là sai lầm trầm trọng!!!

Thực ra khâu thứ nhất này là khâu khó chứng nhất, nếu chứng được khâu này thì mấy khâu sau tưởng là khó lại dễ dàng hơn nhiều...


...Kính thưa Thầy, đọc câu hỏi của một Phật tử: "... sau một thời gian học Pháp Thầy, con thấy con người mình vô minh và phức tạp lắm...". Con thấy giữa chúng con như đối lập nhau vậy.

Con có số may mắn, luôn gặp những người bạn tốt, và những người thân đều là những con người rất hiền lương. Vì vậy, con không nghi kỵ ai cả. Từ khi được học Pháp Thầy đến nay, con thấy mình thay đổi rất nhiều. Con sống rất nhiệt tình với mọi người bằng tất cả tấm lòng chân thật... Người khác tốt xấu như thế nào đối với con không quan trọng, tất cả tùy duyên. Con chỉ nhìn vào tâm mình, xem tâm mình có đủ chân thật trong nói năng hành động từ thô thiển đến vi tế không?

Vì cái ta ảo tưởng này, nó quỷ quyệt khó lường, khéo lừa phỉnh, khéo biện hộ. Nó thay đổi vô chừng, không có gì bảo đảm v.v... Con cũng không đòi hỏi mọi người phải tốt với con... Con chỉ xem mình có xứng đáng để nhận được lòng tốt mà mọi người dành cho con không? Con không ỷ lại hay lệ thuộc vào một vị Thầy hay bậc Thánh mà mọi người tôn kính, sùng bái... Vì con biết vị Thầy hay bậc Thánh chỉ có thể chỉ bày cho con người nhận ra chân lý sẵn có nơi mỗi người. Và chính họ phải tự mình trải nghiệm nơi sự thật này để học ra bài học Giác ngộ, không ai có thể tu dùm ai cả (ai ăn người nấy no, ai tu người nấy chứng)...Con hiểu rằng duyên nghiệp của mỗi người là bài học mà từ đó họ học ra giác ngộ. Những điều con trình bày đúng không ạ? Kính xin Thầy chỉ dạy thêm.

Trả lời:

Trên lý thì con hiểu như vậy là đúng, bây giờ con cần khám phá sự "một cách trần trụi" mới được. Người hỏi câu hỏi hôm đó nói thấy mình có vô minh, và những cảm xúc phức tạp... chính là không nói lý nữa mà đang khám phá sự "một cách trần trụi", nên đó là chiều hướng rất tốt cho sự giác ngộ giải thoát.

Thấy ra chiều hướng (lý) đúng là tốt, nhưng vào ứng xử thực tế (sự) thì khởi đầu chiều hướng đúng đó lại chính là khám phá cái sai.

Ví dụ như nếu con tự mình thấy ra cái lý ấy thì không sao, chỉ là thấy vậy thôi, nhưng khi con so sánh cái thấy của mình với cái thấy của người bạn ấy thì con lại chưa khám phá ra trong đó đã có ngã mạn rồi. Khám phá ra cái ta đầy tập khí trong đời sống thực tế đó chính là khởi đầu vào sự.

Làm sao một người chưa giác ngộ giải thoát hoàn toàn lại có thể chỉ thấy mặt đúng tốt mà không thấy mặt sai xấu trong chính mình được. Bởi vì theo nguyên lý giác ngộ thì phải thấy Tập Đế, Khổ Đế trước rồi mới thấy Diệt Đế, Đạo Đế. Không thấy Khổ và Tập làm sao thấy Diệt và Đạo, trong khi Diệt chính là diệt Khổ và Tập.

Khi có người thấy được lý, thầy thường chúc mừng "Sādhu lành thay!", vì thấy lý là một bước tiến rất xa trong việc học Đạo, nhưng thực ra nếu người thấy lý chưa trải nghiệm sự để khám phá ra cái ta vi tế trong Khổ và Tập thì người đó vẫn còn kẹt lý. Kẹt lý còn khó gỡ hơn là kẹt sự rất nhiều.

Do đó thầy nói: "Chạy theo cái đúng tốt lý tưởng mà không chịu khám phá cái sai xấu trong đời sống thực tế, chỉ là thả mồi bắt bóng, và vô tình bị cái ta ảo ttưởng dẫn dắt mà thôi"...

Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

1 Nhận xét