Con kính bạch Thầy,
Con xin bạch Thầy, tự ngã trong con đang lầm bầm, cầu toàn về một tương lai phía trước cho nó, nó liên tục tự hỏi không biết mình nên đi con đường nào, lựa chọn của mình có phải là ok nhất chưa? liệu hướng nào là tốt nhất cho mình đây? Học lên cao nữa mà về không làm giáo dục thì uổng công thời gian vì không sử dụng những gì đã đầu tư (vì không thích soạn bài và liên tục cho những chuyến đi giảng dạy ở các trường Phật học).
Vậy thì nó nên dừng lại ở một cơ sở cố định để "luyện công", vừa tự học tự trải nghiệm, dẫn dắt đạo tràng và đệ tự (nếu đủ nội lực) tập làm trụ trù một cơ sở tự viện mà sư phụ nó giao cho, đi giảng pháp chia sẽ pháp tu mà nó thích. Như vậy, thay vì mất 5 năm đi du học tiến sĩ mà về không dụng đúng chỗ thì uổng phí, thì nó có 5 năm kinh nghiệm và một cơ sở để tu tập chứ không lông nhông nay đây mai đó như biết bao tiến sĩ về, xin dạy cũng chưa được (vì hồ sơ xin dạy còn chất đống), mà muốn một cơ sở tu tập độc lập không bị áp đặt thì hoàn toàn phải đi một hướng khác, bắt buộc đầu tư lại từ đầu, theo quy trình từng bước là cố gắng tạo mối liên hệ với quần chúng, xây chùa cất thất, tạo dựng đạo tràng, ít nhất cũng mất 5 năm mà nội dung tâm linh thì khó nói.
Đặt lên bàn cân, thì có vẻ như không đi học nữa là tốt hơn cho nó. (hơn nữa theo như lời khuyên của sư phụ nó, làm thầy tu mà không giảng pháp là như bác sĩ không có bịnh nhân và để độc lập tu tập thì phải làm một thầy chùa vì chưa có chùa trụ trì thầy tu đó khó lòng tu đạo và làm đạo), nhưng làm trụ trì thì nó lại lo sợ ngoại giao và hành chính, vì nó hoàn toàn không muốn dây mơ rễ má (và cũng không có sở trường ấy) mà chỉ muốn theo pháp hành và độ đệ tử đủ duyên, vì theo nó không thể trụ trì mà không dính tới ngoại giao được, mà như vậy nó mất thời gian tu tập của nó.
Rồi nó nghĩ tời một lựa chọn khác. Nó nghĩ có nên chăng ta nên dành 4-5 năm đi hành thiền Vipassana ở một trung tâm nào đó ở Thái Lan (vì nó biết tiếng Thái) hay xin Thầy cho nó gần gũi vì nó đang tu theo Thầy, cho nó được vững thêm lên, mà còn tạo được niềm tin cho quần chúng khi nó chia sẽ pháp tu. Nhưng sư phụ nó dạy, trải nghiệm thì không cần vào thiền viện bên ngoài để coi đó là trung tâm vấn đề cần nhắm đến mà phải xem tâm mình là trung tâm để thiền tập. Hơn nữa, sư phụ nó nhấn mạnh, tự tu, dẫn dắt đạo tràng, có chùa, có trải nghiệm, thì khỏi mất thêm 5 năm nữa sau khi đi hành thiền về mà phải bắt đầu lại (mà cũng không chắc còn cơ sở để...).
Nó nghĩ thêm, vội vã gì với tuổi 31 (sinh năm 1986) đang là, nếu không đi học thì hành thiền 4-5 năm hay thậm chí 10 năm, uy tín, cơ sở, quần chúng thì "hữu xạ tự nhiên hương" lo xa làm gì. Giá trị như trầm hương, thì sâu hút trong rừng người ta cũng moi tới, còn lộng lẫy như sân khấu cải lương thì chỉ để lòe trong đôi ba phút rồi cũng sập màn, diễn sang màn khác. Liên tục đổi màn (sự kiện-quần chúng) vì không có nội dung tâm linh nên thức ăn bắt buộc và duy nhất là hình thức. (Có phải chăng nó đúng).
Con đãnh lễ Thầy đã dành thời gian đọc hết mớ tự ngã đang độc tấu trong con. Con xin Thầy cho con lời dạy. Con kính chúc Thầy tràn đầy sức khỏe. Con kính cảm ơn Thầy rất Nhiều.
Con,
Hậu Bối Kính Thầy
Trả lời:
Điều nào có thể trải nghiệm thực giúp phát huy trí tuệ và đạo đức thì điều đó nên làm, những thứ như trường thiền, trường học chỉ khiến cho người ta lệ thuộc vào phương pháp tu của người khác hoặc chữ nghĩa chế định, không bằng tự học tự hành nơi chính mình để khám phá Sự Thật. Đó mới chính là hướng giác ngộ giải thoát.
Đừng chọn lựa điều kiện bên ngoài (trường thiền, trường học, cơ sở tự viện v.v...) mà hãy quay về bên trong, đọc lại cuốn sách chính mình (thân-thọ-tâm-pháp) trong bối cảnh nhân duyên "sinh nghiệp" riêng của mỗi người. Như vậy mới gọi là sống tuỳ duyên thuận pháp được, đúng theo bát chánh đạo mà đức Phật đã giác ngộ và chỉ bày.
Thầy Viên Minh
Trích Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét