Chân lý

Lòng tin, nghi ngờ và buông xả

4/27/2015 12:13:00 CH

...Mô Phật, kính bạch Thầy...Đầu tiên con xin nói về việc tu tập của con thông qua việc đọc sách và nghe pháp thầy giảng. Theo kinh nghiệm của con thì tuy các bài giảng của thầy về nhiều đề tài và nội dung khác nhau nhưng tất cả đều qui về: Thận trọng - chú tâm – quan sát và sáng suốt - định tĩnh – trong lành. Về lý thuyết cần tìm hiểu thì con không chú trọng học để biết mà chỉ nắm lấy những cái cần biết tùy vào từng giai đoạn tu tập và con có khuynh hướng là tự khám phá thông qua sự dẫn dắt của thầy.

Sở dĩ con không chú trọng là vì khi đọc sách của thầy con không mấy hiểu. Nếu cố hiểu sẽ hiểu sai, nếu xem nó như một môn học toán, lý, hóa chẳng hạn thì sự hiểu đó chỉ để thi lấy điểm chứ chẳng ích gì cho việc tu tập. Tóm lại về phần lý thuyết con căn cứ vào nhu cầu tu tập của con để tìm hiểu cho rõ ràng.

Vế phần thực hành thì với kinh nghiệm của con, quan trọng nơi con cần có là lòng tin và sự nghi ngờ. Lòng tin là để tin vào pháp thầy dạy, còn nghi ngờ là nghi ngờ nhận thức của mình cũng như nhận thức của xã hội. Với con ai có lòng tin vào Phật vào Thầy thì người đó may mắn, còn nghi ngờ chính nhận thức của mình và xã hội thì đó là có trí để thấy ra sự thật.

Khởi đầu của phần thực hành do thầy dạy với con là buông xả, học cách buông xả và biết buông xả là điều kiện tất yếu đi sâu hơn nữa. Theo con một người khi bước vào tu tập nếu không quan tâm đến yếu tố này thì mọi sự tu tập về sau sẽ vô dụng thậm chí còn bị bệnh thiền. Nếu không biết buông xả thì không thể nào chạm được thực tại, việc nỗ lực tu tập theo một phương pháp nào đó sẽ bị kẹt thậm chí sinh bệnh.

Kế đến là học ra các bài học từ cuộc sống. Thông qua sự thành bại, được mất, hơn thua… để thấy rõ tâm Tham, Sân và Si mà với con quan trọng hơn hết đó là điều chỉnh nhận thức. Trước đây cứ có sự việc gì xảy đến là con suy nghĩ cách giải quyết và cứ lối mòn này mà những lo lắng, bất an… hình thành ngay phía sau. Theo con, khả năng tư duy của một con người nếu bị vô minh che lấp thì nó hoạt động như bản năng, còn nếu nó được tánh biết sử dụng đúng thì nó cũng hoạt động tương tự, nhưng hoạt động này nhằm giải quyết các vấn đề có tính trung thực chứ không phải là những vấn đề do ảo tưởng tưởng ra.

Còn sự tĩnh lặng và an lạc không phải là một trạng thái mà nó là kết quả của sự thấy biết, thấy biết càng rõ thì càng ít bị lôi kéo, càng ít bị lôi kéo thì càng tĩnh lặng, mà càng tĩnh lặng thì thấy biết sẽ rõ ràng hơn và an lạc tức là không còn bị bất an, không còn bị ảo tưởng đánh lừa.

Con định viết thêm phần nữa nhưng con thấy dài quá rồi, con sợ phiền thầy nên con dừng tại đây, con cám ơn thầy, người đã tái sinh con.

Trả lời:

Tốt lắm, con đã hiểu đúng, thầy chỉ mô tả những nguyên lý còn mỗi người phải tự mình khám phá những nguyên lý ấy. Quên đi những ngôn từ thầy nói, chủ yếu là qua ngôn từ đó mỗi người tự thấy ra nội dung pháp sẵn có nơi chính mình. Sàdhu lành thay! Chúc mừng con!...

Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét