Kính thưa thầy...Con cảm nhận tuy thầy khoác chiếc áo của hệ phái Nguyên Thủy nhưng trí tuệ và khí chất vô cùng phóng khoáng, hòa nhập với chân lý giác ngộ và những khuôn khổ hạn hẹp của hệ phái tông môn không ngăn ngại được một tâm hồn đã hòa với lẽ thật. Con xin thành kính lễ bái thầy, lễ bái tinh thần "y pháp bất y nhân" nơi thầy.
Con thấy có không ít phật tử Bắc Tông tìm đến với trang web để đặt câu hỏi, đa số cũng còn hoang mang nơi một số kinh sách Đại Thừa. (qua sự tìm hiểu hạn hẹp của con, kinh sách đại thừa đa phần nói về thần thông, sự biến hóa khôn lường của diệu tâm làm khởi lên các cảnh giới vi diệu khác nhau, trong đó có kinh A-Di-Đà và pháp môn Tịnh Độ). Con không biết thầy đã từng nghiên cứu qua các kinh Đại Thừa chưa nhưng nay con tha thiết thỉnh cầu thầy vì rộng độ quần sanh, có thể nào thầy dùng chút thời gian nghiên cứu thêm các Kinh Đại Thừa (như Lăng Nghiêm và 48 lời nguyện của đức phật A Di Đà). Bằng sự tinh thông về Vi Diệu Pháp và Duy Thức Học của thầy, con nghĩ thầy sẽ dễ dàng đi sâu, lý giải được ý nghĩa thiện xảo trong kinh Đại Thừa. Qua đó có thể giúp các Phật tử Bắc Tông có sự hiểu biết rõ ràng hơn chứ không chỉ dừng ở mức tín tâm.
Con lòng thành nhưng tri kiến còn ngu muội, hạn hẹp, nếu thỉnh cầu và lời lẽ của con có điều chi quá đáng, con xin thành tâm sám hối cùng thầy. Con xin chúc thầy sức khỏe và an vui. Con cung kính lễ bái thầy.
Thầy Viên Minh trả lời:
Thầy cũng đã đọc được không ít kinh luận Đại Thừa và nhờ tinh hoa của Phật Giáo Nguyên Thủy mà thầy tìm được yếu lý của Phật Giáo Đại Thừa. Thực ra trong cốt lõi thì hai bên giống nhau, chỉ khác ở chỗ đức Phật chỉ thẳng sự thật, còn chư Tổ Đại Thừa phần lớn dùng biểu tượng hoặc lý luận để ví von hay mô tả sự thật ấy.
Đại Thừa còn gọi là Phật Giáo Phát Triển vì nhắm vào đại đa số quần chúng, mà quần chúng thì thường có hai hạng khác nhau:
+ Một là hạng trí thức thì nặng triết lý nên các Luận Sư đã phát triển mặt triết học lên cao độ qua các bộ Luận của mình như Trung Quán Luận, Duy Thức Luận v.v...
+ Hai là hạng bình dân thì nặng đức tin nên các Tổ Đại Thừa đã phát triển một số Kinh Giáo để đáp ứng mặt tín ngưỡng quần chúng như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm v.v... mà trong đó đạo lý phần lớn được ẩn trong các biểu tượng. Chính vì vậy thời kỳ Đại Thừa được gọi là Tượng Pháp.
Nếu giải mã được các biểu tượng và ẩn dụ thì đạo lý hoàn toàn giống Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng nếu không giải mã được thì một mặt rơi vào triết lý suông, mặt khác rất dễ trở thành mê tín. Trong khi Đại Thừa trên đà đi xuống như thế thì Phật Giáo Nguyên Thủy cũng dần rơi vào "y kinh diễn nghĩa" nặng tính kinh điển ngôn giáo để diễn dịch hơn là thấy ra sự thật mà đức Phật chỉ thẳng trước đây. Chính vì thế mà Phật giáo đang rơi vào thời kỳ mạt pháp!
Lý do thầy không còn giảng giải kinh điển nữa, dù Kinh Nguyên Thủy hay Đại Thừa, vì như vậy chỉ mất thì giờ vô ích để dùng ngôn ngữ diễn giải ngôn ngữ. Trước đây thầy cũng có dạy môn Vi Diệu Pháp so sánh với Duy Thức, và thậm chí có giảng Kinh Pháp Hoa giải mã theo tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy ở Phật Học Viện Phật Bảo, ở chùa Kỳ Viên và Chùa Huyền Không, nhưng đó vẫn chỉ là lý suông không thực sự đem lại lợi lạc thiết thực.
Nên từ năm 2009 đến nay thầy chỉ chia sẽ những gì thầy thấy biết thật sự ngay nơi thực tại đang là, vì đó mới chính là những gì đức Phật và chư Tổ muốn chỉ bày...
Thầy Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét