Chân lý

Thiền Vipassanā trong cuộc sống hàng ngày

11/04/2015 10:46:00 SA

... Thiền minh sát (vipassanā) bao giờ cũng gồm định và tuệ; và khi thực hành thì chánh niệm mang chức năng của định và tỉnh giác mang chức năng tuệ. Vậy, trong tất cả các trường hợp khi đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, lái xe, làm việc tại công sở... hành giả minh sát phải luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác. Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là chánh niệm, tỉnh giác không phải hai trạng thái tâm trí tách biệt, định tuệ tách biệt. Nó là nhất như đấy!

Ví dụ: Sư Minh đang ngồi như thế kia, đang trong tình trạng chánh niệm, tỉnh giác – thì thầy quăng cho sư ấy một trái cam. Sư ấy chụp bắt được liền. Vậy thì sư ấy lấy chánh niệm mà bắt hay lấy tỉnh giác mà bắt? Rõ ràng, chánh niệm thì chỉ mới chú tâm còn chánh kiến mới thấy rõ. Quan sát qua vĩ mô thì có hai, nhưng quan sát qua vi mô thì dường như chúng đồng hiện hữu tức thời, là một. Rộng sâu hơn chút nữa, là ngay khi bắt dính trái cam thì toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần kinh... nó hoạt động đồng nhất để bắt trái cam ấy!

Lấy ví dụ ấy để áp dụng cho mọi loại công việc lúc thực hành minh sát. Nếu công việc chậm thì chánh niệm tỉnh giác ghi nhận chậm, từng đối tượng đi qua đi qua, ta cứ thanh thản ghi nhận. Cứ thanh thản từng niệm thế thôi chứ không cần phải phân biệt đâu chánh niệm, đâu tỉnh giác. Chính sát-na ghi nhận đối tượng như vậy là ta đã có đủ chánh niệm, tỉnh giác rồi.

Lúc các sư chuyền gạch, chuyền ngói từ vị trí nầy sang vị trí kia, từ thấp lên cao... thì chỉ cần chú tâm“nhận”, “chuyền”... là công việc tiếp diễn liên tục – vì ngay khi chú tâm để nhận, để chuyền là có cả chánh niệm, tỉnh giác rồi.

Trở lại với câu hỏi làm nhanh. Thì cũng tương tự thế thôi. Chậm cũng chú tâm, nhanh cũng chú tâm. Chỉ cần chú tâm là đủ. Ông bạn kia làm việc nhanh nhưng có lẽ không nguy hiểm bằng đi xiếc trên dây, không bằng lái xe đua tốc độ. Họ có trạng thái chú tâm cực đỉnh cả đấy. Phải nói là toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần linh đều phải tập trung vào chú tâm. Lơ là, mất cảnh giác, thiếu chú tâm một sát-na là vong mạng!

Chú tâm có mặt trong mọi lãnh vực sinh hoạt của người đời, của xã hội. Có cái chú tâm hướng đến thiện, có cái chú tâm hướng đến ác, có cái chú tâm trung tính không thiện, không ác. Thiện như chú tâm niệm Phật, tụng kinh, hành thiền... Ác như chú tâm giết heo, bò, rình trộm... Trung tính như chú tâm làm vi tính, nghiên cứu khoa học, làm toán, lái xe, rửa chén bát, lau nhà...

Trong Bát chánh đạo, có chú tâm là có chánh niệm, có chánh niệm là có chánh định. Trong thiền định, có chú tâm làm cho tầm, tứ thuần thục để phát sanh hỷ lạc. Trong thiền tuệ, có chú tâm là có chánh niệm, tỉnh giác. Các con phải ghi nhớ điều này: Trong thiền định thì sử dụng tầm, tứ; trong thiền tuệ thì sử dụng chánh niệm tỉnh giác. Đối tượng của thiền định là các đề mục như đất, nước, lửa, gió... Đối tượng thiền tuệ là ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi hoặc thân, thọ, tâm, pháp.

Chú tâm của định và chú tâm của tuệ
Còn nữa, chúng ta cần phân biệt rõ hai loại chú tâm. Ví như 40 đề mục thiền định thì có 40 đối tượng. Loại chú tâm này sẽ đưa đến định. Trong sinh hoạt thường nhật, lăng xăng với moị công việc, nếu chúng ta chú tâm, chăm chăm từng đối tượng thì sẽ sinh ra mệt mỏi vì bị tiêu hao năng lực và còn dễ bị thất niệm nữa. Vậy loại chú tâm với từng đối tượng như thế thì không tương thích, không áp dụng được.

Loại chú tâm thứ hai thì dường như không chú tâm gì cả. Cứ thư giãn, buông xả tự nhiên thôi. Ví dụ như khi chúng ta đang ngồi hít thở đây, cứ lặng yên thở thế thôi, không chú tâm vào đối tượng nào cả, nhưng khi có gì tác động lên thân, lên tâm là chúng ta ghi nhận liền, có chú tâm liền. Loại thứ nhất là cách chú tâm của định. Loại thứ hai là cách chú tâm của tuệ.

Minh sát trong cuộc sống hàng ngày
Khái quát toàn bộ sự tu tập minh sát trong sinh hoạt thường nhật, thầy có thể dẫn ra đây câu kệ của ngài Viên Minh mà thầy đang treo ở thư phòng của thầy:

“Nói, làm thường thận trọng,
Luôn trọn vẹn chú tâm;
Lắng nghe quan sát rõ,
Đến, đi Pháp lặng thầm!”

“Nói, làm thường thận trọng”. Tại sao lời nói phải thận trọng? Nếu lời nói, cử động khẩu không thận trọng thì dễ rơi vào 4 cách nói xấu ác, đó là nói dối, nói 2 lưỡi, ác khẩu và phù phiếm. Tại sao hành động phải thận trọng? Nếu hành động thân không thận trọng thì dễ rơi vào 3 nghiệp ác đó là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Vậy, câu kệ đầu tiên đã ngăn giữ được 7 nghiệp xấu ác trong thập ác nghiệp rồi nên đã hàm nghĩa ta đã có giới.

“Luôn trọn vẹn chú tâm!” Chú tâm nhưng là phải chú tâm trọn vẹn. Chú tâm trọn vẹn cũng có nghĩa là không chú tâm một đối tượng khu biệt nào. Cứ ngồi thế thôi, cứ đứng thế thôi, cứ đi thế thôi, dường như không chú tâm ở đâu nhưng lại là chú tâm tất cả, nó quán xuyến tất cả mọi hoạt động của thân và khẩu. Vậy, câu kệ thứ hai là trầm tỉnh, bình tỉnh, ổn định tâm sinh lý trong mọi lúc, mọi khi - hàm nghĩa ta đã có định.

Có định rồi thì mới “lắng nghe, quan sát rõ” được. Đây chính là tuệ mà ta đã có. Nhờ có định, có tuệ nên cái gì tác động thân tâm, cái gì duyên sinh, duyên khởi qua mắt tai mũi lưỡi thân ý đều được ghi nhận, được lắng nghe, quan sát rõ.

Có giới, định, tuệ rồi thì bắt đầu sống tuỳ pháp, thuận pháp, Pháp là chân lý, là sự thật, nó luôn diễn tiến trong thế giới đang là, ở đây và bây giờ. Chân lý, sự thật không ở Đông, Tây, Nam, Bắc, không ở quá khứ, không ở vị lai, không ở thế giới xa xăm huyễn hoặc, mù sương, bóng khói nào. Pháp luôn là cái cụ thể luôn tác động căn trần thức mà duyên khởi. Phải thấy pháp đó, tuỳ pháp, thuận pháp mà sống, mà ăn nói, mà hít thở, mà mặc áo, ăn cơm - không phải tuỳ bản ngã, thuận bản ngã. Pháp ấy nó “âm thầm, lặng lẽ” lắm. Nó đến cũng âm thầm, lặng lẽ. Nó đi cũng âm thầm, lặng lẽ. Không phải ai cũng hiểu, cũng biết, cũng thấy!

Chúng ta có thể học thông Tam Tạng, có thể có kiến văn giáo pháp rất chi là quãng bác, thâm sâu nhưng không thấy biết rõ pháp đến, pháp đi như thế nào trong sinh hoạt hằng ngày để hiện quán thì cũng coi như bỏ đi!...

Hòa Thượng Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Trích Những bài pháp thoại trong 3 tháng an cư

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét