Bùi Giáng với sư Viên Minh (chùa Kỳ Viên) - Ảnh: gia đình cung cấp |
Đọc “Nét khái quát Ngữ lục Thiền Tông Hoa-Việt” của Học giả Lý Việt Dũng tôi chợt nhớ hai câu thơ của thi sỹ Bùi Giáng:
“Người nằm xuống nghìn xưa còn thấp thoáng
Tôi bước qua từ ngữ rụng hai lần”
Ngôn ngữ có tác dụng hai chiều:
1. Ngôn ngữ là phương tiện chỉ bày Sự Thật
2. Ngôn ngữ là khái niệm che lấp Sự Thật
Ngôn ngữ qua tuệ tri thì Sự Thật được hiển lộ, ngôn ngữ qua tưởng tri thì Sự Thật bị che mờ. Ngôn ngữ tự nó vô tội, chỉ do thái độ tri nhận của tâm thức mà có đúng có sai. Nếu biết sử dụng ngôn ngữ một cách thiện xảo để gợi ý, mô tả hoặc chỉ bày Sự Thật thì đức Phật gọi là trí tuệ vô ngại giải (patisambhida), nhưng dùng ngôn ngữ để kết luận hoặc khẳng định Sự Thật thì chỉ tội đánh lừa, nên đức Phật cảnh báo trong Pháp Cú 72:
Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri
Huỷ phần sáng của mình
Tự chẻ đầu chính nó!
Thiền “bất lập văn tự” nhưng để lại hàng ngàn thi kệ, ngữ lục, thiền ngôn, công án… đầy ắp văn tự, nếu qua văn tự đó mà “lập” thành tư tưởng, quan niệm, khuôn mẫu, định thức, phương pháp… thì đã khai tử thiền mất rồi làm sao kiến tánh được! Nhưng nếu văn tự mà “bất lập” tức không hình thành tư tưởng, quan niệm, kiến chấp… thì ngay đó Sự Thật tự hiển bày không cần tìm kiếm, không cần trước ý, dụng công.
Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, truyền nhân kết tập lời Phật dạy thành kho Tam Tạng Kinh Điển khổng lồ nhưng vì “ý tại ngôn ngoại” nên Phật nói mà dường như không nói lời nào, đó là điều bí ẩn của vô ngôn trong ngôn ngữ, ngộ được điều này cũng đã là một bước ngoặt diệu kỳ. Nên một vị thiền sư đã nói:
Giáo pháp lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay tính lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ như.
Nhưng rồi chắc hẳn ngay cả một “chữ như” vị ấy cũng không cần nhớ nữa. Và tôi tin rằng học giả Lý Việt Dũng sau khi tận tình dịch giải, biên soạn, góp ý… hàng ngàn Thiền Ngôn, Ngữ Lục Việt-Hoa với tâm nguyện cống hiến cho đời, cuối cùng rồi cũng:
Một phen buông hết ngôn từ
Buông luôn cả một chữ như trên đầu
Thong dong thực tại nhiệm mầu
Niết-bàn, Sinh tử… biển dâu khác gì!
Viên Minh
(Trích "Cảm đề" cho "Nét khái quát Ngữ lục Thiền Tông Hoa-Việt" của Lý Việt Dũng)
0 Nhận xét