Bài viết

Doanh nhân, càng thành công thì họ càng cô đơn

6/15/2011 11:40:00 SA

Hồn Việt là công ty đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp dịch vụ Chăm sóc tinh thần, tư vấn và đào tạo tâm lý cho doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp là chị Nguyễn Thị Tâm, một chuyên gia tâm lý. Sau nhiều năm “Lăn lộn” qua nhiều môi trường công việc, người phụ nữ gốc Đồng Tháp này quyết định khởi nghiệp, dù biết chắc nghề này không giàu. Việc mở công ty là để được đóng góp cho xã hội bằng công việc mà mình yêu thích, và có cơ hội chữa lành những vết thương, những khiếm khuyết trong tâm hồn con người.

Dưới đây là những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty ứng dụng Tâm lý Hồn Việt. Cuộc trò chuyện diễn ra tại văn phòng làm việc của chị vào một buổi chiều muộn đầu tháng 6,Chị đã chia sẻ niềm đam mê của chị đối với nghề tâm lý:


Vậy tại sao chị lại chọn ngành tâm lý học?

Tôi mê tâm lý từ nhỏ, thần tượng chị Thanh Tâm phụ trách chuyên mục tư vấn của báoPhụ nữ Việt Nam. Năm lớp 8, đi nhà sách, thấy cuốn Tâm lý học dày cui, dịch từ bản tiếng Nga. Tôi rinh về liền, đọc ngấu nghiến thấy khó quá, không hiểu gì hết. Sau này đi học mới biết đó là cuốn tâm lý học ứng dụng trong thể thao. Việc trở thành nhà Tâm lý của tôi có chút gì đó mang tính “sứ mạng”. Năm lớp 12, khi nộp hồ sơ thi đại học, tôi định thi khoa Văn Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nhưng thầy tiếp nhận hồ sơ “xúi” thi Tâm lý học. Thầy cho biết mới đi họp phổ biến tuyển sinh, “nghe nói” ngành này mới mở nên chưa kịp có mã ngành trong tài liệu hướng dẫn tuyển sinh. Mới chỉ “nghe nói” mà tôi thay đổi quyết định, điền Tâm lý học vô hồ sơ, bỏ trống mã ngành. May mắn là hồ sơ dự thi vẫn hợp lệ. Năm 1993, tôi ra trường. Đến khi đi xin việc thì mới “té ngửa” ra rằng không ai biết có một nghành gọi là tâm lý học. Cú shock đầu tiên !

Vậy mà đến giờ chị vẫn theo đuổi ngành Tâm lý, và còn mở công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc tinh thần cho cả cá nhân và tổ chức?

Trong hơn mười năm kể từ ngày ra trường, tôi “Lăn lộn” qua nhiều công ty, cả quốc doanh lẫn dân doanh, Tôi làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau. Nơi thì đưa tôi về phòng kinh doanh, nơi kia xếp vào phòng nhân sự… Nhưng dù làm ở bộ phận nào tôi vẫn thấy “không đã”, cảm giác như một phần cơ thể của mình không được sống. Thời gian đó, tôi vẫn quan sát nơi làm việc từ góc nhìn của một người nghiên cứu tâm lý, và tôi phát hiện ra hiệu quả công việc bị thấp đi, nguyên nhân từ thái độ làm việc và những xung đột ngấm ngầm của đội ngũ nhân sự, việc áp dụng các giá trị tâm lý vào quản lý con người quan trọng và hiệu quả vô cùng, mà vai trò tạo dựng bầu khí làm việc lành mạnh nơi công sở lại chính do người lãnh đạo. Phải làm gì đây để đóng góp cho sự phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người ? đau đáu trong lòng một câu hỏi. Đó chính là lý do khiến tôi quyết định khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ chăm sóc tinh thần,áp dụng giá trị tâm lý cho các tổ chức và cá nhân. Ngày ra mắt công ty, khách mời, chủ yếu là thầy cô và bạn bè đồng nghiệp, họ đều cho rằng tôi “lãng mạn và liều mạng”. Ở các nước phát triển, việc đi bác sĩ tâm lý là chuyện bình thường. Còn ở nước ta, đây vẫn là một khái niệm khá xa lạ. Khi bị stress, dù nặng đến mấy, nhiều người vẫn… ráng chịu. Nhất là doanh nhân, càng thành công thì họ càng cô đơn, chịu nhiều áp lực. Chia sẻ không phải là thói quen của họ. Chuyện của mình thì chỉ mình biết thôi, cũng có người nghĩ rằng mình tường tận mọi chuyện còn không giải quyết được thì những nhà tâm lý biết gì mà giúp. Càng kìm nén thì càng ức chế, giống như ủ bệnh trong người, lâu ngày sanh “Tâm bệnh” khiến họ chán nãn, mệt mỏi, mất cảm giác về mọi việc xung quanh, không thấy cuộc sống có ý nghĩa…dễ mất định hướng, buông xuôi hay bế tắt trong những quyết định sai lầm. Trong khi về mặt thể lý, chỉ cần nhức răng là lập tức đi nha sĩ, đau bụng là xức dầu, uống thuốc… rồi tìm bác sĩ.

Thêm nữa, từ trước giờ, các chuyên gia tâm lý đã được mặc định là chỉ tư vấn những vấn đề tình yêu hôn nhân gia đình ở các trung tâm của nhà nước. Nhận thức của xã hội về vai trò của tâm lý còn chưa có, huống chi là nhu cầu. Tôi còn nhớ khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, Sở Kế hoạch – Đầu tư TP. Hồ Chí Minh từ chối cấp phép với lý do “chưa có mã ngành nghề cho dịch vụ tư vấn – đào tạo tâm lý và chăm sóc tinh thần”. Mất cả tháng trời “đi lên đi xuống”, tôi quyết định gõ cửa người có thẩm quyền cao nhất, trình bày nguyện vọng. Kết quả là Hồn Việt được cấp mã ngành nghề tâm lý đầu tiên, xác lập trong danh bạ hơn 40.000 ngành nghề được cấp phép hoạt động.

Nhưng thực tế là hồi nào đến giờ, không có “tâm lý”, nhưng doanh nghiệp vẫn phát triển?

Đúng. Nhưng vấn đề là phát triển ở mức độ nào, có bền vững hay không? Thực tế cho thấy những doanh nghiệp thành công thì lãnh đạo đều là những người đắc nhân tâm. Một điều làm doanh nghiệp đau đầu nhất là bầu khí tâm lý nơi công sở, hay còn gọi là văn hóa doanh nghiệp. Bầu khí này lành mạnh hay không phụ thuộc vào phẩm hạnh của người lãnh đạo, bởi họ thường có xu hướng tuyển dụng những người có cùng hệ giá trị với mình. Tùy theo người lãnh đạo quản lý con người theo cách dân chủ hay độc tài, xem nhân viên là công cụ lao động hay là cộng sự, từ đó thể hiện hành vi tôn trọng hay xem thường cấp dưới… Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn bộ máy quản lý trong các doanh nghiệp Việt Nam, từ cấp trung trở lên, họ có trách nhiệm quản lý trực tiếp con người nhưng lại không được trang bị kiến thức tâm lý, để chăm sóc hiệu quả tinh thần cho người lao động. Tinh thần càng hưng phấn thì thái độ người ta làm việc tích cực. Ngược lại, khi tinh thần bị ức chế mà nguyên nhân xuất phát từ phía người lãnh đạo, nhân viên sẽ phản ứng.

Dưới hình thức nào, theo chị?

Phổ biến nhất là phản ứng một cách ngấm ngầm. Hình thức này khiến doanh nghiệp bị thiệt hại lớn. Cụ thể, nhân viên chỉ làm việc “tròn vai”, để lãnh đủ lương hằng tháng. Thái độ làm việc quyết định hiệu suất lao động. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người lao động chống đối một cách ngấm ngầm bằng cách sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, thì doanh nghiệp chỉ khai thác được 30% năng lực của người lao động. Đây là sự lãng phí, là sức ì của doanh nghiệp. Việc người lao động không nói ra điều họ bức xúc, không sáng tạo trong công việc là vì người lãnh đạo không có cơ chế khuyến khích, động viên, khiến họ yên tâm rằng những góp ý thẳng thắn của mình được lắng nghe một cách cầu thị. Tâm lý người lao động e ngại mích lòng cấp trên, sợ bị đì, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình,thu nhập của họ. Phần khác là do tâm lý người Việt khá thụ động, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười. Suy nghĩ này không đúng, và không tốt cho sự phát triển bản thân, nghề nghiệp. Cứ im lặng, chấp nhận riết họ không còn nhận ra đâu là cơ hội, đâu là thách thức, vô hình trung triệt tiêu tính tự khẳng định mình. Hiện tượng có tính xã hội này, theo tôi, là do cách giáo dục áp đặt. Khi còn bé, Cha mẹ nói là con cái chỉ biết cúi đầu vâng lời,Thầy Cô phán là chép, không có phản biện, miễn bàn đúng sai. Khi trưởng thành, đi làm việc, tâm lý ấy làm cản trở sự thành công và làm khó cho người lãnh đạo.

Trong việc hình thành nhân cách của một cá nhân, người ta vẫn nói đến tam giác gia đình – nhà trường – xã hội. Việc quy hết cho gia đình liệu có công bằng?

Tôi cho rằng giáo dục gia đình tác động quan trọng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Đúng là xã hội có phức tạp, nhà trường cũng có chuyện nọ chuyện kia, nhưng tại sao cũng môi trường ấy, bên cạnh những em ngỗ ngược, quậy phá thì vẫn có những trẻ em rất ngoan và giỏi giang. Những em chưa ngoan là bởi giáo dục gia đình “lỏng lẻo”. Học thuyết Phân tâm học cho rằng những năm tháng đầu đời của con người bị ảnh hưởng lớn bởi bầu khí tâm lý và cách giáo dục của gia đình. Chỉ khi đến tuổi hoa niên, các em mới bắt đầu có xu hướng “sút nôi khỏi vòng tay cha mẹ”, bị tác động từ bạn bè, xã hội. Tuy nhiên, nếu được “đổ nền móng”giáo dục tốt thì “hệ miễn dịch” của các em đã đủ mạnh để tự bảo vệ mình.

Một vấn đề khá nhức nhối hiện nay là tình trạng bạo lực học đường. Không lẽ môi trường giáo dục vô can?

Trách nhiệm của ngành giáo dục đã được đề cập đến nhiều, tôi không muốn nói thêm. Tôi muốn nói đến một nguyên nhân khác, do tốc độ phát triển chóng mặt của truyền thông trong khi trẻ em tiếp cận các phương tiện này quá dễ dàng. Internet phủ sóng từ thành thị đến nông thôn. Truyền hình thì quá nhiều kênh, ngay cả những kênh dành cho thiếu nhi cũng đầy rẫy những hình ảnh bạo lực. Chưa kể mô típ siêu nhân, bị bắn, bị đâm mà vẫn sống nhăn. Đã là con nít, liệu có mấy em không mê siêu nhân. Coi riết rồi xem cuộc đời cũng như phim, như game… Bộ não không phải là một cái bình chứa bình thường. Những hình ảnh bạo lực tác động vào tri giác của trẻ em, lưu lại trên vỏ não, trở thành một phần trong tiềm thức. Khi xảy ra những tình huống khẩn cấp, những hình ảnh đó sẽ được tái hiện, dễ khiến trẻ em có những hành động bột phát.
Như vậy, vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng trong giáo dục con cái. Nhưng chị nghĩ sao khi có những trường hợp nói rằng cha mẹ các em không hiểu các em?

Đúng. Có những trường hợp phụ huynh cảm thấy bất lực trong giáo dục con, dắt con đến chỗ chúng tôi tư vấn, thấy có lớp dạy con , Phụ huynh đăng ký học mới nhận ra bấy lâu nay mình chưa hiểu con, thấy mình sai lầm và có lỗi với con. Mà phần lớn học viên là những trí thức và doanh nhân.

Xin được cắt ngang. Có vẻ như khách hàng của chị đa phần là những người có thu nhập cao?

Đúng vậy. Chỉ khi no cái bụng người ta mới lo đến cái đầu, trái tim. Với trẻ em thì khác, một cuộc sống vật chất đủ đầy chỉ là yếu tố cần để tạo nên hạnh phúc. Con cái của một số doanh nhân rất tội. Có em tâm sự với tôi rằng: em cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, chỉ làm bạn với người giúp việc. Cha mẹ đều tài giỏi và đều bận rộn. Qua kinh nghiệm công việc, tôi nhận thấy không ít doanh nhân có cuộc sống gia đình bất ổn, vì quỹ thời gian dành cho công việc lấn sang quỹ thời gian của gia đình. Mà cấu trúc gia đình đòi hỏi sự hài hòa giữa ba thành tố: cha – mẹ – con cái. Trong cơn lốc tiền bạc và danh vọng, khó để xác lập đâu là giới hạn, điểm dừng, Người có ý thức và nội lực mạnh lắm mới rứt khỏi công việc và coi trọng bữa cơm gia đình, dành ngày cuối tuần chăm sóc người thân. Có người cho rằng mang tiền về cho gia đình là đã thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm. Chuyện đó đúng nhưng chưa đủ. Người vợ cần sự hiện diện của chồng, con trẻ cần sự hiện diện của cha. Khi còn nhỏ, đều tuyệt vời nhất con cần là có ba mẹ để cùng chơi đùa, để được vuốt ve, âu yếm. Với các em, sự hiện diện của ba mẹ là món quà lớn nhất, trẻ đâu có ý thức được cha mẹ đi làm vất vả để dành dụm cho con “du học” sau này. Rõ ràng, “cầu” của con không gặp “cung” của cha mẹ.

Nói tiếp về giáo dục con. Muốn giáo dục đúng thì trước hết phải hiểu tâm lý của con. Không hiểu tâm lý con thì dễ làm con cái phản ứng. Một chị có cậu con trai vừa bước sang tuổi hoa niên. Cậu bé học giỏi, ngoan ngoãn. Tuổi hoa niên là giai đoạn bắt đầu có nhu cầu có bạn. Cậu bé rủ một cô bạn học cùng lớp đến nhà học nhóm. Buổi chiều, người mẹ đi làm về thì chị giúp việc thông báo việc cậu chủ và cô bạn nhỏ ở trong phòng riêng trên lầu, không biết làm cái gì. Thế là người mẹ gọi điện qua nhà cô bạn học của con trai mình, um sùm về việc tại sao gia đình lại để cô bé kia qua nhà học chung với con trai chị. Cúp máy, chị kêu con trai chị xuống tra vấn. Phẫn nộ, cậu bé bẻ cong cái nan hoa uốn bằng thép ở tay vịn cầu thang, không nói một lời, lẳng lặng bỏ lên lầu, nhốt mình trong phòng, bỏ luôn bữa cơm chiều. Khi nghe chúng tôi phân tích, chị ấy òa khóc. Giả như cậu bé và cô bé có sự rung động về giới tính ở lứa tuổi này thì cũng là chuyện bình thường. Thái độ phản ứng của người mẹ đã làm cậu bé mất mặt với bạn bè, gây tổn thương cho cậu bé. Mà những sang chấn tâm lý đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến phát triển về sau

Những rung động đầu đời ở tuổi hoa niên là một hiện tượng tâm lý bình thường. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp đi quá giới hạn. Thống kê cho thấy Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Phần lớn những trẻ vị thành niên buộc phải đi nạo phá thai đều được sinh ra trong những gia đình không hạnh phúc, chẳng hạn như cha mẹ ly hôn, hoặc ba mẹ cùng sống dưới một mái nhà nhưng lục đục, không quan tâm đến con một cách đúng mức. Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất thế giới nhưng tôi không tin số lượng trẻ vị thành niên quan hệ tình dục nhiều nhất thế giới. Ở châu Âu, trẻ vị thành niên quan hệ tình dục sớm, nhưng tại sao tỷ lệ nạo phá thai lại rất thấp. Phải chăng vì bởi con em của chúng ta không được giáo dục một cách nghiêm túc.

Dường như chúng ta đang đụng đến một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây là giáo dục giới tính trong học đường. Chị nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng đưa vấn đề này vào học đường là vẽ đường cho hươu chạy?

Tôi nghĩ không vẽ đường thì hươu vẫn cứ chạy. Về mặt khoa học, tới tuổi dậy thì là con người xuất hiện nhu cầu về tình dục. Nếu được giáo dục giới tính cẩn thận mà các em hiểu rỏ và biết sợ, không làm chuyện đó. Nếu có thì cũng biết sử dụng phương tiện phòng tránh, không để lại hậu quả nghiêm trọng. Thế thì tại sao không vẽ đường cho hươu chạy đúng. Việc nhiều người chưa đồng tình với giáo dục giới tính ở học đường, theo tôi, là do yếu tố xã hội lịch sử. Thời của ông bà mình, con gái đi “lấy chồng từ thuở 13”. Tức là vừa phát dục đã được thỏa mãn bằng quan hệ vợ chồng một cách hợp pháp. Còn thời đại ngày nay, 22 tuổi mới tốt nghiệp đại học, còn phải đi làm lo sự nghiệp, có khi đến 28 – 30 mới kết hôn. Mười mấy năm tuổi trẻ như vậy,bên cạnh người họ yêu thương, liệu có mấy người “kiềm chế” được. Tôi rất ngạc nhiên khi một số người vẫn cho rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là chuyện cấm kỵ, thậm chí xấu xa. Đó là bản năng, giống như cơm ăn nước uống hằng ngày. Những người phê phán quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn xuất phát từ hệ quy chiếu của thế hệ họ. Một vấn đề khác cũng nóng bỏng không kém là chuyện sống thử. Tôi không ủng hộ nhưng cũng không phê phán. Tôi đồng cảm với những cặp đôi sống thử.

Chị có thể nói rõ hơn?

Vì mưu sinh, nhiều bạn trẻ từ nông thôn ra thành phố làm việc. Xa gia đình, cuộc sống phồn hoa nhiều cạm bẫy, thiếu thốn tình cảm, nên người ta cần một chỗ dựa về tinh thần. Đấy là nguồn động viên rất lớn. Nếu thực sự yêu thương nhau thì sống chung, lại tiết kiệm được chi phí sinh hoạt. Nhu cầu cuộc sống ngày nay thách thức các bạn trẻ, khi nào có đủ tiền thì đám cưới. Một số người bạn tôi biết, sau khi sống trước hôn nhân đã kết hôn, có con, và bây giờ vẫn hạnh phúc.

Bên cạnh có những cặp đôi đi đến hôn nhân thì cũng có những cặp đôi sau khi sống thử thì chia tay. Người ta nói rằng phần thiệt thòi thuộc về người nữ?

Sau khi sống thử, cảm thấy không hợp nhau, thì chia tay, vẫn tốt hơn là đám cưới rồi chia tay. Thực tế nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn vẫn chia tay và làm tổn thương nhau rất nhiều, cả cha mẹ, dòng tộc hai bên. Còn chuyện trinh tiết, tôi không nghĩ thanh niên hiện nay còn quá câu nệ vấn đề này. Tôi không “phục” một số điều tra xã hội học khi đưa ra câu hỏi kiểu: “Nếu lấy vợ, bạn chọn cô gái còn trinh tiết hay mất trinh?”, kèm theo ba phương án “A: Còn trinh”, “B: Mất trinh” và “C: Không quan tâm”. Cách đặt vấn đề như thế thì ai cũng chọn phương án A. Mặt khác, đặt câu hỏi như vậy không còn phù hợp với thực tế cuộc sống. Đàn ông thì sao, liệu còn bao nhiêu người chưa quan hệ tình dục trước hôn nhân, đặt vấn đề như vậy là không phù hợp và không công bằng. Phụ nữ không còn trinh tiết chứ có mất trái tim hay cái đầu đâu. Vấn đề là ngay phút này đây, hai người có yêu nhau thực lòng và trọn vẹn không. Về phương diện sinh học, trinh tiết chỉ mang tính biểu tượng. Thử nghĩ ngược lại. Khi bạn yêu một ai đó, quyết tâm giữ gìn, rồi vì một lý do nào đó không đến được với nhau. Người nữ đi lấy chồng, một người mà họ không hề yêu thương. Giữa chuyện sống cho tình yêu, với người mình thương thì sao gọi là “mất”, và việc sống chung với người mình không có tình cảm gì có thể xem là “được” không ?. Yêu là tận hiến, là hết mình cho người mình yêu và cả hai cùng hưởng hạnh phúc. Ai nói mất là… xạo.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

THƯỢNG TÙNG thực hiện
Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét