Chia sẻ

Một số giải đáp thú vị của thầy

12/20/2011 11:13:00 SA


1.Con có một con trai năm nay 20 tuổi. Nó không chịu học mà chỉ chơi trên computer hoặc đi chơi cũng những đứa bạn lười học ham chơi như nó. Con đã khuyên bảo nhiều lần nhưng vẫn vô hiệu. Kính thưa thầy giờ con phải làm sao?

Đó là thử thách trong bài học làm mẹ của con sao con lại hỏi thầy? Nếu con thông suốt được đạo lý trong thử thách này thì con cũng tiến rất xa trên bước đường giác ngộ. Con cứ thử hết mọi cách rồi qua đó thấy ra cái đúng cái sai mà điều chỉnh lại cho thuận pháp. Không có lời khuyên nào chính xác từ bên ngoài bằng sự khám phá của chính con. Quan trọng là con học ra điều gì từ sự kiện này chứ không phải là có thành công hay không trong ý muốn thay đổi đứa con của mình.

2.Con đọc chuyện Ông già và Biển cả, con gấp sách lại vì không chịu nổi sự cố gắng giết con cá của ông già. Con nói với con gái của con như vậy, nó trả lời rằng đó là circle of life, giết để ăn, không có chi dễ sợ, cần có sự giết nhau như vậy để mang lại quân bình cho thế giới. Con biết nó sai, nhưng con không biết cách giải thích. Con xin nhờ Sư giúp đỡ.

The Old Man and The Sea là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hemingway. Một câu chuyện hư cấu để nói lên tính bi hài của cuộc sống: Mỗi người nỗ lực theo đuổi một mục đích của mình để rồi cuối cùng chỉ nhận được một bộ xương khô vô nghĩa. Con chỉ thấy việc sát sinh là tội lỗi còn con gái con thì thấy giết chóc là luật tự nhiên. Nhưng đó không phải là điều mà Hemingway muốn nói. Đọc truyện đừng quá chú trọng vào một vài tiểu tiết mà phải xem toàn bộ cốt truyện để thấy ra dụng ý muốn tỏ bày của tác giả.

Về việc sát sinh thì con nói đúng một phần và con gái con cũng đúng một phần. Người tu hành tôn trọng sinh mạng nên không giết là đúng, nhưng muốn không có sự giết chóc trong nhân quả trả vay của cuộc đời thì vẫn sai. Còn con gái con cho rằng giết để ăn hoặc giết để mang lại quân bình cho thế giới thì chỉ đúng nếu như đó là bản chất tự nhiên như loài thú, nhưng không đúng khi con người giết chóc vì lòng tham lam, sân hận, si mê, thù oán... đó là sai lầm quá nghiêm trọng, vì nó làm đảo lộn và mất quân bình sinh thái cho thế giới thì đúng hơn.

3.Thưa Thầy, một con giun đất bị kiến cắn. Trước tiên, con muốn giải cứu cho con giun nhưng nghĩ lại nếu mình cứu con giun thì mấy con kiến sẽ không có được thức ăn. Nhưng vẫn quyết định cứu con giun, tâm con phân vân và con làm như vậy không biết đúng không hả Thầy. Con kính lễ Thầy!

Phân vân là trạng thái nghi hoặc của tâm si. Lý trí luôn phân vân lưỡng lự khi không biết chọn lựa kiến thức nào mà mình đã thu thập được để áp dụng cho đúng vào việc đánh giá một sự kiện. Đó chính là hành trạng của tâm si. Vậy vấn đề không phải là kết luận sự việc đúng hay sai mà là thấy ra tâm hành động là tâm gì. Nếu hành động với tâm tham biết là tâm tham, với tâm sân biết là tâm sân, với tâm si biết là tâm si, với tâm không tham biết là tâm không tham v.v... từ đó con có thể tùy duyên điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi cho thuận pháp chứ không cần phải kết luận điều gì một cách chủ quan, vì một điều mà lý trí cho là đúng hôm nay vẫn có thể sai ở ngày mai. Thấy ra toàn bộ vấn đề nơi chính con thì mọi việc sẽ ổn, chứ không phải phân vân trên những vấn đề đúng sai cục bộ của lý trí.

4.Bạch thầy. Con năm nay 21 tuổi, bạn gái của con cũng 21 tuổi. Chúng con đều đang học đại học và đã yêu nhau gần 2 năm. Hơn tháng nay, dưới sự mai mối, tác động phần lớn của ba mẹ nên bạn ấy đang dần giành tình cảm cho 1 người đàn ông đã 28 tuổi, có những thành công bước đầu trong sự nghiệp. Ba mẹ cô ấy đều xuất phát từ mong muốn vật chất và cũng không hề hiểu nhiều về khả năng con có thể đáp ứng tốt hơn như thế trong tương lai.
Con thực sự khá hiểu bản tính người yêu con nên về lý trí và trực giác, con biết gần như chắc chắn người đàn ông đó không hợp và không đem được hạnh phúc lâu dài cho bạn gái con. Cô ấy chỉ choáng ngợp trước những cái mới và có những cảm giác hạnh phúc ban đầu do người đàn ông đang tán tỉnh đem lại. Con đã rất cố gắng để giúp cô ấy hiểu. Nhưng càng ngày con càng thấy mình bị tổn thương từ những hành động tiến sâu hơn với người đàn ông đó của cô ấy mỗi ngày. Những tổn thương đó làm con muốn rời bỏ, nhưng lý trí lại sợ người mình yêu phải đau khổ. Phần vì sợ mất người tri kỉ của mình, chúng con chỉ vì còn trẻ và chưa thuận nhau 1 số tính cách nên mới xảy ra như này. Con đang rất bứt rứt và khổ tâm.
Xin thầy cho một người trần tục như con lời khuyên để con bình an tiếp tục với công việc tổ chức các chuyến tình nguyện của mình trong mùa đông này. Con xin cám ơn thầy.

Tinh yêu là điều không thể gượng ép, nó có cách chon lựa riêng mà lý trí không tính toán được. Điều này cũng đúng khi nhìn theo góc độ duyên nghiệp. Nều cô ấy khổ vì điều cô ấy chọn lựa thì đó là duyên nghiệp đưa đẩy cô ấy. Còn nếu con can thiệp vào thì sau này cô ấy khổ con mới thật sự thấy bứt rứt khổ tâm hơn nữa.
Tình yêu thật sự (hiểu theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp) là thứ quý giá nhất trên đời, ngược lại nó cũng chẳng có ý nghĩa gì hơn là nguyên nhân của khổ đau phiền muộn. Giá trị của tình yêu ở nơi chính nó chứ không phải nơi đối tượng mà nó muốn có, nếu không có đối tượng thì tình yêu vẫn phải là cái đẹp nhất trên đời. Con có nhận ra điều đó không?

5.Có người hỏi con, nay con xin hỏi sư: Tu làm sao, hành làm sao, có kết quả gì? Nhiều người nói con sướng quá, không tu hành gì, không ăn chay, không niệm Phật, không tụng kinh, không tọa thiền, không niệm A-di-đà Phật cầu vãng sanh Tây Phương,... Con chỉ mỉm cười im lặng.

Căn cơ trình độ mỗi người một khác nên pháp môn tu cũng không ai giống ai. Tốt nhất là ai thích tu gì cứ tu để qua đó điều chỉnh nhận thức và hành xử của mình cho ngày càng đúng tốt. Không có pháp môn nào đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn mà chỉ có pháp môn phù hợp với người này hay người khác trong một giai đoạn nào đó mà thôi.
Vì tùy trình độ nên pháp môn có cao thấp khác nhau nhưng không phải vì vậy mà xem thường pháp môn thấp vì thấp mới hợp với trình độ của người thấp mà đem lại lợi lạc cho họ. Cái sai lớn nhất là không biết mình sai, cứ tưởng mình đúng chỉ thấy người khác sai. Sai không phải là vấn đề mà vấn đề là có nhận ra cái sai để học được cái đúng hay không. Người đã thấy ra thì cũng nên mỉm cười im lặng.

6.Kính chào Thầy. Con có một đứa con trai, 26 tuổi, độc thân, đã học xong đại học. Nó không thích tìm việc làm toàn thời và không siêng năng như các bạn đồng trang lứa. Nó lại thích ngồi suốt bên máy điện toán. Con lo lúc con qua đời, cháu sẽ sống trong nghèo khó. Con biết không nên lo quá xa, nhưng vì làm mẹ, lòng con không yên. Xin Thầy từ bi hướng dẫn con. Tạ ơn Thầy.

Nhân gian nói: "Trời sinh trâu sinh cỏ" chỉ tại con thấy mình làm mẹ nên phải lo cho con, chứ dù không có con thì nó vẫn học ra bài học của nó. Thậm chí có khi không có con nó mới biết tự lo cho nó hơn, bây giờ biết đâu vì ỷ lại con mà nó không biết lo cho bản thân nó. Mỗi người có một nghiệp mệnh riêng để qua đó học ra chân lý của cuộc sống. Hãy để mỗi người tự biết chịu trách nhiệm về bản thân mình, đừng nên muốn cho con cái mình được mọi sự như ý. Nghèo khổ hay giàu sang không quan trọng mà chủ yếu là có học ra được gì từ hoàn cảnh đó không mà thôi.

7.Mong thầy an vui, con đã đọc sách "Sống trong thực tại" của thầy, con thấy rất nhiều ý nghĩa thâm sâu. "Khi đã thực chứng, tức đã thấy Lý trong Sự, hành giả bắt đầu sống TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP..." Con xin hỏi nếu hành giả để tâm trí trong sáng vắng lặng thì sẽ hiểu thế nào là trí huệ, toàn tri, để tâm bác ái yêu thương thì sẽ hiểu được niềm an lạc, hạnh phúc. Điều này có chấm dứt được phiền não đau khổ không thầy?

Thầy rất tiếc chiều mai thầy đi Úc rồi mà sư tri sự cũng chưa về nên con không ở lại chùa được trong lúc này. Con cứ để tâm trí rỗng lặng trong sáng còn việc chấm dứt phiền não hoặc đạt được điều gì hay không thì để pháp tự vận hành. Con đừng cố gắng hay tính toán mà tạo cơ hội cho bản ngã xen vào. Chỉ lặng lẽ chiếu soi còn pháp đến đi thế nào thì để pháp lo liệu. Hạnh phúc hay đau khổ, yên tĩnh hay ồn ào, phiền não hay thanh tịnh đều chỉ là bài học để giác ngộ chứ không phải để bận tâm lấy hay bỏ.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét