Bài viết

Thầy Viên Minh trả lời doanh nhân

12/20/2011 09:56:00 SA

Ngày thứ Bảy 18/12/2011 vừa qua, bạn Như Hải Bạch Hoa có tham dự buổi tọa đàm bàn tròn của Trung Tâm Hợp Điểm với chủ đề:"Doanh nhân tĩnh tâm". Trong cuộc tọa đàm các doanh nhân đã nêu rất nhiều câu hỏi. Như Hải có chia sẻ một số những câu hỏi này với thầy Viên Minh. Thầy đã trả lời như sau:

1. Có cuốn sách nổi tiếng viết: “Làm theo sở thích sẽ sống lâu hơn”. Vậy chúng ta nghĩ sao khi Đạo Phật có vẻ ép mình phải bỏ đi một số sở thích bất thiện? Đời sống giống như quả bóng, phải chăng nếu ép bên này thì bên kia phình ra to hơn? 

Một đời sống có ý nghĩa không đo lường bằng thời gian sống bao lâu mà bằng nội dung phẩm chất đời sống ấy. Một trong những phẩm chất đời sống là lương thiện. Nếu một người sống bất thiện theo sở thích thì càng sống lâu càng hại mình hại người, liệu có ích gì cho bản thân và xã hội? Sao không nghĩ rằng cuộc sống như khinh khí cầu, càng bớt đi vật nặng thì càng bay lên cao? Đời sống càng bớt đi điều bất thiện thì càng an lạc hành phúc hơn? Hoặc giống như đầu óc của chúng ta càng bớt đi ngu dốt thì càng khôn ngoan hơn, sao gọi đó là “ép”? Phật giáo dạy sống có ý nghĩa là phải biết điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, chính yếu tố này mới giúp sống lâu chứ không phải làm theo sở thích của vô minh ái dục. “Làm theo sở thích” chỉ đúng khi “Tòng tâm sở dục bất du củ” tức làm theo sở thích mà vẫn không sai đạo lý. Còn làm theo sở thích như giết ngưởi cướp của thì bị án tử hình mất rồi làm sao mà sống lâu cho được!?


2. Một doanh nhân thì phải đặt mục tiêu nhưng hướng vọng, nhiệm vụ và tiêu chí có vẻ giống như tham sân si trong nhà Phật như vậy phải giải quyết ra sao?


Một doanh nhân có ước vọng, mục tiêu và nhiệm vụ lương thiện - lợi mình lợi người, khác hẳn với tham vọng và chủ đích tham sân si. Đó chính là nhiệm vụ tiên quyết mà một doanh nhân phải biết thật rõ ràng trước khi bước vào thương trường. Một doanh nhân muốn thành công một cách chính đáng phải ứng dụng 4 yếu tố như ý (Iddhipàda) trong Phật giáo:
  • Ý muốn chân chính và khả thi (Chanda).
  • Có năng lực và nỗ lực đúng mức (Viriya)
  • Có quyết tâm trước sau như một (Citta)
  • Có nhận thức thông suốt để thực hiện (Vimamsa)
Đó là ước vọng, mục tiêu và nhiệm vụ chân chính của doanh nhân Phật tử.

3. Khi thiền hơi thở có nhiều phương pháp khác nhau vậy phương pháp nào là tốt nhất?

Thiền hơi thở Phật giáo không theo một phương pháp nào cả. Phương pháp thường xuất phát từ yoga (Ấn Độ) và khí công (Trung Hoa). Thở là một hoạt động tự nhiên biểu hiện sự sống nơi mỗi người, nhưng hầu như chúng ta quá ham muốn tìm cầu cái yêu thích hay đối kháng lại cái không thích bên ngoài nên tâm ngày càng lăng xăng, vọng động và đánh mất khả năng chú tâm đúng mức cần thiết. Sự tiêu hao năng lực này khiến cho tâm tán loạn, bất an và căng thẳng. Chỉ cần thư giãn, buông xả, trở về với chính mình thì liền thấy lại hơi thở và sự sống đang diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ. Lắng nghe sự sống chân thực qua từng hơi thở tự nhiên cho tâm lắng dịu, tĩnh lặng và trong sáng đó chính là thiền hơi thở. Trong thiền hơi thở Phật giáo hoàn toàn không có mục đích rèn luyện để trở thành điều gì như yoga và khí công mà chỉ đơn giản là biết trở về với sự sống đích thực ngay nơi thực tại hiện tiền mà thôi. Trọn vẹn với hơi thở như nó đang là giúp thân tâm nghỉ ngơi vô sự và phục hồi năng lực đã bị tiêu hao trong những cố gắng đấu tranh đầy căng thẳng, để chúng ta có đủ khả năng sống an nhiên tự tại giữa kiếp sống đa đoan phức tạp này. Nếu cố gắng rèn luyện để trở thành thì không còn là thiền nữa.

4. Đời sống của mỗi người có phải đã được an bài hay lập trình sẵn không? Vậy thì phấn đấu để làm gì? Có thay đổi được gì không?

Phật giáo không chủ trương thuyết định mệnh, nên không có gì gọi là an bài, cũng không có ai an bài cả. Chỉ có mỗi người phải chịu trách nhiệm với chính mình và cuộc sống qua chủ tâm hành động mà họ gây ra cho mình, cho những người khác, cho xã hội hay môi trường sống xung quanh. Hành động có chủ tâm đó gọi là nghiệp. Nghiệp chính là sự chuyển hóa chứ không phải là định mệnh an bài. Sinh mệnh hiện tại của một người gọi là sinh nghiệp, là kết quả của nhân quá khứ. Do đó phần quả có vẻ như đã được lập trình sẵn, tuy nhiên ngưởi nhận quả có thể chuyển hóa nhờ nhân mới, hoặc nhờ tiếp ứng bằng một thái độ bình thản trong sáng, tức không bị nghiệp quả ấy chi phối. Thay đổi chính là tạo nhân tích cực và tốt đẹp mới, hoặc giữ thái độ an nhiên tự tại, không dao động.

5. Doanh nhân là phải phấn đấu, tâm tĩnh lặng rồi thì làm sao phấn đấu?

Tĩnh lặng mới có đủ khả năng và nội lực để hoạt động tích cực. Hoạt động tích cực nhiệt tình không phải là phấn đấu để giành quyền lợi cho riêng mình. Sức mạnh của tĩnh lặng mới thật là phấn đấu chân chính.

6. Trong thận trọng, chú tâm, quan sát thì thận trọng có vẻ ép quá có nên đổi lại là trọn vẹn không?

Thận trọng không có nghĩa là e dè ngần ngại hay dè dặt quá mức mà thận trọng hay cẩn thận là một thái độ tích cực ứng ra một cách tự nhiên nhưng rất nghiêm túc, chừng mực và chu đáo. Một người thận trọng có đủ tự tin nên dễ dàng vượt qua những thử thách khó khăn, còn người e dè ngần ngại không bao giờ dám mạo hiểm. Vì vậy, đức Phật dạy thận trọng dẫn đầu tất cả thiện pháp.
Trọn vẹn thuộc về chú tâm nên không thể thay thế cho thận trọng được. Một cách đầy đủ hơn chúng ta có thể nói thận trọng chu đáo, chú tâm trọn vẹnquan sát minh bạch.


Những bài viết liên quan

1 Nhận xét