Chia sẻ

Tám về... chính niệm và những cố gắng vì nó

5/24/2012 01:07:00 CH

Rất nhiều sách vở và các vị đạo sư đều dạy chúng ta giữ chính niệm một cách liên tục, trong từng phút giây. Do không hiểu kỹ nên khi thực hành rất dễ rơi vào lầm lẫn, dẫn đến nỗ lực, cố gắng của bản ngã một cách vô vọng, mất năng lượng vô ích. Trong bức thư gửi học trò Tuệ Giải, thầy Viên Minh có giải thích rõ ràng như sau:

"...Nhược điểm thứ hai là quan niệm sai lầm về sự miên mật của chánh niệm tỉnh giác. Nếu tinh tấn miên mật là nỗ lực liên tục của cái ta lý trí muốn biết (sở tri), hay cố gắng bất đoạn của cái ta ý chí muốn được (sở đắc) thì đó chắc chắn không phải là chánh niệm tỉnh giác đích thực lưu xuất từ tánh biết bản nhiên. Sự liên tục bất đoạn gọi là miên mật này chỉ là cố gắng vô vọng của cái ta ảo tưởng muốn mãi mãi hiện hữu trước nỗi sợ hãi không còn ý thức được sự tồn tại của mình.

Pháp vốn luôn vận hành miên mật và tánh biết cũng biết pháp một cách miên mật tự nhiên, nhưng khi cái ta toan cố gắng miên mật thì tính miên mật tự nhiên liền biến mất trong ý niệm thời gian. Miên mật không có nghĩa là phải cố gắng giữ niệm niệm kế tục, vì niệm niệm kế tục chỉ là nỗ lực nối dài thời gian ý thức của cái ta ảo tưởng mà thôi. Ý thức là tiến trình sinh diệt vô thường trên đối tượng cũng sinh diệt vô thường, do đó muốn ý thức luôn miên mật chỉ là không tưởng.

Một hôm, một đệ tử ngoại đạo đến yết kiến đức Phật. Phật hỏi:
- Thầy ngươi dạy gì?
- Bạch Thế Tôn, thầy con dạy biết.
- Thầy ngươi biết như thế nào?
- Dạ, biết liên tục ngày đêm.
Rồi người đệ tử ngoại đạo lại hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, Ngài dạy gì?
- Như Lai dạy biết.
- Ngài biết như thế nào?
- Như Lai khi nào cần biết thì biết, khi nào không cần biết thì thôi.

Cái biết của vị Đạo Sư ngoại đạo ấy dù miên mật đến đâu vẫn là cái biết của bản ngã, thời gian và ý niệm, nên tuy không gián đoạn nhưng nhìn kỹ chỉ là cố gắng nối dài thời gian trong nỗi sợ hãi, bất an. Còn tánh biết thể hiện nơi đức Phật là tùy duyên thuận pháp mà ứng hiện, thoạt có thoạt không, dường như không có nhưng khi cần động dụng thì liền có, đó mới thật sự là miên mật mà không cần lưu giữ niệm niệm kế tục bất đoạn làm gì. Cái biết hữu ngã có sinh diệt nên mới muốn được thường hằng, còn tánh biết vô ngã không sinh không diệt nên cũng không thường không đoạn."

Khi thực hành cách sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha như Thầy dạy, rất nhiều bạn có chia sẻ là nghe thì thấy dễ, mà khi làm thì gặp nhiều khó khăn vì Thầy không đưa ra một phương pháp cụ thể nào để ta có thể bám vào. Phải không các bạn?

Qua những kiểm nghiệm của cá nhân trong quá trình thực hành, mình thấy mặc dù các Thầy khác, môn phái khác đều hướng dẫn cách thực hành hết sức chi tiết, cụ thể, nhưng chúng chỉ giúp ta dễ dàng lúc ban đầu. Lúc ta ở giai đoạn chế định - ổn định tục đế. Nhưng càng về sau, chúng càng trở thành gánh nặng, chướng ngại cho tâm thấy pháp. Tất cả các phương pháp đều dùng tưởng (suy tưởng), hướng tâm ta vào một ý tưởng duy nhất nào đó. Đó rõ ràng là một cố gắng có ý đồ của bản ngã muốn tốt hơn cái đang là trong thực tại, như vậy làm sao có thể thấy Pháp cho được!

Khi thực hành cách sống tùy duyên thuận pháp, mỗi chúng ta cần suy nghĩ kỹ về câu hỏi:"Ai sống tùy duyên thuận pháp?". Tụi mình cứ nói phải:"Sáng suốt, định tĩnh, trong lành", vậy ai sáng suốt định tĩnh trong lành? Chắc chắn không phải là cái Ta (bản ngã) đang cố gắng trở thành sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay cái Ta (bản ngã) đang nỗ lực để sống tùy duyên thuận pháp? Không! Đơn giản vì đó là điều không thể.

Đúng vậy! trong chuyến đi thăm chùa Viên Không của nhóm, mình nhớ Thầy đã đặt câu hỏi này cho chúng ta, không ai trả lời nên Thầy trả lời giùm: không phải Ta sáng suốt, định tĩnh, trong lành, sống tùy duyên thuận pháp mà hành động, nói năng, suy nghĩ tự nó trở nên sáng suốt, định tĩnh, trong lành và ứng ra tùy duyên thuận pháp khi không bị cái Ta xen vào. Tu tập ở đây chỉ là nhận biết rõ ràng khi nào ảo tưởng về bản ngã đang ăn trộm pháp, đang muốn tốt hơn thực tại đang là, và khi nào Tánh biết đang thấy Pháp một cách hoàn toàn tự nhiên.

Nếu cái Ta - bản ngã chỉ là ảo tưởng, vậy mọi khó khăn đột nhiên biến mất, vì khó là khó với ai? Không có chủ thể, cái người chịu đựng cái khó khăn ấy thì cái gọi là khó khăn sẽ trở về như nó đang là, chả khó chả dễ gì cả. Có đúng không các bạn?

Cũng có lần do hiểu lầm, mình tự đưa mình vào trạng thái không có cái Ta là mình, lúc đó cảm nhận một sự trống rỗng đáng sợ. Sau này mới biết cái trạng thái ấy chỉ là một dạng tưởng (tưởng tượng) của bản ngã về vô ngã. Vô ngã như mình nghĩ là, chứ không phải như nó là. Trên thực tế chỉ cần ta để yên tất cả mọi ý đồ, ngay lúc đó ta liền trở về với thực tại vô thường, khổ và vô ngã, mà chả thấy vô thường, vô ngã gì cả.

Cái Ta (bản ngã) rất sợ mất đi ý niệm về sự tồn tại của mình, sợ mất đi ý thức. Phần sau của bức thư, Thầy có nói rõ thêm về điều này:

"Ý thức chỉ là một phần rất nhỏ của tánh biết, vì hầu hết hoạt động của tánh biết thực hiện trong vô thức. Dạng vô thức này không phải là “không ý thức được thực tại do thất niệm bất giác” mà là một loại “siêu vô thức” nằm ngoài tầm kiểm soát của bề mặt hữu thức hạn hẹp. Chánh niệm tỉnh giác không phải là ý thức hữu hạn của bản ngã nên không cần phải lưu giữ liên tục, nó chỉ tự ứng từ tánh biết vô ngã một cách tự nhiên để soi chiếu khi cần thiết mà thôi. Do đó những người đã “vào” được tánh biết thì miên mật không có nghĩa là niệm niệm kế tục nhưng là tùy duyên thuận pháp mà ứng hiện, và cũng tùy duyên thuận pháp mà hoàn không.
Vì không thông suốt điều này nên nhiều hành giả rất lúng túng, bất an và tự ti khi thấy rằng mình không chánh niệm tỉnh giác miên mật được. Thực ra, chỉ cần buông cái ta lăng xăng tạo tác xuống thì liền thấy được pháp luôn vận hành miên mật và tánh biết cũng lưu xuất không bao giờ sinh diệt."

Tóm lại chính niệm thật sự là khi tánh biết thấy pháp một cách tự nhiên, tùy duyên mà ứng thuận pháp mà hành. Chính niệm không phải là cái Ta (bản ngã) khư khư giữ trạng thái chính niệm nào đó do nó tự nghĩ ra.


Theo kinh nghiệm của riêng mình thì chính niệm là trở về với chính mình ngay bây giờ, ở đây khi đã quên đi tất cả các khái niệm, kiến thức, buông tha mọi ý đồ, kể cả ý đồ về chính niệm. Mọi việc cứ thế tự nhiên diễn ra như nó là. Khi đó thân tâm đều thư giãn, tự thấy biết tất cả nhưng chẳng có khái niệm nào cả. Có phải thế không các bạn!



Những bài viết liên quan

0 Nhận xét