Con bị giật mình...

6/05/2012 09:26:00 SA


Kính bạch hòa thượng, con có một câu hỏi kính mong hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con. Khi ngồi thiền, nếu con chuyên tâm vào một đối tượng (hơi thở, câu Phật hiệu,...) thì 1 tiếng động bên ngoài (tiếng đóng cửa, tiếng sét,...) sẽ làm con bị giật mình, giật mình nhiều hay ít tùy thuộc vào sự chú tâm vào đối tượng. Nhưng nếu con để tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng thì thỉnh thoảng con bị rơi vào trạng thái hôn trầm hay bị cuốn theo vọng tưởng. Vậy con phải làm sao khi bị rơi vào trường hợp như trên? Con xin hòa thượng chỉ dạy cho con.

Trả lời:
Trong trường hợp thứ nhất là do con cố gắng định tâm nên tâm con dính trên đề mục hơi thở hay câu niệm Phâtấy... Giật mình là tâm bị kích động ra khỏi sự bám dính kia. Bình thường khi con chìm trong suy tư, hay tập chú vào một cái gì đó thì cũng có phản ứng y như vậy. Cũng có trường hợp những người chuyên tâm vào một công án đến lúc chín mùi thì bị một sự kiện đột ngột nào đó đánh thức trở về vói thực tại và người ấy liền ngộ. Đó là cách của Thiền Tông. Ngược lại, cũng có người vì vậy mà tẩu hỏa nhập ma!

Trường hợp thứ hai, khi tâm con rỗng lặng trong sáng thì dễ rơi vào giấc ngủ. Điều này có ba cách:

  1. Một, đó là giấc ngủ rất tốt, giống như đức Phật khi nằm xuống với tâm rỗng lặng trong sáng thì Ngài liền ngủ giấc ngủ của bậc Thánh.
  2. Hai, đó là do cơ thể bị thiếu ngủ nên đây là cơ hội tốt nhất để nó được lập lại quân bình tự nhiên.
  3. Ba, đó là tâm rỗng lặng trong sáng chưa đủ nên dễ rơi vào hôn trầm thụy miên. Trong cách 1 và 2 thì khi thức dậy thân tâm rất sáng suốt và thoải mái. Trong cách 3 khi thức dậy thân tâm có ít nhiều mụ mẫm và uể oải.
Trong cả hai trường hợp trên con chỉ cần thận trọng quan sát để thấy ra nguyên nhân thì con sẽ tự biết điều chỉnh dễ dàng thôi. Chưa thấy ra nguyên nhân thì đừng vội xử lý chủ quan là hỏng chuyện đó. Con nên lưu ý là muốn xuất ly một pháp thì phải thấy rõ sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó.

trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét