Bài viết

Ru mãi ngàn năm

7/25/2012 06:07:00 CH


...Tại sao ngày nay tình cha con, mẹ con dường như lợt lạt. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ với bạn đọc tạp chí Đạo Phật Ngày Nay trong quyển số 8: “Công việc, bận rộn không cho tôi có nhiều thời gian để gần gủi với con cái như tôi mong muốn, mà thời gian là cái mà trẻ nhỏ cần nhất ở cha mẹ. Có lẽ người lớn nên bớt thời gian xem TV, lướt web, tụ tập bạn bè, để có thêm thời gian chơi với con, học với con, cùng đọc sách với con. Những cái đó có ích cho trẻ hơn là việc bỏ tiền ra cho con đi học thêm, hay những khóa rèn luyện “Kỹ năng sống”.

Qua lời tâm tình đó, chúng ta đừng trách con cái bây giờ thưa thớt với gia đình, con cái bây giờ hư hỏng quá! Một gia đình sẽ không còn là mái ấm nếu sáng ra bà mẹ “nhét” vào chiếc cặp nặng không dưới hai ký của đứa con một hộp sữa tiệt trùng, một chiếc bánh pizza, một khăn giấy ướp lạnh, một chai nước suối rồi “dựng đầu” bé dậy, quát đi súc miệng đánh răng cho kịp giờ, rồi quát bé trèo lên xe máy ngồi ôm mẹ chở đến trường. Sẽ không còn là mái ấm gia đình nếu hàng đêm ba lướt web đến tận khuya, sáng dậy trễ, im lặng vội vàng đánh răng súc miệng, dắt xe ra chạy thẳng đến hàng quán ăn sáng, uống cà phê... Những hình ảnh đó thiếu hẳn chất keo gia đình để kết dính đứa con với cha mẹ. Vì chỉ như vậy thôi, thì chị giúp việc cũng là mẹ được; chỉ như vậy thôi, một người đàn ông rỗi việc cũng là ba được, đâu cần đợi mẹ, đợi cha. Thật sự con cái cần gì ở mẹ cha? - Tình thương, chính tay mẹ cha chăm sóc!

Bé sơ sinh nào cũng mau trìu mến mẹ mình nhất vì mỗi lần bé khóc hay bé giật mình, mẹ là hình ảnh quen thuộc bé nhận ra bên chiếc nôi. Rồi âm thanh ru hời của mẹ đưa bé vào giấc ngủ bình yên. Giọng ru đó vang mãi, ấm mãi, lớn mãi cùng hình ảnh cây đa, giếng nước, hình ảnh mẹ dắt tay bé từng bước đến trường..., ngàn năm không dễ quên...

Bởi thế cho nên, “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy đã vượt thời gian và không gian, đi vào lòng người: “... Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi... tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ ru từ thuở nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!...”

Cái thời quá khứ không tivi, không vi tính, con nhà giàu sáng ra được dùng điểm tâm với cha mẹ anh em và hỏi han nhau, chia sẻ nhau. Con nhà nghèo giúp cha mẹ làm việc tới khuya, sáng ra mẹ dậy sớm, gói gắm cho con củ khoai mẹ nấu, ly nước mẹ pha với lời hứa hẹn: “Hôm nào lãnh lương, mẹ sẽ cho con tô phở ăn cho ấm bụng!”

Tình thương mẹ dành cho con là bất diệt. Lúc con còn nhỏ thì chắt chiu miếng ăn giấc ngủ, lớn lên lo cho con học hành đỗ đạt. Con cái có địa vị trong xã hội thì lo con thoái hóa, hủ lậu. Con đi xa thì trông đứng trông ngồi:

“Mẹ già hơn trăm tuổi
Vẫn thương con tám mươi
Tình thương nào ngơi nghỉ
Thương con đến cuối đời”.

Nhưng tình mẫu tử không đơn phương, một chiều. Cha mẹ, nhất là khi về già, rất cần tình thương yêu, sự chăm sóc của các con vì càng cao về tuổi tác, tâm lý cha mẹ càng trở lại giống hệt trẻ con. Đừng bỏ cha mẹ một mình quạnh hiu khi bóng xế. Cho nên ta dễ hiểu vì sao người già không thích ở bên Mỹ, bên các nước phương Tây, vì họ rất sợ hình ảnh của các nhà dưỡng lão; ở đấy tuy đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng rất thiếu cái họ cần: Tình thương của con cháu! Khi cha mẹ đã già yếu rồi, chính con cái lại là người hát ru cha mẹ: “Rồi một ngày nào đó anh về, nhìn mẹ hiền, nhìn thật lâu, rồi nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không?” Biết gì? - “Biết là..., biết là... con thương mẹ không?”

Ôi! Nếu được như thế thì gia đình nào không là tổ ấm, xã hội nào mà không an vui, thế giới nào mà không hòa bình??... Thật vậy, nếu trong suốt cuộc đời, ai cũng được diễm phúc uống những lời mẹ ru và ru mẹ bằng những lời thánh thiện như thế thì làm gì có bạo lực gia đình. Cái trách nhiệm liên đới của mọi người trong một gia đình, của tất cả mọi cá nhân trong toàn xã hội chính là biện pháp dẹp tan bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực xã hội. Cho nên, hoàn toàn không cường điệu hóa với câu nói trên: “Một hạt lúa nẩy mầm, toàn thế giới phải chịu trách nhiệm”.

Thích Nữ Diệu Huệ - Đạo Phật Ngày Nay

Những bài viết liên quan

2 Nhận xét