Chia sẻ

Thiền quán Vipassanà là để thấy rõ đối tượng?

7/16/2012 04:40:00 CH

Kính bạch Hòa Thượng, Con có một thắc mắc kính trình lên Hòa thượng, kính mong Hòa thượng hoan hỷ chỉ dạy cho con. Khi con quán sắc đi, sắc ngồi v.v... con đều thấy rất rõ ràng. Nhưng thỉnh thoảng có vài lúc khi con quán sắc nằm con lại không nhận ra rõ ràng con đang nằm trong tư thế nào. Và thật lâu con không thấy mỏi hay cảm thọ khổ trong tư thế nằm. Và khi không nhìn ra tư thế nằm, con lại thấy có cảm giác sợ hãi. Con kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho con.

Trả lời:
Chữ quán trong thiền Vipassanà có nghĩa là thấy rõ, nhưng không phải là thấy rõ đối tượng mà là tâm đang thấy rõ. Đối tượng thân thọ tâm pháp chỉ để tâm trở về với thực tại, không buông lung hướng ngoại (tinh tấn), không lăng xăng thất niệm (chánh niệm), khi có 2 yếu tố này thì tâm liền chiếu soi một cách trong sáng tự nhiên (tỉnh giác). Nếu không nhờ thực tại thân tâm (4 niệm xứ) để trở về trọn vẹn thể hiện tính trong sáng của tâm (tánh biết) thì bản ngã liền buông lung theo ảo tưởng mà sinh vọng động để tạo nghiệp thân khẩu ý.

Đi đứng ngồi nằm chỉ là những tư thế của thân, chỉ cần tâm không vọng động gán cho nó là tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi, tôi nằm hay gán cho nó những khái niệm chế định là này là nọ để sinh ra vọng tưởng, ảo kiến (tà kiến) và tham ái là được. Nói cách khác, chỉ cần thấy đối tượng thân với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành, hoặc tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì cái ta ảo tưởng không có cơ hội xen vào, chứ không cần cái biết phân biệt đối tượng thân một cách chi ly rõ nét (không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng). Giống như khi mặt trời không bị mây che thì tự chiếu sáng, tâm không bị cái ta tà kiến và tham ái che thì tánh biết tự chiếu sáng. Sự chiếu sáng này gọi là Vipassanà, nó chiếu sáng tất cả đối tượng trong ngoài chứ không phải chỉ tư thế đi, đứng, ngồi hay nằm mà thôi.

Con quá chú ý tìm cho rõ trạng thái của đối tượng tức là đã nắm bắt tướng chung tướng riêng rồi thì làm sao thấy được thực tánh pháp? Khởi tâm tìm kiếm là đã đánh mất tánh thanh tịnh trong sáng của tâm, do đó con nên biết rằng chính khi tâm thanh tịnh trong sáng (sáng suốt, định tĩnh, trong lành) thì tự nhiên thấy rõ các pháp mà không cần khởi niệm tìm kiếm pháp để tự che lấp tánh sáng của tâm (...hủy phần sáng của mình, tự chẻ đầu chính nó - Dh. 72). 


trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét