Bản ngã

Nhẫn nại với thực tại

4/10/2013 02:56:00 CH


Bốn buổi trước chúng ta đã nói về buông xả và 3 yếu tố của thiền là trở về với thực tại (tinh tấn), trọn vẹn với thực tại (chính niệm), trong sáng với thực tại (tỉnh giác). Buông xả trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại không phải là một quá trình mất nhiều thời gian mà những yếu tố này xảy ra cùng lúc. Tách riêng từng yếu tố chỉ để cho dễ hiểu mà thôi.

Tâm chúng ta thường buông lung phóng dật, tức là luôn chạy lang thang tìm kiếm đối tượng ảo nào đó bên ngoài của vọng tưởng mà quên mất đối tượng hiện thực, đó là thực tại. Các đối tượng mà tư tưởng theo đuổi thường là ảo vì nó nằm trong quá khứ hoặc tương lai. Ngay cả khi đối tượng là hiện tại nhưng tư tưởng lại bị dính mắc hoặc đắm chìm vào đó thì cũng đánh mất thực tại đang là vì hiện tại luôn trôi chảy liên tục không bao giờ ngừng nghỉ.

Tâm không thể ngủ yên trong hiện tại vì mọi thứ luôn trôi qua trong từng giây phút. Đó cũng là lý do tại sao ngay cả thiền định cũng là chướng ngại, vì thiền định cũng giống như ngủ trong hiện tại, một giấc ngủ ngon được gọi là hiện tại lạc trú mà thôi. Dính mắc vào lạc trú thì vẫn chưa thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Vì thế mà đầu tiên tâm cần buông xả mọi lang thang tìm kiếm sở tri và sở đắc. Điều gì cái Ta cũng muốn biết, cũng muốn đạt được. Có ngờ đâu khi đã biết được rồi, đạt được rồi thì nó cũng chỉ là sản phẩm của tư tưởng mà thôi. Vì những cái biết được và đạt được thường là ảo, do tâm trí dựng lên, chứ không giống như thấy, biết nó qua trực nhận từ bên trong thực tại ngay đây và bây giờ.

Thí dụ khi muốn được giải thoát, thì cái gọi là giải thoát mà mình mong muốn thật ra chỉ là ảo tưởng, vì nếu thực sự đang biết giải thoát là gì thì đâu cần muốn giải thoát nữa. Những thứ mà tư tưởng chạy khắp nơi tìm kiếm bên ngoài không ngờ lại luôn có sẵn bên trong. Chỉ cần buông mọi ý đồ tìm cầu tạo tác thì liền gặp chúng ngay tại đây và bây giờ mà không phải mất thời gian tìm kiếm.

Khi tâm buông lung phóng dật, chạy theo những đối tượng bên ngoài, chúng ta quên mất chính mình, quên mất cái thân-thọ-tâm-pháp ngay đây, tức là đang rơi vào thất niệm. Khi tâm buông xả sự phóng dật, trở về với thực tại, tức là tinh tấn, thì lập tức nó trọn vẹn với thực tại - không còn thất niệm nữa, tức là chính niệm. Hai động thái này tuy hai mà một, xảy ra cùng lúc.

Ví như khi đang ngồi tưởng tượng chuyện này chuyện nọ nên quên mất mình đang đứng đây thì chợt nghe người khác gọi, liền giật mình tỉnh lại và ngay đó trở về với chính mình. Cho nên các Thiền sư Đông Độ thường dùng các biện pháp như đánh, hét hay hỏi một câu bất thần để đưa học nhân đang sinh tâm hỏi thiền vấn đạo trở về với thực tại hiện tiền.

Thiền tông có câu chuyện về ông Bùi Hưu như sau:
Ông Bùi Hưu tìm đến ngài Hoàng Bá, tức thầy của Tổ Lâm Tế. Ông đi quanh chùa thấy tượng các vị Thánh Tăng, liền hỏi thầy Trụ trì:
- Tượng ở đây mà Thánh Tăng ở đâu?
Thầy Trụ trì trả lời không được. Ông hỏi ở đây có Thiền sư không, xin mời trả lời giùm. Thầy Trụ trì mời ngài Hoàng Bá lên, Bùi Hưu hỏi lại:
- Vừa rồi tôi có hỏi thầy Trụ trì một câu mà Ngài tiếc lời không nói. Hỏi rằng, tượng Thánh Tăng ở đây mà Thánh Tăng ở đâu?
Ngài Hoàng Bá liền kêu:
- Bùi Hưu!
Khi ông Bùi Hưu quay lại thì Ngài hỏi:
- Ở đâu?
Nghe xong Bùi Hưu tỏ ngộ.

Ông Bùi Hưu hỏi: "Thánh Tăng ở đâu?" chính là đang rơi vào vọng tưởng muốn biết sự tồn tại của một thực tánh tuyệt đối ở đâu đó. Khi bị ngài Hoàng Bá kêu, vừa giật mình trở về hiện tại thì liền nghe hỏi: "Ở đâu?" Bùi Hưu lập tức trực nhận thực tánh tuyệt đối ngay nơi thực tại đang là. Có một Bùi Hưu lang thang tìm biết cái tuyệt đối đâu đó và một Bùi Hưu trở về trọn vẹn thấy ra thực tại chính mình như nó đang là.

Nếu ngay nơi thực tại mà tâm thấy thực tánh pháp thì đã ngộ rồi. Còn nếu chưa thấy thực tánh là do tâm còn lang thang tìm kiếm nơi vọng tưởng, thì chỉ cần trở về trọn vẹn với thực tại (ehipassiko) là thấy ngay (sanditthiko). Đơn giản là khi đang làm gì thì trọn vẹn với việc đó. Khi tâm hoàn toàn trọn vẹn với thực tại thì tự tâm trở nên trong sáng với thực tại. Lúc đó thực tại sẽ được thấy đúng như nó đang là, không thêm bớt gì cả.

Cái tâm trong sáng này đã có sẵn nơi mỗi người, chứ không phải là kết quả của bất cứ quá trình rèn luyện nào. Vì chúng ta buông lung phóng dật quá nhiều nên cái tâm trong sáng này mới bị che lấp đi, trói buộc lại mà không thấy rõ thực tại đang diễn ra. Chỉ cần buông xả, liền ngay đó trở về trọn vẹn với thực tại thì tâm liền trong sáng. Chỉ vậy thôi chứ không làm gì cả. Thái độ "không làm" này chính là “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” trong cốt lõi của thiền.

Có những người khi làm việc tâm bị căng thẳng vì nỗ lực thái quá và bị trói buộc vào công việc hoặc vào hoàn cảnh bên ngoài, đến khi về nhà lẽ ra cần nghỉ ngơi thư giãn để lập lại quân bình cho thân tâm thì họ lại cố gắng tập trung tư tưởng vào bên trong để tranh thủ đạt được những trạng thái thiền định. Tâm phân tán vì bị dính mắc bên ngoài hay co rút vì bị ràng buộc bên trong thì cũng đều bị trói buộc như nhau, và cả hai đều hữu vi, hữu ngã.

"Không làm" tức vô vi, vô ngã thì tâm không còn lực nào lôi cuốn hay trói buộc vào đâu cả nên ngay đó liền thong dong tự tại. Thong dong tức là đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc gì cũng không bị trói buộc, tự tại tức là đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc gì cũng hoàn toàn trọn vẹn với việc đó. Khác với tình trạng đi thì đi cho cố, về cũng về cho cố, làm gì cũng vội vã, chưa xong việc này đã muốn nhảy sang việc khác. Bị tham-sân-si lôi kéo như thế nên làm sao có đủ nhẫn nại để trọn vẹn với thực tại đang là.

Yếu tố thứ 4 của thiền là nhẫn nại
Nếu không có yếu tố nhẫn nại này thì tâm khó có thể trọn vẹn với thực tại được. Nếu trở về với thực tại mà thấy nó an lạc, sung sướng quá, thế là liền rơi vào tham đắm. Ai cũng muốn lạc nên không ai thấy rõ bản chất của cuộc đời này là khổ. Có biết đâu khổ mới chính là ý nghĩa kỳ diệu của cuộc đời vì chỉ có nó mới giúp chúng ta giác ngộ.

Chúng ta làm đủ mọi cách để cuộc sống của mình được dễ dàng hơn, an lạc hơn. Ngay cả tu tập cũng vì mục đích này, vì thế mà luôn nỗ lực, tinh tấn làm sao tu cho mau khiến khổ chạy theo không kịp. Nhưng một khi không thấy sự thật của cuộc sống, sống với những ảo tưởng rồi cố gắng thực hiện những ảo tưởng đó thì tư tưởng hành động sẽ sai xấu. Với nhận thức và hành vi sai xấu như vậy thì khổ đau là kết quả đương nhiên. Chính những kết quả khổ đau này đánh thức chúng ta, giúp chúng ta tỉnh ngộ ra, mới thoát khỏi ảo tưởng mà điều chỉnh lại nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Nếu không tự thấy ra sai lầm, không học ra bài học nhân quả, không nhận trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra, không biết qua đó tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình mà chỉ cầu xin Bồ-tát cứu độ, che chở để được bình an, thì đó mới chính là tai hoạ. Ví như đưa tay vào lửa mà vẫn không biết lửa nóng thì cháy tay lúc nào không hay, làm sao ai che chở cho được.

Sự kỳ diệu trong bản chất cuộc đời là ở chỗ nó rất phân minh, rành  rẽ, rõ ràng, minh bạch. Do nhận thức không đúng bản chất của đời sống, không đúng bản chất của mình dẫn đến tưởng tượng, từ tưởng tượng dẫn đến tham ái, từ tham ái dẫn đến hành vi sai lầm, hành vi sai lầm đương nhiên phải gặp khổ. Khổ đau là câu trả lời chính xác và tuyệt diệu nhất có thể giúp chúng ta phá đi những ảo tưởng, những quan niệm sai lầm, từ đó điều chỉnh lại nhận thức và hành vi cho đúng tốt.

Cho nên trốn tránh hậu quả khổ đau do chính mình tạo ra là phi lý. Đau khổ là trạng thái xuất phát từ thái độ sống sai lầm. Vì vậy điều cần chuyển hoá chính là thái độ tâm vốn là nguyên nhân gây ra trạng thái đau khổ ấy chứ không phải thay đổi hậu quả khổ đau đang diễn ra. Vì không thấy ý nghĩa của đau khổ nên mới đi tìm cái lạc. Ví như đá phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt mới thành ngọc quý.

Trong tiến trình giác ngộ giải thoát thì đau khổ đóng vai trò rất quan trọng. Muốn thoát ly khỏi sự ràng buộc của một pháp thì cần thấy rõ sự sinh khởi của nó như thế nào, thấy sự hấp dẫn và sự tai hại của nó là gì, rồi thấy nó đoạn diệt ra sao mới được. Việc thấy rõ tiến trình sinh - lạc - khổ - diệt của một pháp chính là giác ngộ - thấy rõ bản chất của pháp đó, và giải thoát – không bị pháp đó ràng buộc nữa. Qua đó có thể thấy khổ đau chính là một bước tất yếu trong tiến trình giác ngộ - giải thoát. Nếu chỉ thích sinh và lạc mà không chịu thấy ra khổ và diệt thì làm sao giác ngộ giải thoát được. Phải thấy khổ mới có giác ngộ và giải thoát, vì thế khổ được xem là chân lý thứ nhất: Khổ Đế trong Tứ Diệu Đế mà Đức Phật đã chỉ rõ trong kinh Chuyển Pháp Luân.

Giác ngộ - giải thoát tức là thấy ra tính chất sinh - diệt - lạc - khổ của các pháp là đương nhiên. Nói cho dễ hiểu đó là nguyên lý có sinh tức có diệt,lạc tức có khổ.  Do thích sinh mới có diệt, do thích lạc mới có khổ. Như vậy cần phải chấp nhận hậu quả khổ đau để thấy ra chân lý về sự khổ (Khổ đế), và nhờ đó mà thấy ra nguyên nhân tạo ra sự khổ ấy (Tập đế). Tâm giác ngộ được Khổ đếTập đế chính là Đạo đế, qua đó đồng thời thực chứng được an lạc của tịch tịnh giải thoát (Diệt đế: Niết-bàn). Chữ lạc trong an lạc hay tịch tịnh lạc khác xa với cảm giác lạc mà bản ngã vô minh ái dục tìm cầu để rồi chỉ chuốc lấy khổ đau. Do đó giác ngộ chân lý về sự khổ thì mới có an lạc, còn muốn trốn tránh khổ để được lạc thì không bao giờ giác ngộ được. Một người sinh ra trong đời mà thấy rõ được bản chất đương nhiên của sự khổ trong sinh - lão - bệnh - tử, và người ấy sống an nhiên tự tại, tuỳ duyên thuận pháp, không tránh khổ không ham lạc,  thì đó chính là người giác ngộ - giải thoát.

Pháp thế gian luôn đi thành từng cặp đối lập với nhau như: được - mất, hơn - thua, thành - bại, vui - khổ, khen - chê, vinh - nhục, v.v… Nếu sống trong cuộc đời mà cứ chọn mặt này bỏ mặt kia thì chắc chắn không bao giờ vừa ý mà chỉ chuốc thêm đau khổ. Có người thì chỉ chọn mặt khổ để tu hành, người khác lại chỉ chọn mặt lạc để hưởng thụ, cả hai đều không biết thì sống tuỳ duyên thuận pháp. Cái gì đến với mình dù là mặt thuận hay nghịch cũng đều có bài học hay của nó. Nên người trí khi gặp mặt nào cũng bình thản đón nhận để học ra cả hai mặt của đời sống, đó chính là sống tuỳ duyên thuận pháp, tức là đang thực sự sống trọn vẹn trong sáng với thực tại mà không phân vân chọ lựa, như đức Phật dạy trong Hạnh Phúc Kinh:
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng.
Khi làm việc gì (hữu sự) thì thường thận trọng, chú tâm, quan sát, khi không làm gì (vô sự) thì thường sáng suốt, định tĩnh, trong lành; đó chính là sống không động, không sầu, tự tại và vô nhiễm. Thận trọng, chú tâm, quan sát là tuỳ dụng giới-định-tuệ; sáng suốt, định tĩnh, trong lành là tự tánh giới-định-tuệ, và trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại là tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác, đó chính là thể hiện giới-định-tuệ rốt ráo trong đời sống tuỳ duyên thuận pháp.

Khi gặp thuận cảnh như thành công, vui vẻ… thì tương đối dễ tuỳ duyên thuận pháp, nhưng khi gặp nghịch cảnh như thất bại, khổ đau… thì yếu tố nhẫn nại vô cũng cần thiết để chấp nhận bài học khó khăn trong cuộc sống. Nếu nhận thức được rằng sinh ra trong cuộc đời là để học ra cả hai mặt khổ vui, xấu tốt, thành bại, được mất ..., thì sẽ dễ dàng chấp nhận cả hai để học ra bài học giác ngộ. Nhưng nếu chỉ giữ lấy mặt ưa thích, loại đi mặt chán ghét, tức là cứ trốn tránh những bài học khó hoài như vậy thì đến bao giờ mới học ra bài học giác ngộ. Thực tế hai mặt của cuộc sống luôn đi cùng nhau, nên đã chọn mặt ưa thích thì vô tình cũng phải lấy luôn mặt chán ghét, hoặc bỏ mặt chán ghét thì vô tình cũng bỏ luôn mặt ưa thích.

 Quan trọng là thái độ trầm tĩnh sáng suốt, tự tại vô ngại đối với hai mặt của đời sống chứ không phải là lựa chọn được mặt nào vừa ý. Sự lựa chọn thường dựa vào cảm tính, tức thường chọn cái ưa thích, vừa ý. Nhưng mà coi chừng cái bây giờ được ưa thích về sau có thể trở thành bị chán ghét và ngược lại. Cuộc đời luôn là hai mặt do đó chúng ta cần chấp nhận cả hai, muốn vậy thì cần phải có yếu tố nhẫn nại mới có thể sống tuỳ duyên thuận pháp, vô ngã vị tha.

HỎI:
- Thưa thầy, làm thế nào để rèn luyện tâm từ?
ĐÁP:
- Con luyện tâm từ để làm gì? Tâm từ cũng như các đức tính cao đẹp trong đời sống này luôn sẵn có trong mỗi người, muốn thể hiện tâm từ đầu tiên phải biết nhẫn nại trước. Thiếu nhẫn nại thì dễ nổi sân, làm sao có lòng từ được. Mục đích của phát triển tâm từ là để tâm không sân, vậy muốn thể hiện tâm từ thì cứ tu nhẫn nại để tâm sân không khởi lên với những đối tượng nghịch ý. Tâm không sân tức là tâm từ chứ không phải là phát triển một tình thương yêu nào đó.

Ví như thấy con muỗi vo ve trên vai, rồi cảm thấy vai bị nó đốt, theo thói quen lấy tay đập một cái liền, đó chính là thiếu nhẫn nại. Nếu có đủ nhẫn nại thì đầu tiên phải nhìn xem cho rõ cái gì đang xảy ra trước khi phản ứng lại. Thiếu nhẫn nại thì không thể có lòng từ bi. Cần biết nhẫn nại với nắng, với mưa, với nóng, với lạnh… với mọi thứ đến với mình trong cuộc đời.

Một số gia đình thường dạy con một cách sai lầm ngay từ khi còn nhỏ. Khi đứa trẻ bị đau do đụng vào vật gì đó, người mẹ liền tới "đánh đòn" chỗ ấy ngay: "Làm con tôi đau nè! Làm con tôi đau nè!". Làm như vậy vô tình đã tập cho bé thói quen không nhẫn nại khi gặp trở ngại.  Ban đầu nên tập nhẫn mỗi khi gặp trở ngại. Đồng thời tập nhìn, nghe và tiếp xúc mọi đối tượng với tâm không sân, với thái độ thân thiện, dịu dàng và mát mẻ. Đó chính là rải tâm từ. Có người tụng kinh rải tâm từ khi tâm vẫn còn đang sân, tuy miệng đọc: "Nguyện cho tất cả chúng sinh được an vui…" nhưng thái độ sân vẫn còn đó nên vô tình thành ra rải tâm sân chứ không rải tâm từ tí nào.

Khi nhận ra đau khổ có ý nghĩa lớn giúp điều chỉnh nhận thức trên con đường giác ngộ giải thoát, chúng ta không những không chống lại mà bắt đầu biết trân trọng những nỗi khổ đau. Lúc đó chúng ta có thể sống trong đau khổ với thái độ thản nhiên, đó mới chính là nhẫn nại thật sự. Mọi hiện tượng đời sống đều tương đối và tạm thời, phải tuỳ theo trí tuệ và nhân duyên lúc đó mà hành động. Nếu đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo như ý mình thì không bao giờ có được. Vì vậy để có nhẫn nại, để có tâm từ thì cần có trí tuệ. Trí tuệ ở đây chính là trọn vẹn trong sáng với thực tại.

Trí tuệ đi đôi với buông xả, không dính mắc. Những buông xả đầu tiên đưa đến trí tuệ trong 10 ba-la-mật là: bố thí, trì giớily dục. Bố thí là để xả ly tham lam ích kỷ. Trì giới là xả ly những hành động sai trái. Ly dục là xả ly những ham muốn dục lạc… Thực hành những buông xả này tâm mới có thể trọn vẹn trong sáng với thực tại, tức là bắt đầu có trí tuệ thấy pháp như nó đang là, và từ đó nhẫn nại, từ bi mới có thể phát huy tác dụng.

Làm thế nào để rèn luyện tính nhẫn nại?
Chính nhờ gặp những nghịch cảnh đến với chúng ta trong cuộc sống. Chẳng hạn như ban đầu chúng ta chỉ biết gom góp bao nhiêu tiền bạc vào cho thật nhiều, không thể cho ra đồng nào. Rồi nhờ bị ăn trộm vô lấy mất mới chợt hối hận là hôm kia đã không chịu đưa cho mẹ mượn, hoặc chiều qua không dám giúp người hàng xóm đang gặp khó khăn… phải chi mình cho đi còn có ân có nghĩa thì hay biết mấy, bây giờ mất hết rồi có được gì đâu!.  Rồi từ đó bắt đầu biết chia sẻ cho những người thân thương như cha mẹ, ân nhân, bạn bè, quyến thuộc… Nhờ cho đi quen rồi mới thấy cho đi cũng là niềm hạnh phúc, do đó dần dần biết  trải rộng tấm lòng ra với mọi người, bắt đầu biết bố thí với đúng ý nghĩa của nó, tức là để xả lý tham chấp của mình và để giúp đỡ người khác. Nếu chỉ bố thí với mục đích kiếp sau được giàu thì coi như chưa hề bố thí gì cả, vì long ích kỷ vẫn còn nguyên.

Trong cuốn sách Sống Trong Thực Tại, chương 6 - Bình Thản Đón Nhận thầy có nói rất kỹ về yếu tố nhẫn nại này. Chính yếu nhẫn nại vẫn là thái độ có thể đón nhận một cách tuỳ duyên tất cả những gì đến với chúng ta để học ra bài học giác ngộ.

 HỎI:
Thầy nói nhẫn nại để học ra bài học cuộc đời. Con không hiểu học là học ra cái gì? Chồng con phản bội con mà lại bắt con phải nhẫn nại để học cái gì trong đó?
 ĐÁP:
- Tại sao không, học ở đây không phải là học ra điều gì trong đó mà chính là học giữ nội tâm con thăng bằng trước hai mặt đối lập: được - mất, hơn - thua, thành - bại, vui - khổ… của cuộc sống. Tức là dù cái gì xảy ra, tâm vẫn sáng suốt - định tĩnh - trong lành, đầy đủ giới - định - tuệ thì nội tâm mới có thể thanh tịnh trước tất cả các pháp. 

Học kiểu thu góp kiến thức theo Lão tử chỉ là "Vi học nhật ích" tức là kiến thức càng nhiều thì càng thêm phiền toái, còn học Đạo chính là "Vi đạo nhật tổn", học để mà buông bớt kiến thức đi, để tâm bình lặng lại, không còn lăng xăng tìm kiếm nữa. Được rèn luyện khi trải qua cả hai mặt thăng trầm của cuộc sống mới học được bài học trí tuệ, nhẫn nại và từ bi, mới đủ bản lãnh để giữ thăng bằng trước mọi thăng trầm, biến động hoặc nghịch cảnh với một nội tâm an nhiên thanh tịnh.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét